Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nga loay hoay với cơ cấu dự trữ ngoại tệ trong tình hình mới

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngân hàng trung ương Liên bang Nga (CBR) thừa nhận rằng họ không tìm thấy lựa chọn thay thế rõ ràng nào đối với các loại tiền tệ dự trữ chính của thế giới trong bối cảnh hiện nay. Các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến CBR chỉ còn sở hữu nhân dân tệ và vàng, bởi dự trữ bằng đô la Mỹ cùng các loại ngoại tệ mạnh khác đang bị phương Tây phong tỏa.

Khách bộ hành ngang qua trụ sở của Ngân hàng trung ương Liên bang Nga (CBR) ở Moscow. Nga đã giảm tỷ lệ dự trữ ngoại tệ bằng đô la từ 40% trước năm 2014 xuống còn 11% vào tháng 1 vừa rồi, trong khi tỷ lệ dự trữ bằng nhân dân tệ đã tăng lên thành 17%. Ảnh: Reuters

Trước khi cuộc chiến Nga – Ukraine bùng nổ, CBR đã nỗ lực trong nhiều năm để giảm tỷ lệ dự trữ đồng bạc xanh, đưa tỷ trọng này xuống còn dưới 11%. Đồng euro chiếm tỷ lệ hơn 1/3, bên cạnh đó là các khoản dự trữ bổ sung bằng đồng bảng Anh và yen Nhật. Cơ cấu này đã khiến các chính phủ các nước phương Tây đã “bắt giữ làm con tin” khoảng 50% kho dự trữ ngoại tệ của Nga.

Chưa định rõ cơ cấu dự trữ ngoại tệ mới

Bà Elvira Nabiullina, Thống đốc CBR, nhìn nhận rằng “ngân hàng trung ương vẫn chưa định rõ các lựa chọn về cơ cấu dự trữ ngoại tệ hiện tại” khi cuộc chiến sắp sang tháng thứ ba. Phát biểu hôm 18-4 trước Quốc hội Liên bang Nga, Thống đốc Nabiullina nói còn quá sớm để rút ra bài học cho những gì nước Nga và CBR nên làm khác đi.

“Chúng ta cần nhìn về tương lai, nhưng hiện tại tôi đang suy nghĩ cặn kẽ để đưa ra các đề xuất cụ thể. Danh sách các quốc gia phát hành các loại tiền tệ mạnh đang bị giới hạn và chính họ lại là các quốc gia thực hiện các biện pháp thù địch và hạn chế quyền tiếp cận ngoại tệ mạnh của chúng ta”, bà thống đốc nhấn mạnh.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã không cho phép CBR can thiệp đúng lúc vào thị trường để bảo vệ đồng rúp, buộc ngân hàng này phải áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn và tăng lãi suất khẩn cấp để trấn an thị trường.

Theo Bloomberg, dự trữ của ngân hàng trung ương đạt đỉnh kỷ lục 643,2 tỉ đô la hôm 18-2 và sau đó giảm mạnh khi chiến tranh bùng phát. Nguồn dự trữ chỉ ổn định lại trong vài tuần gần đây.

Nhân dân tệ chiếm 17,1% tổng dự trữ vào cuối năm 2021, tăng từ 12,8% một năm trước đó. Trong khi đó, tỷ trọng của vàng giảm nhẹ ở mức 21,5%. Khi được hỏi liệu ngân hàng trung ương có kế hoạch trả đũa các quốc gia đã phong tỏa tài sản của Nga hay không, bà Nabiullina nói rằng: “CBR đang chuẩn bị kế hoạch cho các hành động pháp lý như vậy. Nhưng cần suy nghĩ kỹ và hợp lý để chúng ta có được kết quả mong muốn".

Thoát khỏi sự phụ thuộc vào đô la Mỹ

Nga đã nỗ lực cân bằng lại dự trữ ngoại tệ của mình trước cuộc chiến Ukraine, dành tỷ lệ lớn hơn nhân dân tệ so với đồng bạc xanh, nhằm giảm tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Hiện đồng đô la chiếm 11% dự trữ tiền tệ của Nga trong tháng 1 rồi, giảm so với mức 21% của một năm trước đó. Trong khi đó, tỷ trọng của nhân dân tệ đã tăng 4 điểm phần trăm lên 17%. Đồng euro chiếm 34% dự trữ trong tháng 1 trong khi vàng chiếm 22%.

Khi Nga đưa quân áp sát biên giới Ukraine trước cuối tháng 2-2022, tổng dự trữ tiền tệ của nước này trị giá khoảng 630 tỉ đô la, tăng 60% so với năm 2014 khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine. Xuất khẩu năng lượng và tài nguyên thiên nhiên là tác nhân chính giúp nguồn dự trữ này nở phồng.

Đô la Mỹ từng chiếm hơn 40% dự trữ tiền tệ của Nga. Nhưng khi Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt năm 2014, chính phủ Nga đã muốn từ từ thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh. Tỷ trọng của đồng đô la giảm xuống dưới mức của vàng lần đầu tiên vào năm 2020, sau đó giảm xuống dưới tỷ lệ của nhân dân tệ trong năm nay.

Dự trữ ngoại tệ được chính phủ và ngân hàng trung ương các nước sử dụng khi cần để can thiệp thị trường tiền tệ hoặc trả nợ nước ngoài. Nguồn dự trữ này thường được giữ tại ngân hàng trung ương của quốc gia phát hành loại tiền đó.

Nga giám sát trực tiếp 22% nguồn tài sản dự trữ này và tất cả đều là vàng – theo dữ liệu của CBR.

Trung Quốc là quốc gia nắm giữ tài sản lớn thứ hai với 17% - tức 17% được trữ bằng đồng nhân dân tệ. Đức có 16% quyền giám hộ, trong khi Pháp giám sát 10%. Mỹ chỉ là người quản lý 6% tài sản dù rằng tỷ lệ dự trữ ngoại tệ bằng đô la lên đến 11%.

Nga dường như cảm thấy an tâm hơn khi chuyển danh mục đầu tư sang Trung Quốc. Tỷ lệ tiền gửi bằng đồng nhân dân tệ ở Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoc) đã tăng lên 30% từ 23% một năm trước.

Nga dường như đã bán tháo trái phiếu chính phủ Trung Quốc sau khi đưa quân vào Ukraine cuối tháng 2. Lượng dự trữ ngoại tệ của Nga giảm 13 tỉ đô la trong tháng 2, sau đó giảm thêm 11 tỉ nữa trong tháng 3 vừa rồi. Mức giảm phần trăm giữa hai tháng là lớn nhất kể từ mức thay đổi trong tháng 1 và tháng 2-2015.

Dữ liệu từ cơ quan thanh toán bù trừ trái phiếu của Trung Quốc cho thấy các đợt “tháo chạy” của nhà đầu tư ra khỏi thị trường vốn Trung Quốc. Sở hữu trái phiếu chính phủ Trung Quốc của người nước ngoài đã giảm 80,3 tỉ nhân dân tệ (12,6 tỉ đô la) trong tháng 2 và giảm 112,5 tỉ nhân dân tệ vào tháng 3.

Sergi Lanau, Phó kinh tế trưởng tại Viện Tài chính quốc tế (IIF) ở Washington, cho biết: “Việc Nga sử dụng nguồn dự trữ không bị chặn này có thể giải thích một phần của dòng chảy vốn ra khỏi Trung Quốc”.

Các quốc gia phương Tây và Nhật Bản đã thành lập một mặt trận thống nhất trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính đối với Nga. Các lệnh trừng phạt không chỉ nhắm vào ngân hàng trung ương của Nga, các ngân hàng lớn của Nga đã không thể sử dụng mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT.

Khoảng một nửa dự trữ ngoại tệ của Nga bị đóng băng, với phần lớn là đô la. Có những lo ngại rằng đồng nhân dân tệ, vốn không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, sẽ là lỗ hổng thông qua mạng lưới các hình phạt.

Người dân Nga đổ xô đi rút tiền sau khi Nga bị các nước phương tây cấm vận vì tấn công Ukraine hồi cuối tháng 2. Ảnh: Reuters

Nga chật vật tìm lối thoát

Chiến tranh Ukraine vẫn chưa có hồi kết. Hiện các nhà phân tích nói rằng vẫn chưa rõ là các biện pháp trừng phạt có thể buộc Nga phải chủ động ngừng bắn hay không. Nga có thể lợi dụng các lỗ hổng trong quản lý tiền điện tử để lách các biện pháp trừng phạt. Việc châu Âu tiếp tục mua và nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên của Nga cũng khiến các lệnh cấm vận kém hiệu quả.

Nhưng nguồn dự trữ bằng nhân dân tệ của Nga tại ngân hàng trung ương Trung Quốc có thể cũng không phát huy tác dụng khi Trung Quốc cũng đang chơi chiêu “nắm dao đằng cán”. Ước tính nguồn này trị giá tương đương trên 90 tỉ đô la sẽ được Trung Quốc sử dụng để chi trả cho các loại hàng hóa nhập khẩu từ Nga. Vì vậy, Nga có thể “chết trên đống tài sản của chính mình” tương tự như nguồn dự trữ bằng vàng – có giá trị ước tính khoảng 140 tỉ đô la.

Giữa tháng 3, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh miễn thuế suất 20% và cho phép các ngân hàng bán vàng miếng cho người dân. Chuyên gia về kim loại quý Jeff Christian - đối tác quản lý của tập đoàn CPM – nói rằng Moscow có thể hướng tới các ngân hàng trung ương ở các quốc gia như Ấn Độ hoặc Trung Quốc để bán vàng hoặc làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay.

"Họ có thể mua số vàng này với giá rẻ hơn so với giá thị trường", ông Christian nói với Bloomberg. Chính phủ Nga tin rằng có thể bán vàng thông qua sàn giao dịch vàng Thượng Hải, mặc dù doanh số bán có thể sẽ rất nhỏ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới