Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nga tăng mạnh lãi suất để chặn đà lao dốc của đồng rúp

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau cuộc họp khẩn cấp hôm 15-8, Ngân hàng trung ương Nga (CBR) thông báo tăng lãi suất chính sách thêm 350 điểm cơ bản, lên mức 12,5%. Động thái này nhằm ngăn chặn đà lao dốc gần đây của đồng rúp do tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây đối với cán cân thương mại cũng như chi tiêu cho quân sự tăng vọt của Moscow.

Bảng điện tử hiện thị tỷ giá mua vào và bán ra của đồng rúp so với đô la Mỹ và euro bên ngoài qua một văn phòng thu đổi ngoại tệ ở Moscow, Nga hôm 14-8. Ảnh: AP

Sau thông báo tăng lãi suất, tỷ giá đồng rúp so với đô la Mỹ vào đầu giờ chiều nay (15-8), theo giờ Việt Nam, giảm 0,4% xuống mức 98,03 rúp ăn 1 đô la Mỹ. Hôm qua, giá đồng rúp giảm về gần mức 102 rúp ăn 1 đô la, mức thấp chưa từng thấy kể từ những tuần đầu tiên sau khi chiến sự Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2 năm ngoái.

Với mức giảm khoảng 24%, đồng rúp là một trong ba đồng tiền của các nước đang phát triển ghi nhận mất giá nặng nề nhất trong năm nay.

Tuần trước, CBR tuyên bố dừng mua vào ngoại tệ cho đến cuối năm. Tuy nhiên, động thái này không ngăn chặn được đà giảm giá của đồng rúp.

Hôm 14-8, Maxim Oreshkin, cố vấn kinh tế của Tổng thống Vladimir Putin, đổ lỗi CBR không thắt chắt tiền tệ, khiến đồng rúp suy yếu. Ông cũng chỉ trích CBR vì đã cho phép tăng trưởng cho vay nhanh hơn, khiến dòng tiền tràn ngập trong nền kinh tế.

Vì vậy, CBR đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp và sau đó ra quyết định tăng lãi suất.

“Áp lực lạm phát đang gia tăng. Quyết định tăng lãi suất nhằm hạn chế rủi ro đối với sự ổn định giá cả. Sự truyền dẫn từ tình trạng giảm giá của đồng rúp sang giá cả đang mạnh lên và kỳ vọng lạm phát đang gia tăng”, CBR cho biết trong một tuyên bố

Thống đốc CBR Elvira Nabiullina đã nhận được nhiều lời khen ngợi về cách điều hành nền kinh tế của bà kể từ khi Nga bắt đầu triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Tuy nhiên, giá đồng rúp lao dốc và lạm phát cao khiến bà chịu áp lực lớn từ các quan chức khác, đặc biệt là với những người theo chủ nghĩa dân tộc ủng hộ chiến tranh.

Lời chỉ trích công khai của Điện Kremlin đối với chính sách tiền tệ của bà vào hôm qua đã gia tăng thêm sức ép này khi Nga hướng tới cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3-2024 trong bối cảnh người tiêu dùng phải vật lộn với giá cả hàng hóa cơ bản tăng cao.

Cuộc đấu đá nội bộ công khai hiếm hoi cung cấp một cái nhìn sơ bộ về các ưu tiên đang thúc đẩy chính sách kinh tế của Nga. Dù đồng rúp yếu hơn sẽ có lợi cho ngân sách của chính phủ khi doanh thu tính theo đồng rúp từ xuất khẩu dầu tăng vọt lên mức cao nhất trong 8 tháng. Tuy nhiên, đồng rúp giảm giá cũng làm tăng chi phí nhập khẩu và khuyến khích người dân Nga tìm kiếm sự an toàn bằng cách chuyển tiền ra nước ngoài.

“Rõ ràng là sự suy yếu liên tục của đồng rúp sẽ không chỉ gây ra lạm phát cao hơn mà còn làm xói mòn niềm tin vào chính đồng tiền này và nền kinh tế nói chung”, Yevgeny Kogan, giáo sư kinh tế của Trường Kinh tế Cao cấp (HSE) ở Moscow, nhận định.

Ông lưu ý, lượng ngoại tệ mà người Nga nắm giữ đã tăng 23% trong năm nay, trong khi dòng tiền chảy ra các ngân hàng nước ngoài tăng 41%.

Kogan cảnh báo, mức tỷ giá liên tục ở mức 100 rúp ăn 1 đô la có thể thúc đẩy các công ty sử dụng hàng hóa hoặc thiết bị nhập khẩu tăng giá mạnh. Điều này có thể gây ra sự hoảng loạn tài chính trong dân chúng.

Lần gần đây nhất CBR thực hiện đợt tăng lãi suất khẩn cấp là vào cuối tháng 2-2022 , với mức tăng lên 20% ngay sau khi Nga đưa quân sang biên giới Ukraine. Sau đó, CBR dần giảm chi phí vay, xuống còn 7,5% nhờ áp lực lạm phát giảm bớt vào nửa cuối năm 2022.

Kể từ lần cắt giảm mới nhất vào tháng 9-2022, CBR đã giữ nguyên lãi suất nhưng liên tục cảnh báo sẽ tăng chi phí vay. Ngân hàng này rốt cục đã tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản, lên 8,5% trong một cuộc họp hồi tháng 7.

Nga chứng kiến lạm phát hai con số vào năm 2022 và sau khi giảm tốc vào mùa xuân năm 2023, lạm phát hàng năm một lần nữa bật lên mức cao hơn mục tiêu 4% của CBR. Lạm phát trong ba tháng vừa qua ở Nga tăng trung bình 7,6%.

Mikhail Vasilyev, nhà phân tích của ngân hàng Sovcombank,  giải thích, đó là dấu hiệu cho thấy lãi suất đã đạt đỉnh.

“Chúng tôi tin rằng lãi suất cơ bản sẽ duy trì ở mức 12,5% hiện tại cho đến cuối năm. Một chu kỳ cắt giảm lãi suất cơ bản vẫn có thể xảy ra, sớm nhất là vào năm tới, khi lạm phát bắt đầu tăng chậm lại”, Vasilyev nói.

“Việc tăng lãi suất chính sách sẽ không giải quyết được bất cứ điều gì. Nga có thể tạm thời làm chậm tốc độ mất giá của đồng rúp với cái giá là tăng trưởng GDP thực tế chậm lại, trừ khi các vấn đề cốt lõi, chiến tranh và lệnh trừng phạt, được giải quyết”, Timothy Ash, nhà chiến lược cao cấp về thị trường mới nổi của RBC Bluebay Asset Management, nhận định.

Theo Reuters, Bloomberg, Moscow Times

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới