Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nga bị loại khỏi SWIFT, tác động đến tài chính toàn cầu ra sao?

Thiện Khang - Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong thông cáo chung phát đi bởi Nhà Trắng vào ngày 26-2, Mỹ và phương Tây quyết định tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga, bao gồm phương án hạn chế khả năng tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu.

Các bên tham gia bao gồm Ủy ban châu Âu (European Commission), Pháp, Đức, Ý, Anh, Canada và Mỹ. Thông cáo chung cam kết sẽ loại một số ngân hàng Nga được lựa chọn ra khỏi hệ thống điện tín SWIFT, đồng nghĩa với việc “ngắt kết nối” khỏi hệ thống tài chính quốc tế và sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoạt động toàn cầu.

Các biện pháp tiếp theo bao gồm hạn chế khả năng tiếp cận dự trữ quốc tế của Ngân hàng trung ương Nga. Đối tượng hạn chế nhắm đến còn là các công dân, công ty Nga thân hữu với chính quyền.

Như vậy, phương Tây đã quyết định trừng phạt các ngân hàng Nga sau động thái né tránh ban đầu vì lo ngại tác động đối với nền kinh tế. Người phát ngôn Chính phủ Đức mới đây khẳng định các nước phương Tây đã sẵn sàng thực hiện thêm các biện pháp trừng phạt nếu Nga không dừng hành động quân sự ở Ukraine để từ đó vãn hồi trật tự hòa bình châu Âu, theo TTXVN.

Theo Reuter, động thái này sẽ giáng một đòn mạnh vào thương mại của Nga và khiến các công ty của nước này gặp khó khăn hơn trong kinh doanh. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp gọi đây là "vũ khí hạt nhân tài chính".

Lưu lượng giao dịch chuyển tiền của SWIFT ngày càng tăng. Năm 2020 đã có tổng cộng 9,5 tỉ giao dịch do hệ thống SWIFT xử lý. Đồ hoạ: Wall Street Journal

SWIFT là gì?

SWIFT là từ viết tắt của Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication (Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chánh Quốc tế), là một tổ chức cung cấp một mạng lưới cho phép các tổ chức tài chính trên toàn thế giới gửi và nhận thông tin về các giao dịch tài chính trong môi trường an toàn, tiêu chuẩn và bảo mật cao.

SWIFT được thành lập năm 1973, hệ thống có trụ sở tại Bruxelle (Bỉ) và được điều hành bởi các ngân hàng thành viên thông qua một Hội đồng 24 người, trong đó có Eddie Astanin, chủ tịch hội đồng quản lý tại Trung tâm Thanh toán bù trừ Đối tác Trung ương của Nga. Hàng ngày, hệ thống SWIFT giải quyết hàng triệu yêu cầu thanh toán của hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng với 11.000 tổ chức tài chính khác trên toàn cầu.

Theo Bloomberg, năm 2021 bình quân mỗi hàng hệ thống này mỗi xử lý đến 42 triệu tin nhắn giao dịch thanh toán, kinh doanh, chuyển đổi ngoại hối… Theo số liệu của SWIFT, đô la Mỹ hiện là đồng tiền được sử dụng rộng rãi nhất trong thanh toán quốc tế, chiếm 39,92% tổng giao dịch toàn cầu; xếp thứ hai là đồng euro với 36,56%; xếp thứ ba là bảng Anh với 6,3%; đồng yen Nhật là 2,79%, đồng nhân dân tệ Trung Quốc là 3,2% và đồng rúp Nga chỉ có 0,26%.

Về thực chất, SWIFT không trực tiếp chuyển, nhận tiền mà chuyển, nhận những thông tin về giao dịch tiền. Hiện nay, không có giải pháp thanh toán nào khác được chấp nhận trên toàn cầu, nên SWIFT được coi là cái xương sống trọng yếu của nền tài chính thế giới.

Tuy SWIFT tự nhận là "tiện ích trung lập", nhưng do trở thành pháp nhân theo luật của Bỉ nên phải tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu (EU).

Những tác động khi Nga bị loại khỏi SWIFT?

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây trước nay tuy có gây nhiều khó khăn cho Nga nhưng có lẽ không đủ để làm họ phải chùng tay. Nhưng, việc bị loại khỏi SWIFT dường như là biện pháp trừng khiến chính phủ Nga lo ngại hơn cả. Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, “vũ khí SWIFT” nếu được sử dụng sẽ chấm dứt toàn bộ giao dịch quốc tế của một quốc gia, gây ra biến động tiền tệ và kích hoạt dòng vốn khổng lồ rút chạy khỏi quốc gia đó.

Trong khi Nga vẫn tuyên bố những biện pháp trừng phạt khác là "vô tác dụng", lời đe dọa loại Nga khỏi SWIFT đã có tác động lớn đến mức Moscow từng cảnh báo rằng họ coi việc này là “một lời tuyên chiến”. Giới chính trị Nga cũng lên tiếng bày tỏ sự lo ngại.

Nếu Nga bị loại khỏi SWIFT, các tổ chức tài chính trên thế giới hầu như không thể gửi tiền hoặc rút tiền khỏi nước này, gây cú sốc cực lớn cho các công ty Nga và khách hàng nước ngoài của họ, đặc biệt những bên mua dầu và khí đốt xuất khẩu của Nga bằng đồng đôla Mỹ. Hiện đang có 300 ngân hàng và tổ chức tài chính của Nga đang sử dụng SWIFT trong giao dịch.

Trước đây, Iran và CHDCND Triều Tiên là những nước đã bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT. Năm 2012 sau khi Iran bị EU trừng phạt vì chương trình hạt nhân, các ngân hàng nước này đã không còn được sử dụng SWIFT trong giao dịch tài chính quốc tế. Kết quả là Iran mất gần một nửa doanh thu xuất khẩu dầu và 30% hoạt động ngoại thương sau khi biện pháp trên được kích hoạt.

Đến 2017 Iran mới được cho phép sử dụng SWIFT trở lại sau khi phương Tây dở bỏ cấm vận. CHDCND Triều Tiên cũng bị cô lập với thế tài chính bên ngoài nhưng họ cô gắng xoay sở bằng cách nhờ vào các giao dịch thương mại với nước láng giềng Trung Quốc.

Nga sẽ chống đỡ ra sao nếu loại khỏi SWIFT?

Nga cũng đã xây dựng kịch bản đối phó trong trường hợp bị loại khỏi SWIFT. Kể từ năm 2014, sau khi bị phương Tây trừng phạt vì sáp nhập Crimea, Nga đã thành lập hệ thống thanh toán SPFS. Theo Ngân hàng Trung ương Nga, SPFS hiện có khoảng 400 khách hàng sử dụng và 20% giao dịch chuyển tiền tại Nga hiện được thực hiện thông qua SPFS.

Tuy nhiên, SPFS có nhiều nhược điểm như số lượng doanh nghiệp sử dụng còn rất ít, dung lượng tin nhắn trao đổi bị hạn chế và chỉ vận hành trong giờ hành chính. Ngoài ra, Nga cũng có thể chọn thanh toán bằng tiền điện tử, nhưng các giải pháp này đều bị đánh giá là kém tiện dụng hơn nhiều so với những lợi ích vô cùng lợi lớn lao khi dùng SWIFT.

Trung Quốc cũng phát triển Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới (CIPS), được xem là một giải pháp thay thế cho SWIFT. Có nguồn tin là Nga và Trung Quốc đang có kế hoạch phối hợp kết nối hai hệ thống này và phát triển rộng ra quốc tế, mục đích là để đề phòng trường hợp bị phương Tây “đá” ra khỏi SWIFT trong tương lai.

Tuy vậy, có vẻ như phương Tây chưa muốn áp dụng vũ khí tối hậu này đối với Nga vì đó là con dao hai lưỡi: gây tổn hại cực lớn cho kinh tế Nga, nhưng đồng thời cũng làm tổn hại cho những tập đoàn lớn đang làm ăn với Nga.

Mặt khác, theo giới phân tích, nguy cơ lớn hơn là nếu loại Nga ra khỏi SWIFT thì sẽ làm Mỹ và EU mất đi "cây gậy" quyền lực tài chính khi áp dụng những đòn trừng phạt kinh tế. Bởi điều đó sẽ làm Nga và Trung Quốc càng xích lại gần nhau hơn, càng ráo riết phối hợp xây dựng một hệ thống thanh toán mới, nằm ngoài phạm vi chi phối của hệ thống thanh toán quốc tế đang do phương Tây nắm giữ.

Do vậy, hiện chưa rõ Mỹ có thực sự muốn làm thế cũng như sẽ có bao nhiêu đồng minh của họ ủng hộ biện pháp loại Nga khỏi SWIFT, bởi làm thế thì về lâu dài là hoàn toàn không có lợi. Xem ra phương Tây vẫn muốn vận dụng câu thành ngữ “Keep your friends close and your enemies closer": kềm giữ đối phương trong cái vòng “kim cô tài chính” của mình vẫn tốt hơn nhiều so với việc xua chim khỏi lồng để rồi chẳng bao giờ bắt lại được.

Tổng hợp từ USA Today, WSJ, SCMP, Reuters

5 BÌNH LUẬN

  1. Hàng thập kỉ chiến tranh mềm bào mòn làm suy yếu Nga, đến khi bị cú tát bằng quân sự thì quăng bom hạt nhân lên Nga làm ảnh hưởng không chỉ Nga mà là toàn cầu dài hạn. Đây là bộ mặt thật khi chính trị gia có nhu cầu là sẵn sàng trưng dụng phương tiện trung lập chính trị SWIFT?

  2. SWIFT suy cho cùng cũng chỉ là phương thức thanh toán mà thôi. Quan trọng là lực lượng hàng hóa dịch vụ và dòng tiền đang nằm trong tay của ai ? Thế giới Hồi giáo bao nhiêu năm nay bị bóp ngặt tiền tệ bởi các đại cường quốc nhưng họ vẫn cứ thanh toán bằng cách riêng và vẫn tồn tại phát triển. Thời đại tiền số ngày nay thì không có rào cản nào là không thể vượt qua. Đã lạc hậu rồi nếu cứ bám giữ mãi những công cụ kiềm chế lẫn nhau như vậy.

    • Xét cho cùng thì sau bao năm bị Mỹ và Phương Tây gò ép , cuối cùng Nga cũng phải vùng lên . Lên án Nga dùng bom đạn để giải quyết mâu thuân nhưng suy cho cùng thì chính các chình trị gia Phương Tây họ đã dồn ép Nga phải làm như vậy . Và Ukraina , đây sẽ là bài học cho tổng thống Ukaina , cũng như các chính trị gia khác . Việc chung sống với cường quốc thì phải biết đối xử khôn khéo sao cho vừa đảm bảo lợi ích đất nước vừa không gây xích mích với láng giềng . Cho dù Mỹ , Anh hay châu âu cung cấp bao nhiêu vũ khí đi chăng nữa thì cũng phải nhớ rằng người cầm súng và đổ máu là dân Ukraina , mảnh đất bị bom đạn cày xới cũng là đất Ukraina . Tôi hy vọng Nga và Ukraina sẽ đạt được thoả thuận mang lại hoà bình và thịnh vượng cho người dân cả hai nước .

  3. Đừng cổ súy cho chiến tranh! Nếu một ngày xấu trời có một nước lớn lấy một lý do vu vơ đòi dạy cho ta một bài học. Khi đó chúng ta sẽ trông cậy vào ai? Cộng đồng quốc tế? Hay các anh hùng bàn phím?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới