Chủ Nhật, 6/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nếu đơn giản thế thì ai cũng có thể làm quản lý y tế!

Minh Duy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hôm 21-12, tức ba ngày sau khi Tổng giám đốc Công ty Việt Á bị bắt vì nâng giá kit xét nghiệm, Bộ Y tế đưa ra thông báo về vụ việc.

Thông báo rất dài nhưng chủ yếu tập trung vào những nội dung là bộ đã làm đúng quy trình khi cấp phép cho kit xét nghiệm của Việt Á, việc cấp phép cho sản phẩm của công ty này cũng như của những công ty khác không phụ thuộc vào danh sách do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố.

Về giá bán, Bộ Y tế đã yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng trang thiết bị y tế công khai giá, kết quả trúng thầu còn quyết định mua kit là của các địa phương. Cuối cùng, cơ quan này nhận định, vụ Việt Á nâng giá khống bộ xét nghiệm Covid-19 rất nghiêm trọng, cần phải được xử lý nghiêm minh.

Có thể thấy, với thông báo này, Bộ Y tế cho rằng đã làm những việc mà cơ quan quản lý cần làm. Thế nhưng, phần đông dư luận không đồng ý với giải thích này, ít nhất là với hai vấn đề, gồm cấp phép và niêm yết giá.

Đầu tiên, bộ giải thích, việc cấp phép kit xét nghiệm của Việt Á là dựa trên đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ, kết quả đánh giá đáp ứng về độ nhạy và độ đặc hiệu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cùng kết quả xác nhận cơ sở sản xuất của công ty đã đạt tiêu chuẩn ISO 13485:2016 do Tổ chức Bureau Veritas cấp.

Tức là, việc cấp phép cho một sản phẩm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng chục triệu người dân như kit xét nghiệm Covid-19 chỉ dựa trên giấy tờ, thấy ổn là thông qua mà không có kiểm tra thực tế về nhà xưởng, năng lực sản xuất, hệ thống kiểm soát chất lượng… để đảm bảo sản phẩm thị trường y như hàng mẫu.

Với quy trình này, việc tạo ra một “sản phẩm ảo” có vẻ dễ dàng. Phải chăng doanh nghiệp chỉ cần có vài sản phẩm mẫu cùng bộ hồ sơ đẹp là được? Phải chăng chỉ cần được cấp phép là doanh nghiệp không cần phải sản xuất có thể dễ dàng mua cái khác về bán thu lợi vì chẳng ai kiểm tra thực tế hay hậu kiểm sau khi cấp phép? ....

Mấy ngày nay, kết quả kiểm tra cơ sở sản xuất của Việt Á đã làm nhiều người giật mình, không hiểu sao xưởng sản xuất nhỏ xíu của công ty này lại có thể cho ra hàng triệu kit xét nghiệm cung cấp cho hàng chục tỉnh, thành trên cả nước như thời gian qua.

Giả sử, nếu những người có chức trách quản lý y tế, sức khỏe cho người dân chịu “vi hành” một chuyến để xem thực tế thì có lẽ đã có những quyết định khác.

Về giá bán, Bộ Y tế cho biết đã hướng dẫn, đôn đốc và yêu cầu các doanh nghiệp công khai giá trên Cổng công khai giá trang thiết bị y tế.

Cùng thời điểm Việt Á niêm yết giá 470.000 đồng/sản phẩm thì các công ty lại báo giá 300.000 đồng, 385.000 đồng, 179.800 đồng... Tại sao cơ quan quản lý y tế lại không thắc mắc và tìm câu hỏi về sự chênh lệch này trong khi biết thông tin trên đây là cơ sở để các địa phương tham khảo khi xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm, đấu thầu.

Và tại sao, Bộ Y tế cũng không thắc mắc gần như các tỉnh, thành đều sử dụng sản phẩm của Việt Á này dù giá cao hơn rất nhiều so với các công ty khác?

Với sản phẩm thông thuờng, khi cần xem giá, người mua chỉ cần vào trang web so sánh giá là có đầy đủ thông tin, kể cả số liên lạc và cả chỉ đường đến chỗ bán nhưng với một sản phẩm y tế như kit xét nghiệm, người mua cần sự bảo chứng cao hơn.

Vì vậy, người ta chọn Cổng công khai giá trang thiết bị y tế vì coi đây không đơn giản chỉ là nơi để doanh nghiệp công khai bảng giá mà còn là nơi có những thông tin đã được cơ quan quản lý y tế sàng lọc. Chẳng lẽ cổng thông tin của Bộ Y tế mà doanh nghiệp có thể thoải mái "hét giá" trên đó hay sao?

Vì vậy, việc quản lý giá của một sản phẩm y tế, đặc biệt là một sản phẩm mà hàng chục triệu con người phải bỏ tiền ra trong dịch bệnh không thể chỉ dừng lại ở việc cho doanh nghiệp thông báo về giá bán là xong.

Nếu chỉ có thế, như đã nói ở trên, chỉ cần một trang web so sánh giá trên thị trường là xong, cần chi đến cơ quan quản lý!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới