Thứ năm, 22/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nga, Belarus xúc tiến lập liên minh sản xuất ô tô tại VN

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nga, Belarus xúc tiến lập liên minh sản xuất ô tô tại VN

T.Thu

Nga, Belarus xúc tiến lập liên minh sản xuất ô tô tại VN
Xe Kamaz được giới thiệu tại một triển lãm ô tô tại Việt Nam. Ảnh: internet

(TBKTSG Online) – Một số doanh nghiệp Nga và Belarus đang xúc tiến việc thành lập liên doanh sản xuất ô tô tại Việt Nam để đáp ứng các điều kiện được hưởng một số ưu đãi cam kết trong hai nghị định thư giữa Việt Nam với Nga, và Belarus trong khuôn khổ Hiệp định Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) có hiệu lực từ ngày 5-10-2016. 

Theo ông Baturo K.G., Tùy viên Đại sứ quán Cộng hòa Belarus tại Việt Nam, tại hội nghị đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang EAEU khi Hiệp định Việt Nam – EAEU có hiệu lực, diễn ra hôm 12-10 tại TPHCM, hiện nay phía Belarus đang lắp ráp xe tải của Nhà máy ô tô Minsk (MAZ) trên cơ sở của Công ty SAMCO.  Trong thời gian tới, hai bên dự kiến xây thêm hai cơ sở lắp ráp xe tải và xe buýt của MAZ và các đối tác Việt Nam. Lâu nay thị trường Việt Nam đã quen thuộc với các sản phẩm máy kéo của công ty MTZ và xe xúc của công ty BelAZ, vị này cho biết.

Trước đó, trong buổi gặp gỡ báo chí hôm 4-10 tại TPHCM, ông Ivan Gumnikov, Đại diện Thương vụ Liên bang Nga tại Việt Nam, cho biết sản phẩm thế mạnh của Nga là ô tô (xe tải, xe khách) sẽ có triển vọng lớn tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, hiện thị trường xe ô tô Việt Nam tương đối bão hòa, do đó trước mắt xe ô tô từ Nga xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu theo hạn ngạch (thuế suất 0%) mà Việt Nam cấp.

Tuy nhiên, để được hưởng mức hạn ngạch nhập khẩu ô tô với thuế suất 0%, đòi hỏi việc lập liên doanh giữa doanh nghiệp Nga và Việt Nam đáp ứng nhiều điều kiện. Ông Ivan Gumnikov khi ấy cho TBKTSG Online biết, hiện tại phía Nga thấy chưa có trở ngại nào trong việc lập liên doanh như vậy.

“Hiện các hãng xe của Nga là KAMAZ và UAZ đang tích cực đàm phán để thành lập các liên doanh như vậy. Việc này đang tiến triển khả quan và hiện đã có cơ sở vững chắc cho việc lập liên doanh”, ông Ivan Gumnikov cho biết.

Trước đó, nhằm thực hiện cam kết trong FTA Việt Nam-EAEU, Việt Nam đã ký hai nghị định thư với Chính phủ Belarus và với Chính phủ Nga về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cũng công bố dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thực thi hai nghị định thư trên để lấy ý kiến.

Theo dự thảo, liên doanh tại Việt Nam giữa doanh nghiệp Nga (Nhà máy sản xuất ô tô GAZ, Công ty Thương mại quốc tế KAMAZ, và Công ty cổ phần đại chúng Ulyanovsky Avtomobilny Zavod - UAZ) với doanh nghiệp Việt Nam, và liên doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Belarus (Công ty cổ phần Nhà máy ô tô Minsk - MAZ) được quyền nhập khẩu miễn thuế trong hạn ngạch một số loại xe.

Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi này, các liên doanh phải đáp ứng nhiều điều kiện. Cụ thể, điều kiện đầu tiên là phải có liên doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam với công ty của Nga hay Belarus (chỉ có ba công ty cụ thể của Nga, và một công ty cụ thể của Belarus là được phép lập liên doanh này với Việt Nam).

Điều kiện thứ hai là liên doanh này phải có kế hoạch sản xuất tại Việt Nam cụ thể hàng năm, như sản xuất hàng hóa gì, tỷ lệ nội địa hóa cam kết mỗi năm (đến năm 2025 là 40% đối với ô tô chuyên dụng và ô tô thể thao tiện ích, 45% đối với ô tô tải và 50% đối với ô tô chở từ 10 người). Ngoài ra, trong kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng phải có các thỏa thuận về chuyển giao công nghệ, thỏa thuận về đào tạo,….

Theo đó, các cơ quan chuyên trách của Việt Nam sẽ xem xét phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh này. Có nghĩa là, để được nhập khẩu miễn thuế một số chủng loại ô tô từ Nga và Belarus, đòi hỏi phải có liên doanh đáp ứng đủ điều kiện và liên doanh này phải sản xuất thật, chuyển giao công nghệ thật.

Đồng thời, hiện trong cam kết, có ba công ty của Nga được phép lập liên doanh, trong khi hạn ngạch được cấp cho tất cả liên doanh giữa Nga và Việt Nam (đáp ứng đủ điều kiện) dự kiến là 800 chiếc cho năm 2016, 850 chiếc cho năm 2017 và 900 chiếc cho năm 2018. Do đó, Nga phải có văn bản gửi Bộ Công Thương Việt Nam nói rõ về lượng hạn ngạch phân bổ cho mỗi doanh nghiệp.

Sau đó, trong từng lần nhập khẩu ô tô miễn thuế, liên doanh (đáp ứng các điều kiện và được phê duyệt) phải gửi văn bản đến Bộ Công Thương, và Bộ Công Thương xem xét liệu yêu cầu nhập khẩu này có phù hợp hay không mới cấp giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch.

Ngoài ra, theo dự thảo quyết định, khối lượng hạn ngạch được cấp năm sau sẽ phụ thuộc vào việc thực hiện tỷ lệ nội địa hóa của liên doanh nêu trong kế hoạch thực hiện dự kiến của mình. Phần trăm hạn ngạch được cấp vào năm sau sẽ giảm và bằng phần trăm thực hiện tỷ lệ nội địa hóa trong kế hoạch của năm trước.

Xem thêm

Khó có chuyện ô tô Nga miễn thuế ồ ạt vào Việt Nam

FTA VN-EAEU: Nhiều cơ hội, lắm khó khăn

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới