Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nên làm rõ khái niệm “điều khoản bất bình đẳng”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nên làm rõ khái niệm “điều khoản bất bình đẳng”

Lâm Văn Triển (*)

(TBKTSG) – Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được đưa vào chương trình làm luật năm 2010 và dự kiến sẽ được biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII sắp tới. Tuy nhiên, với tính chất đa ngành và phạm vi điều chỉnh rất rộng, dự án luật hiện nay vẫn còn khá sơ sài và chưa làm rõ được nhiều khái niệm quan trọng, nhất là khái niệm “điều khoản bất bình đẳng” vốn rất phổ biến trong thực tiễn pháp luật bảo vệ người tiêu dùng ở các nước.

Trong các giao dịch dân sự, nguyên tắc tự do thỏa thuận là một nguyên tắc cơ bản. Tuy nhiên, khi mua một hàng hóa hay sử dụng một dịch vụ, người tiêu dùng thường hiếm khi hiểu biết được đầy đủ các thông tin liên quan đến đặc tính kỹ thuật của sản phẩm, dịch vụ.

Ngoài ra, trong rất nhiều trường hợp, người tiêu dùng không có khả năng đàm phán, thương lượng và phải ký vào những hợp đồng mẫu do thương nhân soạn thảo trước. Những hợp đồng mẫu này sẽ đơn giản hóa thủ tục và giúp cho giao dịch được thuận tiện, nhanh chóng hơn. Nhưng trong thực tế, nhiều hợp đồng mẫu có thể chứa đựng những điều khoản gây bất lợi đáng kể cho người tiêu dùng.

Trong báo cáo đánh giá tác động của dự thảo luật, Bộ Công Thương đã phân tích nhiều trường hợp các thỏa thuận theo mẫu, các điều kiện bán hàng có những quy định nhằm hạn chế, loại bỏ quyền của người tiêu dùng.

Lấy ví dụ những điều khoản như “người tiêu dùng không được khiếu nại sau khi đã mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ” hay “hàng đã mang ra khỏi cửa hàng thì không được trả lại với bất kỳ lý do gì”… Nếu nguyên tắc tự do thỏa thuận được đảm bảo thì các điều khoản này sẽ có hiệu lực và ràng buộc đối với người tiêu dùng.

Thế nhưng, có thể thấy đây là những điều khoản hoàn toàn bất lợi mà người tiêu dùng có thể không nhận ra do không đọc kỹ hợp đồng; hoặc đối với những hàng hóa, dịch vụ mang tính chất độc quyền cao hay không có nhiều sự lựa chọn thì người tiêu dùng cũng đành phải chấp nhận.

Do vậy, luật bảo vệ người tiêu dùng ở các nước thường làm rõ khái niệm các điều khoản này với mục đích đảm bảo sự cân bằng trong giao dịch dân sự giữa người tiêu dùng và các thương nhân.

Nhìn chung, theo luật các nước, “điều khoản bất bình đẳng” được định nghĩa là điều khoản tạo ra sự mất cân bằng đáng kể giữa quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng theo hướng có lợi cho thương nhân và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Các “điều khoản bất bình đẳng” thường được biết đến với tên gọi “unfair terms” theo luật của Anh, Mỹ hay “clauses abusives” trong Bộ luật Bảo vệ người tiêu dùng của Pháp.

Theo luật bảo vệ người tiêu dùng, các “điều khoản bất bình đẳng” sẽ bị xem là vô hiệu và người tiêu dùng không bị ràng buộc bởi các điều khoản này. Trong trường hợp việc thực hiện các điều khoản này gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì thương nhân phải có trách nhiệm bồi thường.

Ở Pháp, ngoài định nghĩa rõ ràng trong luật, một ủy ban cũng được thiết lập để nghiên cứu thực tiễn hợp đồng và thiết lập danh sách các điều khoản bị xem là bất bình đẳng. Ủy ban này gồm các thẩm phán, các chuyên gia về luật hợp đồng, đại diện của thương nhân cũng như đại diện của người tiêu dùng.

Theo thời gian, danh sách các điều khoản bất bình đẳng sẽ ngày càng được bổ sung và trở thành tài liệu tham khảo rất đáng tin cậy của các thẩm phán trong quá trình giải quyết các vụ kiện liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng. Nếu cho rằng một điều khoản nào đó trong các hợp đồng hiện hành được soạn thảo bởi các doanh nghiệp là bất bình đẳng, các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng cũng được quyền khởi kiện và yêu cầu tòa án hủy bỏ các điều khoản này.

Mặc dù khá phổ biến trong luật bảo vệ người tiêu dùng ở các nước nhưng vấn đề này vẫn chưa được làm rõ một cách đầy đủ trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam hiện nay. Khái niệm “điều khoản bất bình đẳng” không được đưa vào dự thảo luật. Thực ra, tuy một số khía cạnh của vấn đề này có được quy định tại điều 16 của dự thảo nhưng chỉ thuộc dạng liệt kê một số điều khoản vô hiệu phổ biến trong hợp đồng.

Với quá trình phát triển của nền kinh tế, các lĩnh vực kinh doanh sẽ ngày càng đa dạng, phức tạp hơn. Cùng lúc đó, thực tiễn các “điều khoản bất bình đẳng” trong hợp đồng cũng trở nên phong phú và khó dự đoán hơn trước rất nhiều. Vì thế, việc chỉ liệt kê một số điều khoản vô hiệu mà không đưa ra được một định nghĩa mang tính khái quát hóa sẽ khiến luật không bao quát được tất cả các trường hợp trong thực tế và có thể nhanh chóng trở nên lạc hậu so với thực tiễn.

Hơn nữa, giả sử nếu một hợp đồng có những điều khoản gây bất lợi đáng kể cho người tiêu dùng nhưng lại nằm ngoài các điều khoản vô hiệu phổ biến được liệt kê trong luật thì quyền lợi của người tiêu dùng cũng sẽ khó được bảo vệ hiệu quả.

_____________________

(*) Nghiên cứu sinh ngành Luật tại Pháp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới