Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nga chuẩn bị thử nghiệm đồng rúp kỹ thuật số

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nga đang thúc đẩy kế hoạch thử nghiệm đồng rúp kỹ thuật số trong bối cảnh đất nước đang chật vật ứng phó các đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.

Ngân hàng trung ương Nga (CBR) có thể bắt đầu thực hiện dự án thử nghiệm đồng rúp kỹ thuật số với 15 ngân hàng trong nước ngay sau tháng tới. Ảnh: beincrypto

Hôm 19-7, Hội đồng liên bang, tức thượng viện Nga, đã thông qua dự luật về đồng rúp kỹ thuật số sau khi Duma quốc gia (hạ viện Nga) tán thành dự luật này hôm 11-7. Dự luật đang được chuyển đến bàn làm việc của Tổng thống Vladimir Putin để ông ký ban hành. Ngân hàng trung ương Nga (CBR) có thể bắt đầu thử nghiệm đồng rúp kỹ thuật số ngay sau tháng tới.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hơn một nửa số ngân hàng trung ương trên thế giới đang xem xét hoặc đang phát triển các loại tiền kỹ thuật số quốc gia. Nghiên cứu của Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức tư vấn các vấn đề quốc tế, có trụ sở ở Washington, cho thấy, có  ít nhất 20 nước đang thực hiện các chương trình thí điểm đồng tiền số của ngân hàng trung ương, bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc. Riêng tại Trung Quốc, dự án thử nghiệm đồng nhân tệ kỹ thuật số đã tiếp cận 260 triệu người dùng trong các lĩnh vực bao gồm giao thông công cộng và thương mại điện tử.

Trong khi các đồng tiền ảo như bitcoin sử dụng các hệ thống thanh toán phi tập trung không phụ thuộc vào chính phủ, tiền kỹ thuật số do các ngân hàng trung ương phát hành và quản lý . Những người ủng hộ cho rằng tiền kỹ thuật số giúp mở rộng dịch vụ ngân hàng đến các nhóm người dân thiệt thòi, tăng hiệu quả thanh toán và giảm chi phí giao dịch. Trái lại, những người hoài nghi cảnh báo về những lo ngại về quyền riêng tư và rủi ro bảo mật từ các cuộc tấn công mạng.

CBR có kế hoạch thực hiện một dự án thí điểm đồng rúp kỹ thuật số với 15 ngân hàng trong nước. Dự án sẽ cho phép các cá nhân và công ty mở ví kỹ thuật số trên nền tảng của CBR mà họ có thể tiếp cận thông qua các ngân hàng này. Các giao dịch bằng đồng rúp kỹ thuật số sẽ miễn phí cho các cá nhân, trong khi các công ty sẽ phải trả phí 0,3% cho mỗi giao dịch, theo thông báo hướng dẫn của CBR.

CBR thúc đẩy dự án này khi các lệnh trừng phạt, do Mỹ và các đồng minh áp đặt, cắt đứt các ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Các ngân hàng nước ngoài cũng áp dụng chính sách ngày càng hạn chế đối với các khoản thanh toán từ Nga. Moscow đang tìm cách làm suy yếu tác động của các biện pháp trừng phạt bằng cách thúc đẩy giao dịch dựa vào đồng rúp với các nước như Trung Quốc và Ấn Độ

Trong năm nay, đồng rúp của Nga giảm hơn 18% so với đồng đô la Mỹ. Đây là mức giảm tồi tệ nhất trong số các đồng tiền ở khu vực thị trường mới nổi, chỉ sau đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ và đồng peso của Argentina. Doanh thu năng lượng giảm cộng với nhập khẩu phục hồi làm giảm thặng dư tài khoản vãng lai của Nga, trong khi chi tiêu liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine làm cạn kiệt ngân sách.

Trong 3 tháng tính đến cuối tháng 6, thặng dư tài khoản vãng lai của Nga đã giảm 93% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 76,7 tỉ đô la, xuống còn 5,4 tỉ đô la, theo dữ liệu của CBR.

Một số nhà lập pháp của Nga xem đồng rúp kỹ thuật số là giải pháp tiềm năng để Nga dễ dàng thực hiện các khoản thanh toán xuyên biên giới.

“Trong môi trường hiện tại, điều quan trọng là phải có các công cụ thanh toán độc lập và các kênh thông tin tài chính có thể được sử dụng trong giao dịch của chúng ta với các đối tác nước ngoài”, Nikolay Zhuravlev, Phó Chủ tịch Hội đồng liên bang, nói trong một cuộc họp tranh luận về vai trò của đồng rúp kỹ thuật số.

Theo Alexandra Prokopenko, cựu cố vấn của CBR, còn quá sớm để hy vọng về giải pháp đó vì đồng rúp kỹ thuật số trước tiên cần được liên kết với nền tảng tiền tệ của các nước khác để thực hiện các giao dịch quốc tế. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự liên kết như vậy sắp được triển khai.

Prokopenko nói: “Cho đến nay, đồng rúp kỹ thuật số giống như một hệ thống tích điểm trong chương trình khách hàng thân thiết của ‘nền kinh tế pháo đài Nga’, có khả năng giúp các giao dịch trong nước thuận tiện hơn. Đồng rúp kỹ thuật số cũng có thể giúp các giao dịch trở nên minh bạch hơn ở các vùng lãnh thổ được sáp nhập từ Ukraine vì hiện tại mọi thứ ở đây đều được thực hiện thông qua tiền mặt”.

Thuật ngữ nền kinh tế pháo đài ám chỉ đến chiến lược của Moscow nhằm xây dựng nền kinh tế chống đỡ hiệu quả lệnh trừng phạt.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây, Phó Thống đốc thứ nhất của CBR Olga Skorobogatova cho biết, việc triển khai rộng rãi đồng rúp kỹ thuật số để người dân sử dụng sẽ chưa diễn ra cho đến ít nhất là năm 2025. Theo CBR, đồng rúp kỹ thuật số sẽ tồn tại cùng với các hệ thống thanh toán bằng tiền mặt và phi tiền mặt truyền thống, giúp người tiêu dùng linh hoạt hơn trong các giao dịch của họ.

Theo Bloomberg, Business Insider

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới