(KTSG) - Chiều 9-12, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết Hà Nội đã chuyển tư duy từ “Zero Covid” sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong. Cùng ngày, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định cho khách sạn trên địa bàn tỉnh được mở cửa đón khách trở lại từ ngày 10-12 cùng nhiều loại dịch vụ khác (trừ vùng đỏ) sau hơn năm tháng bị buộc phải đóng cửa để phòng chống dịch. Một địa phương khác là tỉnh Bạc Liêu cũng cho xe khách liên tỉnh được hoạt động lại từ ngày 15-12.
Đây đều là những quyết định được người dân và các doanh nghiệp ở những địa phương này mong đợi. Điều đáng nói là sự “chuyển tư duy” hay những quyết định mở cửa nêu trên được đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ ca nhiễm tính trên 100.000 dân ở các địa phương này vẫn liên tục tăng trong suốt hơn một tháng qua. Điều đó cho thấy, giờ đây các vị lãnh đạo của Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bạc Liêu đã “ngộ” ra Zero Covid là mục tiêu bất khả thi, điều mà cả TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An đã cố gắng làm trong suốt bốn tháng trời và đã thất bại.
Nghị quyết 128 được ban hành ngay từ đầu tháng 10-2021, đồng thời với việc dừng áp dụng luôn hai chỉ thị số 15 và 16, là sự chuyển hướng kịp thời của Chính phủ từ tư duy Zero Covid sang thích ứng an toàn với dịch. Thế nhưng, không phải ban lãnh đạo địa phương nào cũng sẵn sàng “chuyển tư duy”.
Cho đến nay, không ít địa phương vẫn đang có xu hướng chống dịch theo tư duy Zero Covid, mặc dù các quyết định đưa ra đều nói là thực hiện theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Chẳng hạn ở tỉnh Bình Thuận, dù địa phương này là một trọng điểm du lịch và dù trên danh nghĩa đã cho mở cửa đón du khách từ ngày 24-10, nhưng đến nay cũng chỉ có khoảng 30 cơ sở lưu trú được tỉnh cho phép đón du khách, dịch vụ ăn uống thì vẫn rất hạn chế và các chốt kiểm soát thì vẫn xuất hiện nhan nhản ở các cửa ngõ ra vào tỉnh; hay việc gần đây Đà Nẵng yêu cầu hủy giải vô địch quốc gia Kick boxing và sáu giải thể thao khác đã được lên lịch để tổ chức ở thành phố này, sau khi phát hiện có bốn vận động viên tham dự giải Kick boxing dương tính với virus SARS-CoV-2.
Hai tháng trước, việc nhiều địa phương ngại mở cửa là có thể hiểu được do tỷ lệ tiêm chủng còn thấp. Nhưng hiện nay, khi 96,3% số người từ 18 tuổi trở lên của cả nước đã tiêm ít nhất một liều vaccine và tỷ lệ tiêm đủ hai liều đến 76%, nhưng nhiều địa phương vẫn hạn chế hoạt động kinh doanh của người dân và doanh nghiệp thì thật khó hiểu.
Hiện nay, tâm lý lo ngại đối với người đến từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An vẫn còn khá nặng ở không ít địa phương. Nhưng thật trớ trêu là nếu nhìn vào thống kê, số ca F0 mới hàng ngày tính trên 100.000 dân ở bốn địa phương này lại ít hơn rất nhiều so với các tỉnh được xem là có biện pháp chống dịch quyết liệt nhất.
Việc TPHCM và các địa phương lân cận đã bước đầu thành công trong việc thích ứng an toàn với Covid để phục hồi và phát triển kinh tế có thể xem là kinh nghiệm cho những địa phương nào còn do dự, trong đó tỉnh Long An có thể xem như một hình mẫu. Đây là địa phương đầu tiên đã mở cửa cho nối lại tất cả các hoạt động kinh doanh trên toàn tỉnh, bao gồm cả những dịch vụ được đánh giá là “nhạy cảm với dịch” như karaoke, massage, vũ trường, quán bar… Hơn nữa, Long An cũng có nhiều khu công nghiệp sát TPHCM, Bình Dương và hàng ngày vẫn có hàng trăm ngàn người qua lại giữa các địa phương để làm việc nhưng số ca F0 của tỉnh này từ lúc mở cửa đến nay luôn ở mức thấp.
Long An không ngăn cản người dân và doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, cũng không đưa ra các biện pháp chống dịch cứng rắn như nhiều địa phương khác. Thay vào đó, lãnh đạo tỉnh này khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đưa ra các biện pháp phòng chống dịch. Có lẽ nhờ đó mà hun đúc được ý thức phòng chống dịch của doanh nghiệp và người dân, tạo ra sự khác biệt cho Long An. Kết quả này là bằng chứng cho thấy, cứ tạo cơ hội để người dân và doanh nghiệp làm ăn, vì hơn ai hết chính họ là người hiểu rõ phải có ý thức phòng ngừa dịch để bảo vệ sinh kế của mình. Ngăn cấm chưa bao giờ là giải pháp tốt.