Thứ Ba, 16/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

NFT ở Việt Nam: do đâu luật chưa quy định nhưng vẫn phát triển?

Lê Thiên Hương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Theo một báo cáo công bố vào tháng 5-2022 của Statista(1), Việt Nam nằm trong tốp 5 quốc gia có nhiều người sở hữu NFT nhất thế giới.

Hiện nay, Thái Lan đang là quốc gia dẫn đầu danh sách này với tổng cộng 5,65 triệu người, xếp thứ 2 là Brazil với 4,99 triệu người, tiếp theo là Mỹ với 3,81 triệu người. Người khổng lồ công nghệ “mới” Trung Quốc xếp thứ 4 với 2,68 triệu người, và đứng thứ 5 là Việt Nam với 2,19 triệu người sở hữu NFT.

NFT (Non Fungible Token) là loại token “không thể thay thế” – một loại tài sản số được đăng ký trên một chuỗi khối (blockchain) với một “địa chỉ” (theo nghĩa công nghệ blockchain) gắn với bản thân NFT đó. Tài sản này được tạo ra bởi một chương trình máy tính “hợp đồng thông minh” (smart contract), thực hiện trên chính blockchain. Vì “hợp đồng thông minh” chỉ tạo ra một mã số chứng thực duy nhất, NFT vì thế khác với các loại tài sản số khác như bitcoin hay ethereum.

Hiện nay, số hóa tác phẩm và chuyển nó thành tài sản dạng NFT đang là “mốt”. Từ năm 2021 trên thế giới đã dấy lên phong trào “NFT hóa” các tác phẩm nghệ thuật. Nhiều NFT đã được bán đấu giá với số tiền khổng lồ, như “Quantum” của nghệ sĩ người New York Kevin McCoy (1,47 triệu đô la Mỹ) hay “CryptoPunk” của Larva Labs (11,7 triệu đô la). Tới giờ, kỷ lục nhất là tác phẩm “Everydays: the First 5000 Days” của nghệ sĩ Beeple đã được bán với giá 69 triệu đô la, giữ vị trí là tác phẩm dạng NFT đắt nhất thế giới hiện nay.

Có thể nói, một trong những vụ “NFT hóa” tác phẩm đình đám nhất chính là liên quan tới bản gốc bức tranh mang tên Morons của Banksy. Bức tranh này đã bị đốt cháy hoàn toàn trong một buổi trình diễn truyền trực tiếp tới người xem. Trước khi bị biến thành tro, bản số hóa của tác phẩm “Moron” đã được “gắn” với một NFT đảm bảo xác thực đây là “tác phẩm số hóa gốc” đồng thời ngăn chặn việc tạo một bản sao của tác phẩm.

Nếu như ta có thể chiêm ngưỡng một bức tranh “gốc”, thì người chủ sở hữu NFT phải có phần mềm thích hợp để sử dụng tác phẩm (xem, nghe). Thực tế, chúng ta mua NFT không phải để thưởng thức, mà là để thỏa mãn nhu cầu “hàng hiếm” và để bán lại kiếm lời.

Có thể nói, công nghệ NFT đã tạo ra sự “hiếm có khó tìm” trong thế giới số – nơi vốn đặc trưng cho khả năng tạo bản sao không giới hạn. Chính sự “hiếm có” này tạo ra giá trị của tài sản số – tác phẩm dưới dạng NFT. Đây cũng chính là yếu tố quyết định sự ra đời của các tác phẩm dạng NFT.

Hãy lấy ví dụ bản gốc của một bức tranh của Picasso chẳng hạn. Vì là bản gốc, nên bức tranh là duy nhất, điều mang lại cho nó một giá trị khổng lồ. Khi nó được chuyển sang dạng NFT một cách hợp pháp, thì NFT này cũng là duy nhất, tồn tại trong thế giới số. Ngược với các tài sản số khác, NFT không phải là một phương tiện thanh toán, theo nghĩa chúng ta không thể trao đổi nó với một đơn vị giá trị tương ứng, đơn giản bởi vì nó là duy nhất, nên hoàn toàn không tồn tại giá trị tương ứng với NFT đó.

Tuy nhiên, ngoài sự đặc biệt nói trên, thì NFT cũng giống như những tài sản số khác. Những tài sản số này không phải là một tài sản về mặt bản chất (mà ta có thể trực tiếp hưởng thụ, sử dụng), nó chỉ là một sự “chứng nhận” được đăng ký trên blockchain. Tất nhiên, tạo ra một NFT không là kết quả của một “chương trình” cài đặt trước, nó hoàn toàn phụ thuộc vào ý nguyện của người nắm giữ bản gốc tác phẩm.

Ở nhiều nước, NFT là một loại tài sản phi vật chất, đối tượng của quyền sở hữu và có thể được mua bán trao đổi giữa những người dùng blockchain. Ở Việt Nam, hiện nay NFT chưa được công nhận là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, cùng số phận với các loại tiền “ảo” khác. Các giao dịch NFT, vì thế, không được coi là giao dịch chuyển nhượng tài sản.

Tuy nhiên, nếu phân tích theo nghĩa NFT là một tài sản, thì có thể lưu ý một số điểm sau.

Một tác phẩm số hóa (lưu giữ trong ổ cứng) chỉ có thể được thưởng thức nhờ vào một phần mềm. Tất nhiên, mỗi tác phẩm số hóa đều có thể được tạo bản sao không giới hạn, mà không ảnh hưởng gì tới bản “gốc” của nghệ sĩ cả.

Tất nhiên, không thể nào có thể phân biệt đâu là bản “gốc” hay bản “sao” trong trường hợp này. Trong trường hợp giao dịch, việc chuyển giao “dữ liệu lập trình” không được coi là chuyển giao tài sản, vì nó hoàn toàn có thể chỉ là một bản sao của “dữ liệu lập trình” mà thôi. NFT có khả năng chấm dứt tình trạng này, giúp xác định được đâu là bản gốc của nghệ sĩ. Vì thế, có thể thấy ở đây rằng NFT cho phép chứng minh sự chuyển giao tài sản – bản gốc do nghệ sĩ tạo ra.

Ở góc độ này, NFT còn là một biện pháp chứng thực (tất nhiên, blockchain đóng vai trò to lớn trong lĩnh vực này). Chúng ta có thể dùng NFT để chứng minh rằng tài sản giao dịch là tài sản “đích thực” trong vô số các tài sản “không đích thực”. NFT như thế có thể thay thế các thủ tục chứng thực truyền thống (như các chuyên gia thẩm định tranh chẳng hạn), đơn giản hóa thủ tục hơn rất nhiều.

Vậy sở hữu NFT sẽ mang lại quyền tài sản nào? NFT có “tham vọng” tái tạo lại sự phân biệt giữa “bản gốc” và “bản sao” trên thế giới số, nơi vốn không tồn tại tác phẩm dưới dạng vật chất. Tuy nhiên, sự ra đời của NFT không làm thay đổi nguyên tắc căn bản của quyền sở hữu trí tuệ (SHTT): sự chuyển giao “bản gốc” tác phẩm không đi cùng với sự chuyển giao quyền SHTT.

NFT không hề có mục đích chuyển giao quyền SHTT trên tác phẩm. Đồng thời, cũng khó có thể so sánh NFT với một “tác phẩm gốc” có tính vật chất: nếu như ta có thể chiêm ngưỡng một bức tranh “gốc”, thì người chủ sở hữu NFT phải có phần mềm thích hợp để sử dụng tác phẩm (xem, nghe). Thực tế, chúng ta mua NFT không phải để thưởng thức, mà là để thỏa mãn nhu cầu “hàng hiếm” và để bán lại kiếm lời. Tất nhiên, ở góc độ pháp lý, thì sở hữu một NFT có thể được so sánh với việc sở hữu bản đích thực của tác phẩm.

Báo báo nói trên của Statista cho thấy thị trường giao dịch NFT ở Việt Nam không kém phần nhộn nhịp so với thế giới, và hứa hẹn tiềm năng phát triển. Chính vì thế, Việt Nam càng cần sớm xây dựng khung pháp lý điều chỉnh NFT.

———-

(1) https://www.statista.com/study/112911/digital-economy-compass-2022-chapter-1/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới