Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng chạy đua lãi suất: Đâu là điểm dừng?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngân hàng chạy đua lãi suất: Đâu là điểm dừng?

Đỗ Thiên Anh Tuấn

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) – LTS: Nếu như trong nửa đầu năm 2008, hầu hết các ngân hàng thương mại đều phải tăng lãi suất lên cao để có đủ tiền mua tín phiếu bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì bây giờ các ngân hàng lại đua tranh cho những mục đích khác nhau mà nhiều khi là trái ngược nhau.

TBKTSG giới thiệu bài viết sau như một cách lý giải để bạn đọc tham khảo.

Xuất phát điểm không cân bằng

Ngay chính Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) – một trong những ngân hàng cổ phần hàng đầu có uy tín lớn – cũng phải huy động vốn với lãi suất lên đến 14%/năm thì không thể trách cứ những ngân hàng nhỏ là “kẻ phá bĩnh” vì đã đưa ra mức lãi suất huy động lên đến hơn 16%/năm được.

Điều này đã dẫn các ngân hàng vào một cuộc đua lãi suất mới không cân sức giữa một bên là nhóm các ngân hàng lớn và một bên là nhóm các ngân hàng nhỏ. Hiện tượng này, như đã từng xảy ra trong nửa đầu năm 2008, đã tạo thêm nhiều bất ổn mới trên thị trường tiền tệ, gây khó khăn cho hoạt động điều hành chính sách vĩ mô và đe dọa tính ổn định, an toàn của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ.

Điểm chung của hai cuộc đua lãi suất chính là bối cảnh của nó, đó là lạm phát tăng cao và áp lực thắt chặt tiền tệ của NHNN. Tuy nhiên, giữa hai cuộc đua này có điểm khác nhau cơ bản, đó chính là mục đích của cuộc đua. Nếu như trong nửa đầu năm 2008, hầu hết các ngân hàng thương mại đều phải tăng lãi suất lên cao để có đủ tiền mua tín phiếu bắt buộc của NHNN thì bây giờ các ngân hàng lại đua tranh cho những mục đích khác nhau mà nhiều khi là trái ngược nhau.

Có những ngân hàng đang vật lộn với cuộc chiến lãi suất để “mưu sinh” nhưng cũng có những ngân hàng đua tranh với mục tiêu lợi nhuận đầy tham vọng của mình. Chỉ tính riêng mục tiêu lợi nhuận của hơn một nửa trong số các ngân hàng cổ phần năm 2010 đã lên đến hơn 25.000 tỉ đồng, lớn hơn cả tổng giá trị tín phiếu NHNN bắt buộc lúc đó là 20.300 tỉ đồng. Chính vì áp lực phải đạt được mục tiêu lợi nhuận của năm là quá lớn nên cuộc chiến lãi suất để giành lấy khách hàng và thị phần giữa các ngân hàng từ nay cho đến cuối năm sẽ trở nên khốc liệt hơn.

Những ngân hàng nhỏ hầu như luôn là kẻ chịu thiệt thòi trong cuộc chiến không cân sức như vậy. Với quy mô vốn, tài sản và mạng lưới nhỏ hẹp; tiềm lực tài chính, công nghệ và nhân lực yếu kém; cộng với lịch sử hoạt động ngắn và thương hiệu chưa có nên để cạnh tranh được với các ngân hàng lớn trong việc thu hút tiền gửi, các ngân hàng này phải chấp nhận mức lãi suất huy động vốn cao hơn. Mục tiêu ưu tiên của họ trong cuộc chiến lãi suất này chỉ đơn giản là để tồn tại, còn lợi nhuận cũng chỉ là thứ yếu.

Trong khi đó, các ngân hàng lớn vốn đã có quá nhiều lợi thế cạnh tranh so với các ngân hàng nhỏ nên mục tiêu của họ ít nhất là để giữ vững được thị phần và níu kéo khách hàng mà cuối cùng cũng nhằm đạt hoặc vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra từ đầu năm. Nhìn bức tranh cạnh tranh giữa các ngân hàng ai cũng thấy mâu thuẫn và có vẻ phi lý nhưng nó là quy luật cạnh tranh mà các ngân hàng đều hiểu và chấp nhận.

Cú nước rút và vai trò của Chính phủ

Rõ ràng, lợi nhuận là chỉ tiêu tài chính tổng hợp đánh giá hiệu quả hoạt động của một doanh nghiệp nói chung và ngân hàng nói riêng. Chính vì vậy cũng khó để chê trách động cơ lợi nhuận của các ngân hàng hiện nay cũng như việc đưa ra những biện pháp nhằm kìm hãm ước muốn lợi nhuận của các ngân hàng là thiếu căn cứ. Các ngân hàng nhỏ cần phải hiểu rằng cuộc chiến lãi suất hiện nay cũng chỉ là một trận đánh nhỏ trong vô vàn những trận đánh khác mà họ còn phải đối mặt trong xu thế cạnh tranh và hội nhập, ở đó sự đào thải do yếu kém là tất yếu mà bản thân họ cũng không thể là ngoại lệ.

Tất nhiên ở đây có một giả định ngầm hiểu là đang tồn tại một thị trường cạnh tranh lành mạnh, một hệ thống thiết chế đầy đủ, và một môi trường cạnh tranh minh bạch, bình đẳng giữa các ngân hàng đã được tạo lập.

Chính vì vậy, vai trò của Chính phủ cũng như NHNN là tiến đến đảm bảo được các nền tảng thể chế cần thiết, cân nhắc những lợi ích và phí tổn của các cuộc cạnh tranh không cân sức và thiếu lành mạnh có thể đe dọa sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, để can thiệp và điều tiết. Điều lưu ý là cần phải có sự thống nhất về quan điểm, sự rõ ràng về thông điệp và sự dứt khoát trong hành động. Nếu những điều này không đạt được có thể dẫn đến sự hiểu nhầm tai hại với những hành xử mang tính lệch lạc gây tốn kém và khó khăn hơn cho quá trình điều chỉnh chính sách.

Đâu là điểm dừng?

Đứng ở góc độ khác có thể nhận thấy mục tiêu lợi nhuận của nhiều ngân hàng đặt ra là quá lớn và đầy tham vọng, đặc biệt là những ngân hàng đứng đầu. Hãy nhìn mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2010 của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã lên đến 4.500 tỉ đồng, hơn mức lợi nhuận mục tiêu của khoảng 10 ngân hàng cổ phần nhỏ và trung bình cộng lại.

Tương tự, Ngân hàng ACB cũng có mục tiêu lợi nhuận 2010 không kém với mức 3.600 tỉ đồng. Điều cũng cần lưu ý là chỉ tiêu lợi nhuận của ACB năm 2010 tăng hơn 26% so với thực hiện năm 2009, trong khi mục tiêu năm 2009 chỉ tăng hơn 5,4% so với thực hiện năm 2008. Nếu lấy tốc độ tăng lợi nhuận thực hiện năm 2009 so với thực hiện năm 2008 khoảng 10,8% rồi điều chỉnh mức tăng trưởng mục tiêu năm 2010 so với năm 2009 khoảng 12% thì mức lợi nhuận chỉ tiêu của ACB khoảng 3.200 tỉ đồng so với 3.600 tỉ đồng đã đề ra. Như thế mục tiêu này sẽ khả thi hơn trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn chưa phục hồi bền vững.

Phân tích như vậy để thấy rằng trong bối cảnh khó khăn chung mà nền kinh tế và các doanh nghiệp đang phải gánh chịu cũng như những bất ổn trên thị trường tài chính – tiền tệ thời gian qua thì việc các ngân hàng đạt được lợi nhuận như những năm trước đây đã là một thành tích. Thế nhưng quan điểm này có thể được các ngân hàng cho là của những “ông già cổ lỗ sĩ” trong khi họ luôn đặt ra mục tiêu lợi nhuận thật lớn mà nhiệm vụ là phải vượt mục tiêu đó chứ không chỉ đạt được.

Mục tiêu tham vọng này phần nào còn là dư âm hay quán tính của “thời vàng son” năm 2007. Lợi nhuận của những ngân hàng lớn không những sẽ chèn lấn lợi nhuận của những ngân hàng nhỏ mà hơn nữa với tư cách là một định chế tài chính trung gian, nó còn chèn ép lợi nhuận của các loại hình doanh nghiệp khác trong nền kinh tế.

Thiết nghĩ, chừng nào các ngân hàng lớn không chịu khoan nhượng các ngân hàng nhỏ vì họ chưa đạt được mục tiêu lợi nhuận thì chừng đó cuộc chiến lãi suất vẫn còn nổ ra. Khác với cuộc đua lãi suất trước đây có thể tạm lắng một khi các ngân hàng huy động đủ vốn để mua tín phiếu bắt buộc, cuộc chiến hiện nay chỉ tạm lắng khi mục tiêu lợi nhuận trong năm của các ngân hàng hàng đầu đã đạt được và một sự khoan nhượng theo kiểu ban ân huệ kỳ vọng lúc đó mới xảy ra.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới