Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lo ngại vốn nước ngoài tháo chạy khỏi Nga, đồng rúp lao dốc

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong tuần qua, đồng rúp của Nga giảm xuống mức thấp nhất trong một năm. Nguyên nhân được cho là do giới đầu tư hoảng loạn trước viễn cảnh dòng vốn nước ngoài tháo chạy khỏi đất nước.

Trong tuần qua, đồng rúp của Nga giảm xuống mức thấp nhất trong một năm khi giới đầu tư hoảng loạn trước viễn cảnh dòng vốn nước ngoài tháo chạy khỏi đất nước.

Trong phiên giao dịch hôm 6-4, đồng rúp giảm 1,7% so với đô là Mỹ, về mức 81,6 rúp ăn 1 đô la, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 4-2022. Trong tuần qua, đồng rúp giảm giá hơn 4% so với đô la, đi ngược lại với xu hướng tăng giá rộng rãi của các đồng tiền trên toàn cầu trong những tuần gần đây.

Theo các nhà quan sát thị trường, diễn biến sụt giá của đồng rúp là do một bài báo trên tờ Kommersant của Nga cho biết Tổng thống Vladimir Putin cho phép nhà sản xuất khí đốt lớn thứ hai của đất nước, Novatek mua cổ phần của Shell (Anh) trong dự án khí tự nhiên hóa lỏng Sakhalin-2 ở vùng Viễn Đông của Nga với giá 95 tỉ rúp, tương đương 1,2 tỉ đô la.

Tuy nhiên, vẫn chưa thể xác định được liệu Shell có thể hoặc muốn nhận khoản tiền này và chuyển ra khỏi Nga hay không. Vài ngày sau khi Nga đưa quân sang biên giới Ukraine vào cuối tháng 2-2022, Shell thông báo kế hoạch rút khoản đầu tư từ dự án này và đã bút toán giảm giá tài sản tỉ đô la, bao gồm 1,6 tỉ đô la ở dự án Sakhalin-2.

Việc bán tháo đồng rúp cho thấy giới đầu tư đang lo lắng dòng vốn tháo chạy khỏi Nga. Đồng rúp cũng chịu áp lực giảm giá do nhập khẩu của Nga tăng trong khi xuất khẩu tiếp tục suy giảm. Nền kinh tế Nga đang vật lộn chống đỡ lệnh trừng phạt của phương Tây.  Nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí của Điện Kremlin đang suy giảm.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov không xem dòng vốn chảy khỏi Nga do hoạt động thoái vốn của các công ty nước ngoài là nguyên nhân góp phần khiến đồng rúp mất giá. Ông lập luận sự sụt giảm doanh thu xuất khẩu và tăng nhập khẩu mới nguyên nhân chính.

“Tỷ giá hối đoái thay đổi có liên quan đến cán cân thương mại”, ông nói với truyền thông nhà nước hôm thứ 6-4, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng đồng rúp sẽ mạnh trở lại khi giá dầu tăng

Cặp tiền tệ đồng rúp-đô la biến động hơn kể từ khi Nga hạn chế giao dịch cặp tiền hàng ngày. Tatiana Orlova, nhà kinh tế của Công ty tư vấn Oxford Economics, nói: “Thị trường đang hoảng loạn và thanh khoản của cặp tiền rúp-đô la thấp”.

Các nhà xuất khẩu và nhập khẩu của Nga đang chiếm phần lớn giao dịch cặp tiền tệ rúp-đô la. Nga kiếm các ngoại tệ như đô la bằng cách xuất khẩu nguyên liệu thô như dầu mỏ và ngũ cốc, rồi sử dụng ngoại tệ đó để nhập khẩu những thứ như hàng tiêu dùng và công nghệ.

Bà Orlova cho rằng sự nhạy cảm của đồng rúp trước những đồn đoán Shell chuyển tiền về nước có thể khiến Moscow xem xét cẩn thận yêu cầu thoái vốn từ các nhà đầu tư và công ty nước ngoài khác. Hàng loạt công ty phương Tây đã tuyên bố ý định rời khỏi Nga sau khi cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ năm ngoái. Nhưng hơn một năm sau, tài sản của phần lớn các công ty này vẫn mắc kẹt Nga do thủ tục hành chính nhiêu khê cũng như chưa tìm được người mua trả giá phù hợp.

“Có 2.000 công ty nước ngoài đang chờ giới chức trách Nga phê duyệt kế hoạch thoái vốn của họ, vì vậy, có thể một lượng lớn vốn sẽ rời khỏi Nga. Tuy nhiên, Moscow nắm quyền kiểm soát rủi ro này”, Orlova nói.

Bà dự báo nếu áp lực giảm giá của đồng rúp kéo dài, Ngân hàng Trung trung Nga có thể tăng lãi suất để hỗ trợ,.

Kể từ sau chiến tranh, nhiều ngân hàng, nhà đầu tư và công ty phương Tây đã rời khỏi Nga và thị trường tài chính của nước này.

Bloomberg Economics ước tính năm ngoái,  các công ty nước ngoài đã bán tổng cộng 15-20 tỉ tài sản ở Nga.

Giới nhà phân tích dự đoán đồng rúp sẽ suy yếu trong năm nay khi các lệnh trừng phạt làm suy giảm doanh thu năng lượng của Nga. Tuy nhiên, đồng tiền của Nga giảm mạnh hơn dự kiến những tháng gần đây đã nhanh hơn dự kiến. Một số nhà quan sát thị trường tin rằng Moscow muốn đồng rúp giảm giá dần dần vì điều này có thể giúp tăng nguồn thu ngân sách mà không gây lạm phát. Vì vậy, họ dự báo đồng rúp sẽ còn giảm giá.

“Đồng rúp có thể tiếp tục giảm, nếu không có các biện pháp can thiệp của giới chức trách. Giá đồng rúp có thể giảm về phạm vi 84,5-86,5 rúp ăn 1 đô la trong vài tuần tới”, Harutyunyan Alexander, nhà kinh tế trưởng của Russ Invest, nói.

Theo WSJ, Moscow Times

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới