Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nên làm gì với lòng nhân đạo mạo danh?

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngày hôm qua, trong một cuộc trao đổi với báo Tuổi Trẻ, Nguyễn Quốc Khiêm, 26 tuổi, người mạo nhận là sinh viên y khoa rồi làm việc tại khu cách ly tại Trường Cao đẳng Điện lực TPHCM ở quận 12, đã thú nhận mình “chỉ muốn góp sức giúp bệnh nhân thôi”(1). Câu chuyện về người giả danh này không nên chỉ dừng lại ở đó.

Hôm qua, báo chí cũng đưa tin lãnh đạo TPHCM đã yêu cầu công an “làm đến nơi đến chốn” vụ này. Theo các báo, tháng 7-2021, Nguyễn Quốc Khiêm có mặt trong nhóm sinh viên tình nguyện từ Đại học Y Dược TPHCM về công tác chống dịch tại quận 12 và được phân công đến điểm điều trị F0 tại Trường Cao đẳng Điện lực. Sự mạo nhận này bị phanh phui gần đây khi báo Pháp luật TPHCM đăng bài viết nêu lên vấn đề.

Tình nguyện chống dịch là việc rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, trong trường hợp này người mạo nhận đã đi quá đà khi dùng giấy tờ giả mạo để được nhận. Theo người viết, dư luận đang chờ kết luận điều tra làm rõ nguyên nhân, mục đích thực sự đằng sau vụ giả danh, đặc biệt là hậu quả của nó trong thời gian Khiêm “làm việc” tại khu điều trị F0.

Cho dù nếu hậu quả không có gì trầm trọng, người giả danh cũng cần được xử lý đích đáng để răn đe. Ngoài việc mạo nhận sinh viên y khoa, Khiêm sau đó còn tự nhận mình là bác sĩ nội trú ở Bệnh viện Chợ Rẫy cũng như làm giả giấy khen do Sở Y tế TPHCM cấp. Vì thế, người này khó có thể biện minh rằng mình chỉ hành động với mục đích tình nguyện cứu người.

Ngược lại, trong trường hợp hậu quả nghiêm trọng, Khiêm nhất thiết phải chịu trách nhiệm hình sự. Sức khỏe và mạng sống con người không thể là chuyện đùa để mạo danh bất kể vì lý do gì, nhân đạo hay nguyên nhân khác.

Về phía các đơn vị liên quan cũng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong lỗ hổng quản lý tình nguyện viên. Đành rằng vào thời điểm dầu sôi lửa bỏng của dịch hồi năm ngoái, sơ suất là khó tránh khỏi, việc để lọt lưới trường hợp không đáng có tại một cơ sở điều trị F0 cũng cần được “làm đến nơi đến chốn” tương tự như vụ điều tra mạo danh của ngành công an.

Quan trọng không kém điều vừa nêu là các lãnh đạo cao nhất của TPHCM cũng nên hành động quyết liệt hơn để giải quyết nghịch lý về nhân lực y tế tại thành phố này. Cùng thời gian dư luận xôn xao về vụ giả danh, trong buổi họp mặt tri ân các thầy thuốc tiêu biểu trong đào tạo nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe ở TPHCM, lãnh đạo ngành y tế thành phố đề cập đến một thực trạng kéo dài. Đó là ngành y TPHCM đang có quá nhiều bác sĩ chuyên khoa so với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng bác sĩ thực hành tổng quát(2). Đây là hậu quả của việc các bác sĩ mới tốt nghiệp đều muốn trở thành bác sĩ chuyên khoa, bỏ trống gần như hoàn toàn lĩnh vực thực hành tổng quát và bác sĩ gia đình. Nguyên nhân cho tình trạng vừa thiếu vừa thừa này cũng đã rõ: thu nhập của thầy thuốc.

PGS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, người tham gia buổi họp mặt, đã ví ngành y như con chim với hai cánh: một bên cánh là y tế chuyên sâu và cánh bên kia là y tế cơ sở(3). Và như vậy, một con chim với một bên cánh không phát triển hay phát triển èo uột, làm sao cất cánh nỗi, hoặc nếu có cũng chỉ có thể bay nửa đường rồi gãy cánh mà thôi.

Thống kê cho thấy nhân lực y tế cơ sở ở TPHCM chỉ đạt 2,31 người trên 1.000 dân so với mức trung bình 7 người trên toàn quốc(3). Nghịch lý đó ở TPHCM càng bộc lộ rõ qua các đợt cao điểm của đại dịch Covid-19.

Cũng hiện diện tại buổi họp mặt, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng mô hình đào tạo nhân lực đáp ứng được nhu cầu thực tiễn là bài toán cần giải quyết(4). Theo ông Mãi, thành phố sẽ lựa chọn các mô hình tốt và bàn bạc nhằm đưa ra các giải pháp và chiến lược trong thời gian tới.

Mong rằng những lời này của Chủ tịch UBND TPHCM sẽ trở thành kế hoạch cụ thể để giúp chúng ta cải thiện chất lượng chăm sóc y tế của mình, cũng như tránh câu chuyện về “lòng nhân đạo mạo danh” bên trên.

---------------

(1)https://tuoitre.vn/nguoi-bi-to-gia-danh-bac-si-lam-viec-trong-khu-cach-ly-toi-rat-can-rut-20220222113356888.htm

(2), (4)https://tienphong.vn/nghich-ly-nguoc-ve-nhan-luc-y-te-tai-tphcm-post1417997.tpo

(3)https://vnexpress.net/mot-minh-tp-hcm-kho-giu-chan-nhan-vien-y-te-4400678.html

1 BÌNH LUẬN

  1. Nhân đạo chính là đạo làm người, chứ không hẳn/ không chỉ là hoạt động từ thiện. Do vậy, không có “nhân đạo mạo danh” mà chỉ có “mạo danh nhân đạo”. Trên đời cái gì cũng có thể xảy ra. Nhưng có một thứ không được phép xảy ra, đó là con người tạo ra đạo, chứ không phải ngược lại, đạo tạo ra con người.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới