Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nền tảng mở rộng lúa chất lượng cao đã sẵn sàng nhưng ai hỗ trợ đầu ra?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nền tảng sản xuất quy mô lớn lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã sẵn sàng. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn mà đề án cần vượt qua, đó là hoàn thiện bài toán đầu ra cho hạt lúa - vốn là một thách thức không hề nhỏ tồn tại nhiều năm qua ở ngành hàng chủ lực này…

Nền tảng mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp đã đầy đủ. Ảnh: Trung Chánh

Trừ tỉnh Bến Tre, 12 địa phương còn lại ở ĐBSCL sẽ tham gia đề án lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, có mục tiêu đạt 1 triệu héc ta vào năm 2030, trong đó, đến năm 2025, có khoảng 200.000 héc ta áp dụng quy trình, kỹ thuật canh tác của đề án đưa ra.

“Nền tảng” mở rộng sẵn sàng

Thực tế, đến thời điểm hiện tại, “nền tảng” để mở rộng phát triển sản xuất lúa chất lượng cao ở ĐBSCL đã đầy đủ và có thể triển khai ngay để đạt mục tiêu áp dụng quy trình kỹ thuật đề án đưa ra.

Vấn đề quan trọng đầu tiên, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông) nhấn mạnh, đề án là “kết tinh” và có bước phát triển cao hơn dựa vào tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được các nhà khoa học nghiên cứu ở ĐBSCL, bao gồm "3 giảm 3 tăng" và "1 phải 5 giảm".

Theo đó, 3 giảm 3 tăng, tức thực hành giảm giống, phân và thuốc bảo vệ thực vật và tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Trong khi đó, 1 phải 5 giảm, tức phải sử dụng giống có chứng nhận và giảm giống gieo sạ, phân bón, nước tưới (áp dụng quy trình tưới ngập- khô xen kẽ), số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thất thoát sau thu hoạch.

Giải pháp kỹ thuật nêu trên đã được nông dân thực hành trên đồng ruộng tại 7 mô hình thí điểm ở 5 địa phương ĐBSCL, gồm Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng và Trà Vinh, với kết quả mang lại tốt. Đây là “nền tảng” để mở rộng sản xuất quy mô lớn ở vùng này.

Theo dữ liệu từ Cục trồng trot, lượng giống gieo sạ đã giảm xuống còn 60-70 kg/héc ta so với mức truyền thống nông dân áp dụng là 120-150 kg/héc ta; lượng phân đạm từ 120-130 kg/héc ta giảm xuống còn 75-90 kg/héc ta (tuỳ phương pháp gieo sạ).

Từ việc giảm giống và phân đã giúp giảm đáng kể sâu bệnh hại trên đồng ruộng, cho nên, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm ít nhất 1 lần/vụ và nhiều nhất đến 4 lần/vụ so với mô hình đối chứng.

Kết quả cho thấy năng suất lúa khi áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác của đề án 1 triệu héc ta cao hơn mô hình đối chứng, trong đó, mô hình tại tỉnh Sóc Trăng có năng suất cao hơn từ 8,9 đến 13,7%. Điều này, giúp lợi nhuận của người nông dân thu được tăng lên đáng kể so với mô hình đối chứng, cao hơn 13-18 triệu đồng/héc ta đối với mô hình ở Sóc Trăng (giống ST25).

Trong khi đó, về vấn đề tín dụng- vốn là một khó khăn rất lớn đối với ngành hàng lúa gạo, thì phía ngân hàng cũng cam kết cung cấp đầy đủ nguồn vốn để triển khai đề án với lãi suất thấp hơn ít nhất 1% so với lãi suất đang áp dụng trong cùng kỳ hạn.

Liên quan việc này, bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, đơn vị này không hạn chế nguồn vốn giải ngân, nhưng bước đầu sẽ cung cấp khoảng 10.000 tỉ đồng như quy mô dự kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Dưới góc độ doanh nghiệp tham gia đề án, tại diễn đàn bàn về giải pháp nhân rộng các mô hình thí điểm của đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao diễn ra mới đây ở thành phố Cần Thơ, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An nhấn mạnh, việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Nhà nước đạt thoả thuận cung cấp đủ vốn cho doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia đề án tạo tiền đề thành công cho đề án.

Ngoài ra, việc hoàn thiện lực lượng khuyến nông cơ sở cũng sẽ góp phần quan trọng trong hướng dẫn, chuyển giao công nghệ và theo dõi việc triển khai trên thực địa ở quy mô lớn của đề án tại khu vực ĐBSCL.

Với những nền tảng được thiết lập, ông Tùng của Cục trồng trọt kỳ vọng, Việt Nam sẽ xây dựng thành công thương hiệu gạo với tên gọi “gạo Việt xanh phát thải thấp” thời gian tới.

Có 70-80% lượng lúa ở ĐBSCL được lưu chuyển thông qua thương lái. Tuy nhiên, thách thức lớn là kéo lực lượng này tham gia đề án bằng cách nào. Ảnh: Trung Chánh

“Kéo” thương lái vào bằng cách nào?

Dù nền tảng mở rộng sản xuất đã sẵn sàng, nhưng ông Tùng của Cục trồng trọt thừa nhận, chuỗi ngành hàng lúa gạo còn rất nhiều điểm nghẽn phải giải quyết. “Đề án 1 triệu héc ta sẽ tham gia giải quyết vấn đề này”, ông nói.

Theo đó, tất cả các thành tố tham gia vào chuỗi ngành hàng lúa gạo phải được nhìn nhận là những người nằm trong đề án 1 triệu héc ta. Đây có thể là là cách nhìn khác của đề án này so với những đề án khác. Vậy điểm nghẽn đang gặp phải là gì?

Trao đổi với KTSG Online liên quan vấn đề này, ông Tùng băn khoăn làm sao để thu hút được lực lượng thương lái tham gia vào đề án 1 triệu héc ta, bởi trong chuỗi ngành hàng này, có 70-80% lượng lúa phải qua thương lái. “Để lưu chuyển khoảng 24 triệu tấn lúa ở ĐBSCL mỗi năm, tức tương đương khoảng 2 triệu tấn/tháng đa phần (70-80%) phải qua thương lái”, ông dẫn chứng.

Hiện tại, có khoảng 250 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo, trong đó, đa phần là thành viên của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) và một ít nằm ở bên ngoài, tức không phải là thành viên của VFA. Nhóm doanh nghiệp này đang đảm nhận nhiệm vụ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo mỗi năm. Tuy nhiên, lực lượng này phần lớn không trực tiếp mua lúa từ nông dân/hợp tác xã để xay xát chế biến xuất khẩu, mà gom mua gạo từ khoảng 500 đầu mối cung cấp ở trong nước.

Trong khi đó, nhiệm vụ gom lúa từ nông dân/hợp tác xã được thực hiện bởi 20.000 thương lái, sau đó, đưa vào nhà máy xay xát để chế biến và cung cấp đến các đầu mối cung ứng gạo cho doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu.

Từ thực tế cách vận hành của chuỗi ngành lúa gạo như nêu trên, ông Tùng tái khẳng định, vấn đề hiện nay là phải “kéo” lực lượng thương lái và đơn vị cung ứng gạo cho doanh nghiệp xuất khẩu vào đề án.

Tuy nhiên, theo thừa nhận của vị phó cục trưởng Cục trồng trọt, đơn vị này hiện vẫn chưa biết cách giải quyết. “Mình đặt ra vấn đề, sau đó, các chuyên gia, doanh nghiệp có thể cùng hiến kế, bàn cách để giải quyết”, ông nói.

Trao đổi với KTSG Online, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL (đề nghị không nêu tên) khẳng định, doanh nghiệp xuất khẩu gạo khó có thể mua lúa trực tiếp từ nông dân/hợp tác xã. Bởi lẽ, việc này phải duy trì “bộ máy” để toả đi khắp nơi thu mua và doanh nghiệp phải đầu tư thêm thiết bị, hạ tầng, khiến chi phí tăng lên rất lớn, khó để cạnh tranh.

Rõ ràng, việc kéo thương lái cũng như đơn vị cung ứng gạo vào đề án 1 triệu héc ta là cần thiết, bởi đây là bước nâng cấp lực lượng này. Qua đó, chuẩn hoá được việc mua bán cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho tiêu dùng trong nước lẫn xuất khẩu. Đây cũng sẽ là cơ sở để hướng đến mục tiêu tạo thương hiệu “gạo Việt xanh phát thải thấp”.

Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, vấn đề là làm sao thu hút được khoảng 20.000 thương lái và 500 đơn vị cung ứng gạo xuất khẩu tham gia vào đề án. Điều này rất cần có sự “hiến kế” của các bên liên quan, các nhà khoa học lẫn chuyên gia…

Ông Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường chính sách công và phát triển nông thôn cũng nhấn mạnh, cần có chính sách khuyến khích thương lái tham gia vào chuỗi ngành hàng lúa gạo của đề án 1 triệu héc ta. “Dĩ nhiên, khi tham gia vào chuỗi này, thì mới phân loại được đâu là thương lái uy tín và đâu là lái kém chất lượng, nhưng đây là điều rất khó”, ông nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới