(KTSG Online) - Ngày 23-8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam tổ chức hội thảo “Thuốc giả và thực phẩm chức năng giả - Hiện trạng và giải pháp”.
Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), trong năm 2021, Tổng cục Quản lý Thị trường đã phát hiện 41.375 vụ vi phạm trên cả nước, trong đó có những vụ đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp, nhiều vụ làm giả có sản phẩm liên quan đến thuốc và thực phẩm chức năng gây quan ngại lớn đối với sức khỏe cộng đồng.
Đặc biệt, bệnh nhân không may mắn khi điều trị bằng thuốc giả mạo, như đối với trường hợp kháng sinh có thể dẫn đến sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc, thuốc giả được sản xuất tại các cơ sở không đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn quy định có thể chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc, điều này vô cùng nguy hiểm đối với trường hợp các thuốc dùng đường tiêm hoặc trên những người bệnh bị suy giảm miễn dịch.
Các chuyên gia tại sự kiện cho biết, thuốc giả ngày càng được sản xuất tinh vi, chỉ các chuyên gia dược hoặc bác sĩ có kinh nghiệm mới có thể phát hiện, phân biệt những điểm khác nhau khi so sánh vỏ hộp, tờ hướng dẫn sử dụng so với thuốc thật, còn với người tiêu dùng, điều này rất khó. Các mẫu thuốc tân dược bị làm giả thường là kháng sinh phổ thông, cá biệt có kháng sinh đắt tiền của các thương hiệu dược nổi tiếng.
Báo Công Thương dẫn thông tin từ ông Trần Đức Đông, Phó chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389), cho biết phương thức thủ đoạn của các đối tượng buôn bán thực phẩm chức năng giả diễn ra khi người mua không được tiếp xúc với sản phẩm, chỉ nắm thông tin, hình ảnh rao trên mạng, sau đó đối tượng gửi hàng giả, kém chất lượng để đánh lừa người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng gửi tiền đặt cọc số lượng lớn, các đối tượng có thể chiếm đoạt luôn cả tiền cọc.
Nhiều đối tượng thu gom, đặt hàng các sản phẩm thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ, sau đó thuê in bao bì với các sản phẩm tương tự thật… Thực tế này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính. Ông Đông cho biết thêm.
Về phía VCCI, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, cho rằng để bảo vệ lợi ích khách hàng và uy tín của doanh nghiệp dược, nhiều công nghệ chống hàng giả đang được các công ty dược phẩm áp dụng. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại không đạt được như mong đợi. Có thời điểm, công nghệ làm giả tem chống hàng giả còn đẹp hơn cả chiếc tem thật làm chức năng chống hàng giả.
Do đó, VCCI và Hiệp hội các doanh nghiệp Dược tại Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp công nghệ thông tin nghiên cứu và phát triển công nghệ chống giả tiên tiến, hiện đại để giải quyết vấn đề chống hàng giả.
Song song với đó, các doanh nghiệp dược cũng nên chủ động tiếp cận, ứng dụng các công nghệ chống giả phù hợp, có khả năng chống giả để bảo vệ uy tín thương hiệu của mình, cũng như bảo vệ sức khỏe cộng đồng là trách nhiệm và sứ mệnh thiêng liêng của người thầy thuốc. Bà Thủy nói.
Ông Trần Đức Đông, BCĐ 389 nhận định, xu hướng buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc tân dược, thực phẩm chức năng đang dịch chuyển từ nhỏ lẻ, tự phát sang lợi dụng tư cách pháp nhân, thành lập công ty liên danh, liên kết trong và ngoài nước, hình thành đường dây, ổ nhóm lớn để buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả với phương thức, thủ đoạn tinh vi, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, các đối tượng cũng chuyển từ hình thức sản xuất, kinh doanh mua bán, vận chuyển, giao nhận hàng hóa từ trực tiếp sang ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử để đặt hàng, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong phát hiện, bắt quả tang.
Cuối năm 2022, dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sẽ còn diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh dự báo sẽ còn kéo dài. Để thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, và buôn bán hàng giả đạt kết quả, ông Trần Đức Đông cho rằng, cần tập trung phương tiện, biện pháp, tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc về quy định pháp luật, về cơ chế phối hợp và đề xuất các kiến nghị sửa đổi bổ sung thay thế kịp thời, từng bước hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Theo VCCI, Báo Công Thương