Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nga thâm hụt ngân sách lớn do doanh thu dầu khí giảm một nửa

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Doanh thu thuế từ dầu khí của chính phủ Nga sụt giảm gần 50% trong tháng 1, góp phần dẫn đến mức thâm hụt ngân sách lớn nhất trong tháng đầu tiên của năm kể từ ít nhất là năm 1998.

Trong tháng 1, giá dầu Urals trung bình của Nga giảm xuống còn 49,48 đô la Mỹ/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 12 -2020. Ảnh: Rueconomics.ru

Ngân sách thâm hụt 25 tỉ đô la

Trong tháng trước, doanh thu thuế từ dầu mỏ và khí đốt của Nga giảm hơn 46% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi chi tiêu tăng 59% do chi phí cho cuộc xung đột ở Ukraine. Hôm 6-2, Bộ Tài chính Nga cho biết sự kết hợp của các diễn biến này khiến Nga thâm hụt ngân sách công 1,76 nghìn tỉ rúp (gần 25 tỉ đô la Mỹ).

Doanh thu từ dầu khí của Nga giảm mạnh do tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với hàng hóa năng lượng xuất khẩu của Nga. Các lệnh trừng phạt này bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu thô và chế phẩm dầu mỏ bằng đường biển từ Nga của Liên minh châu Âu (EU) cũng như cơ chế áp giá trần đối với những sản phẩm năng lượng này của khối cường quốc G7 và các đồng minh.

Kết quả là dầu thô Urals của Nga giao dịch với mức chiết khấu sâu đáng kể so với giá dầu chuẩn quốc tế Brent.

Trong tháng 1, giá dầu Urals trung bình giảm xuống còn 49,48 đô la Mỹ/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 12-2020, thấp hơn đáng kể so với mức giá trung bình của dầu Brent là 77,82 đô la/thùng vào tháng trước. Mức giá dầu Urals trong tháng 1 thấp hơn đến 42% so với cùng kỳ năm 2022 và cũng thấp hơn mức 70,1 đô la/thùng mà Nga tính toán cho ngân sách năm 2023.

Bên cạnh đó, xuất khẩu khí đốt của Nga cũng đang giảm, góp phần làm giảm doanh thu năng lượng sau khi Gazprom, tập đoàn năng lượng lớn nhất nước, cắt giảm phần lớn các lô hàng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu, từng là thị trường lớn nhất của Nga

Bộ Tài chính Nga cho biết doanh thu thuế từ hàng hóa phi năng lượng cũng giảm 28% trong tháng 1, một phần do doanh thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân giảm.

Alex Isakov, nhà kinh tế tại Bloomberg Economics, nhận định: “Doanh thu từ thuế dầu mỏ của Nga suy giảm là điều đã được dự báo trước, nhưng mức giảm gần 30% trong doanh thu thuế liên quan đến tiêu dùng trong nước là điều đáng ngại. Chúng tôi cho rằng doanh thu từ dầu mỏ của Nga sẽ tiếp tục không đạt kỳ vọng trong suốt cả năm, đưa mức thâm hụt ngân sách của Nga tăng thêm 1,5% GDP so với dự đoán của chính phủ”.

Bộ Tài chính Nga tiết lộ đã bán 3,6 tấn vàng và 2,3 tỉ nhân dân tệ từ quỹ đầu tư quốc gia trong tháng 1 để bù đắp thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Nga vẫn tự tin rằng Nga vẫn có thể đạt được các mục tiêu ngân sách trong năm nay.

Moscow dựa vào thu nhập từ dầu mỏ và khí đốt, đạt 11,6 nghìn tỉ rúp (165 tỉ đô la) vào năm ngoái, để tài trợ cho chi tiêu ngân sách, và buộc phải bắt đầu bán dự trữ ngoại hối ở nước ngoài để bù đắp thâm hụt ngân sách do chi phí cho hoạt động quân sự ở Ukraine tăng lên. Tuy nhiên, phần lớn dự trữ quốc tế của Nga đã bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Dừng sử dụng châu Âu làm điểm tham chiếu cho giá dầu Urals

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu chính phủ đưa ra kế hoạch mới để định giá dầu của Nga, giúp bù đắp tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt đối với nguồn thu ngân sách trước ngày 1 -3. Hiện tại, Bộ Tài chính Nga đánh thuế các nhà sản xuất dầu dựa trên báo cáo thẩm định giá dầu Urals hàng tháng của hãng nghiên cứu và tư vấn thị trường hàng hóa Argus Media (Anh). Các thẩm định này bao gồm chi phí vận chuyển và bảo hiểm cho các lô hàng dầu thô được vận chuyển đến tây bắc châu Âu.

Bộ Tài chính Nga cho biết đang nghiên cứu các phương pháp tiếp cận mới, trong đó, chuyển sang sử dụng các chỉ số giá cả khác cho mục đích đánh thuế dầu xuất khẩu. Theo Bộ Tài chính Nga, tính đại diện khách quan của các báo cáo thẩm định giá dầu Urals xuất khẩu hiện nay đã suy giảm.

Phát biểu tại một hội nghị năng lượng ở Ấn Độ hôm 6-2, Igor Sechin, Giám đốc điều hành của tập đoàn dầu khí Rosneft (Nga), cho biết Nga sẽ không sử dụng thị trường châu Âu làm điểm tham chiếu cho giá dầu Urals vì hiện tại châu Á là nơi tiêu thụ dầu của Nga lớn nhất. Ông nói: "Nếu dầu của Nga không vào thị trường châu Âu, thì Nga sẽ không lấy giá tham chiếu ở đó. Giá tham chiếu sẽ được hình thành ở nơi thực sự tiêu thụ dầu của Nga”.

Theo dữ liệu sơ bộ của các thương nhân và tính toán của Reuters, khoảng 70% lô hàng dầu Urals của Nga trong tháng 1 được xuất khẩu sang Ấn Độ, nước đã trở thành khách hàng mua dầu hàng đầu của Nga trong vài tháng qua, lấp đầy khoảng trống mà các khách hàng ở châu Âu để lại.

Theo Bloomberg, Reuters

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới