Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngăn chặn ô nhiễm sông Đồng Nai

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngăn chặn ô nhiễm sông Đồng Nai

Nhân viên ngành môi trường đang vớt rác trên rạch Nhiêu Lộc dẫn vào sông Sài Gòn – một nhánh chính của hệ thống sông Đồng Nai – Ảnh: KINH LUÂN

(TBKTSG Online) – Tình trạng ô nhiễm trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai sẽ được cải thiện với nỗ lực từ các bộ, ngành và 12 tỉnh, thành trong việc hoàn thành một đề án về bảo vệ môi trường nơi đây.

Thủ tướng Chính phủ ngày 3-12 đã phê duyệt đề án “Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020” nhằm mục đích giải quyết tình trạng ô nhiễm cho toàn bộ lưu vực trải dài qua 12 tỉnh, thành phố phía Nam. Đề án này cũng bao gồm việc giữ gìn chất lượng, trữ lượng nguồn nước và bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững toàn lưu vực, đồng thời đưa ra các yêu cầu về áp dụng công nghệ sạch khi xây dựng các cơ sở sản xuất trên lưu vực.

Theo yêu cầu của Chính phủ, đề án sông Đồng Nai phải luôn được ưu tiên gắn kết với các dự án, chương trình khác liên quan của các bộ, ngành và từng địa phương trên lưu vực. Một trong những yêu cầu quan trọng mà đề án đặt ra là các cơ sở sản xuất mới được xây dựng trên lưu vực buộc phải áp dụng công nghệ sạch, ít gây ô nhiễm và thân thiện với môi trường. Riêng chất thải của các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp hiện nay trên lưu vực được yêu cầu phải xử lý, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường trước khi xả ra bên ngoài.

Có tất cả 16 dự án thành phần trọng tâm có tính liên ngành, liên vùng thuộc đề án sông Đồng Nai. Tổng kinh phí để triển khai, thực hiện 16 dự án này ước tính gần 2.000 tỉ đồng, được huy động từ các nguồn như ngân sách địa phương, ngân sách trung ương, vốn đầu tư của doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn lưu vực và sự hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và ngoài nước.

Một nguồn tin từ Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) – đơn vị chủ trì đề án, cho biết đề án hướng đến việc quản lý và bảo vệ nguồn nước theo hệ thống lưu vực sông nhằm đạt hiệu quả cao thay cho các quản lý hiện nay là phân chia trách nhiệm của từng địa phương theo khu vực hành chánh. Do đó, Bộ TNMT đã đề xuất thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai.

Ủy ban này sẽ đóng vai trò chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng nhằm thực hiện thống nhất các nội dung của đề án. Cụ thể, một trong những chỉ tiêu đến năm 2010 là 100% các cơ sở mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Ngoài ra, tình trạng khai thác cát bừa bãi trên sông cũng sẽ được khắc phục đồng thời với việc triển khai các hoạt động nhằm chống xói lở bờ sông.

Trên cơ sở đó, chương trình về bảo vệ môi trường nước sông đạt tiêu chuẩn loại A – loại cao nhất, để cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân cũng được tiến hành. Trong giai đoạn tiếp theo, 2011-2015, các bộ, ngành và địa phương phải xử lý triệt để trên 90% các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông Đồng Nai, thu gom trên 90% chất thải rắn sinh hoạt và xử lý 100% chất thải nguy hại.

Trong năm năm tiếp theo, từ năm 2016 đến năm 2020, ít nhất 70% khu đô thị và 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất tại toàn bộ lưu vực này phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Bên cạnh đó, các địa phương sẽ phải đẩy mạnh chương trình trồng rừng để đạt tỷ lệ che phủ ít nhất 50% tổng diện tích rừng tự nhiên, khôi phục diện rừng đầu nguồn bị suy thoái.

Một trong những vấn đề quan trọng mà đề án đặt ra là đạt được sự đồng thuận và hợp tác chặt chẽ của người dân với chính quyền trong công tác bảo vệ môi trường lưu vực. Các bộ, ngành và địa phương cũng đang đề xuất Chính phủ có cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào các dự án bảo vệ môi trường lưu vực này.

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ ngày 3-12, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cũng đã nhắc đến tầm quan trọng của đề án sông Đồng Nai đối với kế hoạch hợp tác phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh khu vực phía Nam. 12 tỉnh, thành phố trên lưu vực sông Đồng Nai: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Lâm Đồng, Daklak, Ninh Thuận, Bình Thuận, Dak Nong.

SONG NGUYÊN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới