Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

NFT dưới góc độ Luật Bản quyền: hiểu thế nào cho chính xác?

Lê Thiên Hương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Luật Bản quyền sẽ áp dụng như thế nào trong trường hợp tác phẩm ở dạng NFT?

NFT (Non Fungible Token), như tên gọi của nó - token “không thể thay thế” - chính là một loại tài sản số được đăng ký trên một chuỗi khối (blockchain) với một “địa chỉ” (theo nghĩa công nghệ blockchain) gắn với bản thân NFT đó. Tài sản này được tạo ra bởi một chương trình máy tính “hợp đồng thông minh” (smart contract), thực hiện được trên chính blockchain. Vì “hợp đồng thông minh” chỉ tạo ra một mã số chứng thực duy nhất, NFT vì thế khác với các loại tài sản số khác như bitcoin hay ethereum.

Hiện nay, số hóa tác phẩm và chuyển nó thành tài sản dạng NFT đang là “mốt”. Năm 2021, nhiều tác phẩm nghệ thuật dạng NFT đã được bán đấu giá với số tiền khổng lồ, như “Quantum” của nghệ sĩ Kevin McCoy (1,47 triệu đô la Mỹ) hay “CryptoPunk” của Larva Labs (11,7 triệu đô la). Kỷ lục nhất là tác phẩm “Everydays: the First 5.000 Days” của nghệ sĩ Beeple đã được bán với giá 69 triệu đô la, giữ vị trí là tác phẩm dạng NFT đắt nhất thế giới hiện nay.

Chúng ta đều biết rằng tác phẩm văn học, nghệ thuật có tính sáng tạo được bảo vệ bởi Luật Bản quyền, vốn công nhận quyền tài sản và quyền nhân thân của tác giả trên tác phẩm. Vì thế đặt ra câu hỏi luật bản quyền sẽ áp dụng như thế nào trong trường hợp tác phẩm ở dạng NFT?

Trước hết, cần phải nhấn mạnh rằng Luật Bản quyền phân biệt giữa tác phẩm (phi vật chất) và hình thức vật chất thể hiện tác phẩm(1). Ví dụ như đối với một bức tranh chẳng hạn, thì tác giả vẫn giữ quyền tác giả đối với bức tranh dạng phi vật chất (ví dụ như có thể cấm tạo ra bản sao tác phẩm), cho dù đã bán bức tranh gốc (hình thức thể hiện dưới dạng vật chất) cho một người khác. Người sở hữu tác phẩm gốc, nếu như không được chuyển nhượng quyền tác giả, thì không có quyền khai thác chính tác phẩm gốc mà mình sở hữu.

Tác phẩm dạng NFT là tác phẩm số hóa, và được đăng ký chứng thực trên blockchain. Nếu như chúng ta có thể tạo bản sao dạng số hóa của tác phẩm một cách không giới hạn, thì NFT có lợi thế đảm bảo chứng thực tác phẩm số hóa là bản “gốc”, mà không ai có thể tạo ra một bản “gốc” NFT thứ hai. Nhưng cũng giống như trong thế giới vật chất, người chủ sở hữu tác phẩm dạng NFT mà không phải là bản thân tác giả sẽ không “tự động” sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm, nếu như không có sự chuyển nhượng quyền tác giả bằng hợp đồng một cách hợp pháp theo quy định của luật bản quyền.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng “hợp đồng thông minh” trên blockchain chứa đựng các điều khoản liên quan tới việc chuyển nhượng quyền tác giả đồng thời cùng với việc chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản ảo NFT. Cần phải chú ý rằng, ở nhiều quốc gia (như Pháp, Đức, hay Việt Nam), hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả phải tuân thủ một số quy định chặt chẽ về mặt hình thức, vì thế ngôn ngữ lập trình của “hợp đồng thông minh” phải đảm bảo thỏa mãn yêu cầu này, nếu như không muốn hợp đồng bị coi là... vô hiệu. Tất nhiên, mục đích của NFT không phải là để chuyển nhượng quyền tác giả.

NFT không còn xa lạ với giới nghệ thuật Việt Nam, như họa sĩ Xèo Chu đã từng bán tranh dạng NFT với giá cả nửa tỉ đồng. Thế nhưng chuyện bất cập cũng không thiếu. Gần đây, họa sĩ Tèo Phạm đã bị “kẻ gian” lấy bản sao tác phẩm đăng trên Facebook cá nhân và bán nó dưới dạng NFT. Không chỉ thế, NFT còn có thể bị “hacker” lấy cắp...

NFT là một dạng “chứng nhận” quyền tài sản với tác phẩm số hóa gốc, chứ không phải là tác phẩm số hóa. Người mua tác phẩm dạng NFT, nếu muốn “thưởng thức” tác phẩm, thì có thể sẽ cần đến những “trung gian” về mặt kỹ thuật. Vì thế, sở hữu một NFT sẽ có những hạn chế trên thực tế, so với sở hữu một tác phẩm dưới dạng vật chất. Hơn nữa, trong phần lớn trường hợp, NFT cũng không đảm bảo cho chủ sở hữu một sự “độc quyền” thưởng thức tác phẩm. NFT chỉ thỏa mãn nhu cầu chứng thực quyền sở hữu “bản gốc” số hóa mà thôi.

Câu hỏi tiếp theo đặt ra là ai có thể phát hành NFT? Với tác phẩm mới, đặc biệt là tác phẩm dạng số (tác phẩm nghệ thuật thị giác dạng số, hoặc tác phẩm âm nhạc) được thể hiện dạng NFT ngay khi hoàn thành, thì khá dễ hiểu: tác giả là người chuyển tác phẩm dưới dạng NFT. Đối với một tác phẩm đã tồn tại từ trước ở dạng vật chất, như một bức tranh chẳng hạn, thì sẽ phức tạp hơn. Sẽ vô lý nếu như bất cứ ai có một bản sao tác phẩm đều có thể tạo ra NFT và coi đó là tác phẩm số hóa “gốc”, vì thế người chủ sở hữu bản gốc tác phẩm mới có thể là người số hóa tác phẩm và chứng thực trên blockchain.

Chúng ta cũng có thể tự hỏi việc tạo ra NFT trong trường hợp này liệu có thể được coi là một hình thức khai thác tác phẩm dưới góc nhìn của Luật Bản quyền hay không? Câu trả lời sẽ là không, vì trên thực tế, NFT không tạo ra một bản sao tác phẩm, mà nó tạo ra một chứng thực quyền sở hữu bản sao số hóa tác phẩm, cũng như NFT không thể được khai thác trên môi trường số. Vì thế, có thể nói rằng tạo ra NFT không được coi là một hành vi cần có sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

Trong luật của hơn 40 quốc gia nằm trong hệ thống luật “droit d’auteur” của Pháp, thì tác giả còn được hưởng một quyền có tên là “droit de suite”, theo đó mỗi lần bản gốc của một tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật thị giác được chuyển nhượng quyền sở hữu, thì tác giả được hưởng một phần trăm nhất định tiền bán bản gốc đó. Trong trường hợp tác phẩm số hóa dạng NFT, thì khó có thể cho rằng “droit de suite” sẽ áp dụng trong trường hợp chủ sở hữu bán lại NFT, vì bản thân NFT không phải là một bản gốc tác phẩm.

Hiện nay, NFT không còn xa lạ với giới nghệ thuật Việt Nam, như họa sĩ Xèo Chu đã từng bán tranh dạng NFT với giá cả nửa tỉ đồng. Thế nhưng chuyện bất cập cũng không thiếu. Gần đây, họa sĩ Tèo Phạm đã bị “kẻ gian” lấy bản sao tác phẩm đăng trên Facebook cá nhân và bán nó dưới dạng NFT. Không chỉ thế, NFT còn có thể bị “hacker” lấy cắp, không khác gì như đối với tác phẩm gốc dạng truyền thống.

Vì thế, trước những bất cập này, khó có thể khẳng định rằng tác phẩm nghệ thuật dạng NFT sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển để có thể thay thế hình thức giao dịch tác phẩm nghệ thuật kiểu “truyền thống” hiện nay.

-----------

(1) Điều 4 (7) của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành định nghĩa rằng “Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới