(KTSG Online) – Cơ quan quản lý đang có nhiều yêu cầu nâng cao an toàn, bảo mật trong lĩnh vực thanh toán, trong đó một giải pháp sắp có hiệu lực là quy định mới về xác thực dữ liệu sinh trắc học.
- Từ 1-7, chuyển tiền trên 10 triệu phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay
- Chống lừa đảo bằng xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền: Cần nhưng chưa đủ
Tại buổi họp báo công bố chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt năm 2024, do Báo Tuổi trẻ phối hợp Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) diễn ra chiều ngày 28-5, câu chuyện bảo mật được nhắc đến nhiều, đi cùng quy định mới đòi hỏi người dùng phải đăng ký thông tin sinh trắc học với ngân hàng.
Trong đó một quy định được nhắc đến nhiều là Quyết định 2345 của NHNN có hiệu lực từ ngày 1-7 tới, quy định các giao dịch chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu một lần, hoặc lũy kế tổng số tiền trong ngày 20 triệu đồng, buộc phải xác thực khuôn mặt với mẫu đã khớp với dữ liệu.
Theo ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết theo quy định, khách hàng phải đăng ký với ngân hàng các hình thức sinh trắc học, có thể ra trực tiếp phòng giao dịch, hoặc có thể dưới các hình thức điện tử như eKYC.
Tại buổi họp báo, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB, cho biết từ đầu tháng 6 sẽ ngân hàng bắt đầu thông báo cho khách hàng đăng ký. Hiện nay, nhiều tổ chức tín dụng khác cũng đang “ráo riết” chạy đua để kịp mốc thời gian này, trong khi nhiều người chưa hiểu hết câu chuyện liên quan đến quy định mới. Còn với các tổ chức tín dụng, thách thức sẽ là thời hạn khi quy mô khách hàng là không nhỏ, cũng như những chi phí xác thực sau này.
Chia sẻ bên lề họp báo, ông Phát cho rằng yêu cầu “nâng cao” của NHNN nhằm tăng cường tối đa tính bảo mật. Việc đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin là tất yếu, nhưng nói riêng về các giao dịch yêu cầu xác thực thì cũng sẽ tăng lên. Tuy nhiên, ông Phát cũng nói thêm rằng phần chi phí này ngân hàng sẽ trả, đồng thời cũng sẽ không làm giảm trải nghiệm của khách hàng.
Về việc chọn mốc 10 triệu đồng để làm tiêu chuẩn, đại diện Vụ thanh toán NHNN cho biết đã nghiên cứu kỹ, cân bằng giữa yêu cầu xác thực giao dịch mạnh, đảm bảo an toàn nhưng cũng phải đảm bảo trải nghiệm giao dịch xuyên suốt của khách hàng. Thống kê cho thấy có 70% giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng là dưới 10 triệu đồng. Ngoài ra, một giới hạn thứ hai để phòng chống lừa đảo, bảo vệ người tiêu dùng là mốc 20 triệu đồng tổng số chuyển tiền trong một ngày cũng yêu cầu phải xác thực sinh trắc học.
Ông Dũng cho biết hiện nay, NHNN trình phê duyệt Nghị định 52/2024 quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, thay thế cho Nghị định 101/2012 của Chính phủ, tạo hành lang pháp lý chắc chắn và cơ bản cho hoạt động này. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tập trung triển khai xây dựng ban hành các Thông tư đồng bộ, với mục tiêu thúc đẩy thanh toán không tiền mặt gắn với đảm bảo an ninh, an toàn và bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ.
Ông Dũng đánh giá rằng điều này là rất quan trọng vì trong năm qua, thị trường chứng kiến sự phát triển vượt bậc, đem lại nhiều lợi ích cho người dùng nhưng phát triển nhanh cũng gặp vấn đề về những câu chuyện “bỗng dưng mất tiền”, tình trạng lừa đảo qua mạng gia tăng.
Vấn đề bảo mật thanh toán được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Đại diện ACB nói thêm rằng dù đã truyền thông nhiều trong thời gian qua, nhưng các sự việc lừa đảo vẫn diễn ra rất nhiều, thậm chí có trường hợp nhân viên ngân hàng bị thao túng tâm lý, cũng xảy ra tình huống bị lừa.
Còn theo ông Dũng, nhóm lừa đảo đã đánh vào mắc xích yếu nhất trong chuỗi thanh toán là người dùng và bằng các yếu tố phi kỹ thuật, chứ khó có chuyện hacker đi vào hệ thống như chỗ không người. Như vậy, các ngân hàng thương mại, trung gian tài chính cũng phải tăng cường trách nhiệm, cảnh báo khách hàng.
“Quyết định 2345 một trong số ít phương án triển khai xác thực mạnh giúp bảo vệ khách hàng, củng cố lòng tin vào phương thức thức điện tử, kỳ vọng giải quyết căn cơ vấn đề lừa đảo thông qua tài khoản không chính chủ, giúp ngăn chặn sự luân chuyển dòng tiền bẩn”, ông Dũng đánh giá.
“Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, bảo mật”
Đây là chủ đề của “Chương trình Ngày không tiền mặt - 16/6” năm 2024 do Báo Tuổi trẻ phát động, được tổ chức lần thứ 6. Ban tổ chức cho biết bên cạnh các hoạt động như lễ hội ngày không tiền mặt, sự kiện năm nay có nhiều điểm mới với chương trình giao lưu, tư vấn kỹ năng tài chính an toàn (tư vấn cho học sinh - sinh viên các kỹ năng về quản lý chi tiêu, kiểm soát tiền, đầu tư tài chính, các mini game thử thách quản lý tài chính); ngoài ra còn có minigame hiến kế giao dịch an toàn; hoạt động chạy bộ…).
Hội thảo năm nay với chủ đề “Thúc đẩy Thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, bảo mật” (dự kiến vào ngày 14-6) với quy mô khoảng hơn 300 khách mời, thảo luận về việc nâng cao hơn nữa khả năng bảo mật, an toàn của hệ thống, đảm bảo an toàn trong thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng và các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số nói chung; Nâng cao nhận thức, bảo vệ tốt hơn cho người dân khi tham gia môi trường thanh toán, cũng như các giao dịch ngân hàng trên nền tảng số.
Thanh toán không tiền mặt tiếp tục tăng trưởng mạnh
Theo Vụ Thanh toán (NHNN), các chỉ số thanh toán không tiền mặt có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong bốn tháng đầu năm, giao dịch TTKDTM tăng 57,11% về số lượng và 39,49% về giá trị; qua kênh Internet tăng 47,48% về số lượng và 30,20% về giá trị; qua kênh điện thoại di động đạt tăng 59,26% về số lượng và 35,91% về giá trị.
Giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 14,15% về số lượng và giảm 7,84% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy xu hướng dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán không tiền mặt.
Số lượng giao dịch thanh toán qua kênh Internet và Mobile bình quân giai đoạn 2021-2023 lần lượt tăng trưởng ở mức 52% và 103,3%; tăng trưởng về số lượng và giá trị thanh toán qua phương thức QR Code đạt hơn 170%;
Đến hết 2023, Việt Nam có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân và có 87,08% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán. Về mở tài khoản qua phương thức eKYC, 40 ngân hàng báo cáo đã triển khai chính thức với gần 35 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động…