Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nga trả cổ tức cho dự án Sakhalin bằng nhân dân tệ

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nga đã trả cổ tức bằng đồng tiền của Trung Quốc cho các cổ đông nước ngoài tham gia các dự án phát triển mỏ dầu Sakhalin 1 và Sakhalin 2. Nikkei Asia nói rằng đây là một tình trạng không thể nào làm khác bởi lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow buộc các tổ chức tài chính không được chấp nhận thanh toán bằng đồng đô la Mỹ trong các thương vụ với Nga.

Đồng nhân dân tệ đang thắng thế trước đồng đô la khi phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt, loại Nga ra khỏi mạng lưới thanh toán bằng đô la. Ảnh: Reuters

Moscow bắt đầu thành lập các công ty mới vào năm ngoái để quản lý lợi ích của mình trong các dự án nằm ở vùng Viễn Đông của nước Nga. Kể từ đó, các doanh nghiệp Nga nói sẽ thay đổi phương thức chi trả cổ tức nhưng không nói rõ loại tiền tệ mà họ sẽ sử dụng.

Trước thời điểm có lệnh trừng phạt, cổ tức của hai dự án Khalin đã được thanh toán bằng đô la Mỹ mỗi năm hai lần thông qua tài khoản ngân hàng ở Singapore. Kể từ khi phương Tây công bố các biện pháp ngăn chặn Nga tham gia mạng lưới thanh toán bằng đô la, các tổ chức tài chính hiện không muốn thực hiện các giao dịch bằng đô la liên quan đến Nga.

Đầu năm nay, các tổ chức của Nga đã hình thành một lộ trình chuyển tiền mới để trả cổ tức từ các dự án Sakhalin.

Các doanh nghiệp Nga gần đây đã sử dụng nhân dân tệ để trả cổ tức cho các công ty thương mại Nhật Bản có cổ phần trong các dự án. Các giao dịch liên quan được cho là đã được xử lý bởi Gazprombank, ngân hàng con thuộc tập đoàn dầu khí nhà nước Gazprom.

Các công ty Nhật Bản vẫn duy trì cổ phần của họ ngay cả sau khi các đối tác Mỹ và châu Âu rút lui. Công ty Phát triển Dầu khí Sakhalin của Nhật Bản - trong đó Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) và nhiều doanh nghiệp nước này có cổ phần – nắm giữ 30% ở dự án Sakhalin 1. Đối với Sakhalin 2, Mitsui & Co. có 12,5 % cổ phần và Mitsubishi Corp. có 10%.

Đồng nhân dân tệ không phải là đồng tiền thanh toán được ưa chuộng đối với các cổ đông Nhật Bản vì đồng tiền này chịu một số hạn chế nhất định trong các giao dịch chuyển tiền xuyên biên giới.

Tuy nhiên, các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ đang gia tăng trên khắp thế giới. Hồi tháng 3, Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), một gã khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, đã cùng với Total Energies của Pháp dùng nhân dân tệ để thanh toán các thương vụ mua khí đốt (LNG). Brazil đã giới thiệu một hệ thống trong đó nhân dân tệ có thể được sử dụng để giải quyết các giao dịch thương mại và tài chính với Trung Quốc. Các nước Trung Đông cũng có nhiều hoạt động trong việc giải quyết các giao dịch bằng các loại tiền tệ khác ngoài đồng đô la.

Các giao dịch nhân dân tệ đang gia tăng đặc biệt ở Nga do các lệnh trừng phạt. Theo Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga, tỷ lệ giao dịch ngoại hối của đồng nhân dân tệ đã tăng lên mức cao kỷ lục 39% trong tháng 3, trong khi tỷ lệ của đồng đô la giảm xuống 34%.

Các biện pháp trừng phạt ngăn Nga tham gia mạng lưới thanh toán bằng đô la tuy gây nguy hiểm nhiều nước có dự trữ ngoại tệ bằng đô la nhưng lại có lợi cho Trung Quốc.

Tỷ lệ thanh toán bằng nhân dân tệ của Nga đã tăng từ con số không lên 39%, riêng đô la giảm từ hơn 80% còn 34% từ tháng 2-2022 khi xung đột Ukraine – Nga bùng nổ. Nguồn: Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga / JETRO

Stephen Jen và Joana Freire của quỹ Eurizon SLJ Capital nói rằng tỷ trọng của đồng đô la trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm nhanh hơn 10 lần trong năm 2022 so với tốc độ trung bình trong 20 năm qua.

Sau khi điều chỉnh sự biến động của tỷ giá hối đoái, Eurizon ước tính rằng đồng đô la đã mất khoảng 11% thị phần kể từ năm 2016. Tỷ lệ dự trữ chính thức của đồng đô la trên toàn thế giới đã giảm từ 70% năm 2001 xuống còn khoảng 58%. Jen và Freire cũng lưu ý rằng đồng đô la là đồng tiền dự trữ bá quyền không thể tranh cãi cho đến khoảng năm 2000.

Mỹ đã có thể thiết lập một "đồng đô la dầu mỏ" áp đảo bằng cách áp dụng một hệ thống thanh toán bằng đồng đô la cho dầu mỏ và các nguồn tài nguyên khác. Hệ thống này được cho là do Richard Nixon giới thiệu khi ông còn là tổng thống vào những năm 1970 với nỗ lực giành ảnh hưởng kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, sức mạnh bá chủ này có thể bị đe dọa hơn nữa khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga làm dấy lên lo ngại về việc nắm giữ đồng đô la của các quốc gia có khả năng rơi vào xung đột với Mỹ.

Tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) do Nga dẫn đầu hồi tháng 5, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu: "Những thay đổi sâu rộng đang diễn ra trong lĩnh vực tài chính quốc tế... Chúng tôi đang theo đuổi chính sách giảm tỷ trọng tiền tệ của các quốc gia không thân thiện trong các giao dịch trong khối và lập kế hoạch mở rộng hoạt động với các đối tác, bao gồm cả EAEU, để hoàn thành quá trình chuyển đổi sang các loại tiền tệ của các nước khác”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới