Thứ Năm, 18/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng bước vào mùa tăng vốn cuối năm

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hoạt động tăng vốn ở các ngân hàng sẽ trở lại nhộn nhịp trong khoảng thời gian còn lại của năm.

Từ đầu tháng 9 đến nay, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án tăng vốn ở nhiều ngân hàng thương mại.

Gần đây nhất là Ngân hàng SHB được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ mức 19.260 tỉ đồng lên hơn 26.674 tỉ đồng. Phương án tăng vốn là chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10,5%, sau đó phát hành hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 100:28 (sở hữu 100 cổ phiếu được quyền mua 28 cổ phiếu mới) với giá chào bán 12.500 đồng/cổ phiếu.

Nhiều ngân hàng được cơ quan quản lý chấp thuận tăng vốn trong tháng 9. Ảnh minh họa: DNCC.

Trước đó, một ngân hàng khác cũng được chấp thuận phương án tăng vốn là VPBank, dự kiến sẽ thực hiện trong khoảng thời gian còn lại của năm. Theo đó, VPBank sẽ tăng vốn điều lệ thêm tối đa gần 19.758 tỉ đồng, lên mức gần 45.058 tỉ đồng.

Để tăng vốn, ngân hàng sẽ phát hành 1,53 tỉ cổ phiếu để trả cổ tức với tỉ lệ 62,15%, sau đó phát hành hơn 440 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 17,85% từ nguồn vốn chủ sở hữu. Nguồn vốn phát hành được lấy từ khoản lợi nhuận chưa phân phối, quỹ đầu tư phát triển và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.

Ngân hàng MSB mới đây cũng thông báo ngày chốt quyền trong tháng 10 để trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%. Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành thêm 352,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, từ đó giúp tăng vốn điều lệ lên mức 15.275 tỉ đồng.

Về nhóm ngân hàng quốc doanh, Ngân hàng Vietcombank vừa được Chính phủ phê duyệt phương án bổ sung vốn nhà nước thêm 7.657 tỉ đồng dựa theo tờ trình của Ngân hàng Nhà nước. Hồi tháng 6 trước đó, Ngân hàng Vietinbank đã được đồng ý bổ sung hơn 6.977 tỉ đồng.

Như vậy, sau đợt tăng vốn hồi tháng 7, dự kiến từ nay đến cuối năm nhiều ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện phương án tăng vốn như đã được thông qua tại kỳ đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 4.

Điển hình là mới đây, TPBank thông báo phát hành riêng lẻ thành công 100 triệu cổ phiếu với giá bán bình quân 33.000 đồng/cổ phiếu, số tiền ròng thu về là gần 3.282 tỉ đồng. Theo kế hoạch chào bán, TPBank sẽ dùng số tiền này để tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỉ đồng, lên mức 11.716 tỉ đồng.

Kế hoạch tăng vốn được đưa ra hồi đại hội cổ đông thường niên 2021.

Thống kê chung trước đó của Công ty chứng khoán SSI ở 16 ngân hàng, ước tính số vốn đăng ký tăng thêm trong năm nay là 82.700 tỉ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là chiếm 75% từ hoạt động chia cổ phiếu, 22% từ phát hành riêng lẻ hoặc phát hành quyền mua cổ phiếu và 3% là từ ESOP. Con số này là chưa bao gồm phần tăng thêm ở một số ngân hàng, điển hình như riêng VPBank vừa quyết định mạnh tay tăng vốn sau khi nhận tiền từ thương vụ bán 49% cổ phần FE Credit.

Thêm lớp đệm dự phòng

Nhờ thị trường chứng khoán thuận lợi từ năm ngoái đến nay, các ngân hàng cũng đã “tranh thủ” tăng vốn đáng kể nhờ vào phương án phát hành thêm cổ phiếu hay chia cổ tức bằng cổ phiếu. Mặt bằng giá cổ phiếu ngân hàng bắt đầu giảm từ đầu tháng 7, ghi nhận bình quân giảm khoảng 15%, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với hồi đầu năm.

Trên thực tế, tăng vốn là yêu cầu bắt buộc đối với một số ngân hàng vì hệ số an toàn vốn vẫn còn nằm trong vùng báo động, đặc biệt là ở trường hợp của những ngân hàng thương mại quốc doanh. Theo số liệu của Công ty chứng khoán BSC, hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của Vietinbank đến cuối quí 2-2021 là 8,5%, còn Vietcombank là 9,9%.

Trong báo cáo vĩ mô tháng 8 vừa qua, World Bank nhận định áp lực lớn của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay là vẫn còn một số ngân hàng chưa đảm bảo an toàn vốn. Tỷ lệ an toàn vốn tổng thể của các ngân hàng đã giảm từ 11,95% cuối năm 2019 xuống còn 11,13% vào tháng 12-2020, và mức 11,1% cuối tháng 6-2021.

“Những số liệu chung trên có thể che lấp đi nguy cơ dễ bị tổn thương của một số ngân hàng thương mại, trong đó có những ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn thấp, được thể hiện qua việc thiếu khả năng đáp ứng các yêu cầu của chuẩn Basel II”, báo cáo World Bank nhận định.

Do đó, việc tăng vốn của các ngân hàng hiện nay được khuyến khích, vì không chỉ giúp tăng lớp đệm dự phòng cho mỗi ngân hàng mà còn tăng “sức đề kháng” cho cả hệ thống, đặc biệt là trong bối cảnh áp lực nợ xấu vì dịch bệnh Covid-19 đang ngày càng thể hiện rõ hơn. Theo đánh giá của Công ty chứng khoán VNDirect, hầu hết các ngân hàng đã tích cực trích lập dự phòng trong  sáu tháng đầu năm nay để chuẩn bị cho khả năng nợ xấu mới tăng cao.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới