(KTSG Online) - Nga đã âm thầm tập hợp một đội tàu gồm hơn 100 tàu chở dầu cũ kỹ để lách các hạn chế của phương Tây đối với việc bán dầu của Nga, theo các nhà phân tích và môi giới vận tải biển.
- EU nhất trí áp trần giá dầu Nga 60 đô la/thùng
- Giá cước tàu chở dầu tăng vọt trước thềm lệnh cấm vận dầu Nga của EU
Công ty môi giới vận tải biển Braemar, có trụ sở tại London, ước tính rằng Moscow, vốn phụ thuộc rất nhiều vào các tàu chở dầu nước ngoài để vận chuyển dầu thô, đã bổ sung hơn 100 tàu trong năm nay, thông qua các giao dịch mua trực tiếp hoặc gián tiếp.
Theo hãng tư vấn năng lượng Rystad, Nga đã bổ sung 103 tàu chở dầu trong năm 2022 thông qua việc mua và phân bổ lại các tàu chở dầu phục vụ Iran và Venezuela, hai nước đang chịu lệnh cấm vận dầu mỏ của phương Tây.
Việc Điện Kremlin đã nỗ lực tập hợp cái mà ngành vận tải dầu mỏ gọi là “đội tàu bóng tối” nhằm chống lại đòn trừng phạt quốc tế mới đối với dầu mỏ của nước này, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển của Liên minh châu Âu (EU). Lệnh cấm này có hiệu lực vào ngày 5-12 và mức trần giá dầu Nga 60 đô la/thùng, mà EU mới thông qua và được sự ủng hộ của khối cường quốc công nghiệp G7.
Các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây sẽ hạn chế Moscow tiếp cận một phần lớn đội tàu chở dầu toàn cầu vì các công ty bảo hiểm ở châu Âu như Lloyd's of London (Anh) sẽ bị cấm bảo hiểm cho các tàu chở dầu của Nga, bất kể điểm đến của chúng là nơi đâu, trừ khi dầu Nga được bán theo cơ chế giá trần.
Các công ty giao dịch dầu mỏ cho rằng đội tàu “bóng tối” của Nga sẽ giúp giảm tác động của các biện pháp trừng phạt đó.
Nhưng Nga đã tuyên bố rằng sẽ không giao dịch với bất cứ nước nào thực thi cơ chế giá trần nói trên. Có nghĩa là Nga có thể từ chối cung cấp dầu theo các điều kiện do phương Tây đặt ra.
Thay vào đó, Moscow sẽ sử dụng đội tàu mới tập hợp của mình để cung cấp dầu cho các nước như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước đã trở thành khách hàng mua dầu lớn hơn của Nga khi châu Âu cắt giảm nhu cầu dầu Nga.
Phần lớn các giao dịch mua tàu chở dầu đều ẩn danh và có thể nhận ra từ sự gia tăng lớn về số lượng người mua mới giấu tên ở các nơi đăng ký.
Anoop Singh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tàu chở dầu tại Braemar, cho biết các tàu này thường có tuổi đời từ 12-15 năm và dự kiến sẽ bị loại bỏ trong vài năm tới.
“Đây là những người mua mà chúng tôi, với tư cách là những nhà môi giới lâu năm, không quen thuộc. Chúng tôi tin rằng phần lớn các tàu này phục vụ cho Nga”.
Theo Braemar, trong năm 2022, các nhà khai thác tàu chở dầu liên kết với Nga bị nghi ngờ đã mua tới 29 siêu tàu dầu, còn gọi là tàu VLCC, với mỗi tàu có thể chở hơn 2 triệu thùng.
Braemar cho biết Nga cũng có thể đã bổ sung 31 tàu chở dầu có kích thước Suezmax, có thể chở 1 triệu thùng dầu và 49 tàu chở dầu kích thước Aframax, có thể kéo chở 700.000 thùng.
Hồi tháng 10, Andrei Kostin, Chủ tịch ngân hàng VTB thuộc sở hữu nhà nước Nga, xác nhận Nga đang đẩy mạnh mua tàu dầu cũ khi nói rằng Nga cần phải chi ít nhất 1 triệu rup (16,2 tỉ đô la Mỹ) để mở rộng đội tàu chở dầu. Hồi tháng 3, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cũng cho biết Nga sẽ xây dựng chuỗi cung ứng dầu mỏ.
Craig Kennedy, chuyên gia nghiên cứu dầu mỏ Nga tại Trung tâm David Harvard thuộc Đại học Harvard, nói: “Số tàu mà Nga cần để vận chuyển dầu là rất lớn. Chúng tôi thấy khá nhiều tàu dầu bán cho người mua giấu tên trong những tháng gần đây và một vài tuần sau khi bán, nhiều trong số những chiếc tàu dầu này đã xuất hiện ở Nga để nhận lô hàng vận chuyển đầu tiên”.
Kennedy hoài nghi về việc liệu các tàu VLCC có được Moscow sử dụng hay không vì chúng quá lớn để tiếp cận các cảng của Nga, ngay cả khi một số tàu như vậy có thể được sử dụng để tiếp nhận dầu từ các tàu nhỏ hơn. Ông nói thêm, không phải tất cả các tàu được mua bởi những người mua ẩn danh hoặc xa lạ đều phục vụ riêng cho Nga.
Các nhà phân tích cho biết Nga vẫn sẽ đối mặt với việc thiếu tàu chở dầu và có thể gặp khó khăn trong những tháng đầu năm 2023 để duy trì mức xuất khẩu dầu hiện nay. Và điều này có thể đẩy giá dầu tăng lên.
Tình trạng thiếu hụt tàu chở dầu của Nga có thể tăng lên khi lệnh cấm vận của EU mở rộng sau nhiên liệu tinh chế của Nga vào tháng 2-2023, Kennedy nói. Nga sẽ cần tiếp cận nhiều tàu chở dầu hơn bình thường vì chiều dài của mỗi hành trình sẽ dài hơn. Dầu mà trước đây Nga bán ở châu Âu sẽ được gửi cho những người mua mới ở châu Á.
Braemar dự báo sự thiếu hụt tàu dầu sẽ khiến xuất khẩu dầu của Nga giảm từ 700.000-1,5 triệu thùng mỗi ngày. Trong khi đó, Rystad ước tính Nga sẽ thiếu 60-70 tàu chở dầu và dự kiến xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga sẽ giảm khoảng 200.000 thùng/ngày.
Rystad nhận định, tổng lượng dầu Nga bị mất mát trên thị trường quốc tế có thể lên đến 600.000 thùng/ngày nếu Moscow trả đũa bằng cách cắt nguồn cung dầu qua các đường ống đến châu Âu, vốn không bị trừng phạt, trước khi có đủ tàu chở dầu để chuyển hướng số dầu này sang châu Á.
Theo Viktor Kurilov, nhà phân tích tại Rystad, Nga cần hơn 240 tàu chở dầu để duy trì sản lượng dầu xuất khẩu hiện tại.
Chuyên gia nghiên cứu dầu mỏ Nga Craig Kennedy nói: “Nga có thể tìm kiếm nhiều cách tinh vi để lách đòn trừng phạt của phương Tây nhưng lượng dầu mà Nga cần vận chuyển là quá lớn. Ngay cả khi phương Tây không áp giá trần dầu, Nga cũng sẽ phải chật vật vận hành đội tàu chở dầu ở quy mô cần thiết để duy trì xuất khẩu dầu”.
Theo Financial Times
Vấn đề là có ai liều bảo hiểm cho những tàu chở dầu bóng tối cũ kỹ hết đát này không? Có khách hàng nào dám liều không?