Ngân hàng 'chuộng' trái phiếu ngân hàng
Dũng Nguyễn
(KTSG Online) – Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp, nhiều ngân hàng tăng tốc huy động trái phiếu với chi phí thấp hơn đáng kể so với trước đây. Nhưng đa phần dòng vốn chảy vào ngân hàng này lại có nguồn gốc từ các ngân hàng khác.
Hình minh họa: TTXVN. |
Báo cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Công ty chứng khoán SSI mới đây cho biết trong nửa đầu năm đã có 15 ngân hàng thương mại phát hành 68.200 tỉ đồng trái phiếu, với kỳ hạn bình quân 3,37 năm và lãi suất bình quân 4,3%/năm.
Một số ngân hàng phát hành quy mô lớn có thể kể đến như ACB (quy mô phát hành 9.200 tỉ đồng), TPBank (9.100 tỉ đồng), HDBank (6.100 tỉ đồng), VPBank (5.150 tỉ đồng), OCB (5.000 tỉ đồng).
Đáng chú ý, người mua trái phiếu ngân hàng chủ yếu chính là các ngân hàng và công ty chứng khoán. Trong đó, các ngân hàng thương mại chủ yếu bán chéo trái phiếu cho nhau, SSI nhận định.
Cụ thể, các công ty chứng khoán đã chi 38.300 tỉ đồng để mua trái phiếu (chiếm 56%), ngân hàng chi 17.800 tỉ đồng (tương ứng 28%), các tổ chức trong nước chiếm 15% và các cá nhân chiếm gần 3%.
SSI cho biết, theo quy định trước đây thì các tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu phát hành trên thị trường sơ cấp của tổ chức tín dụng khác, nên các công ty chứng khoán thường đứng ra làm trung gian. Tuy nhiên, quy định này đã được gỡ bỏ tại Thông tư 01/2021 của Ngân hàng Nhà nước ban hành, do đó các ngân hàng thương mại có thể trực tiếp mua chéo trái phiếu của nhau trên thị trường sơ cấp, từ ngày thông tư có hiệu lực là 17-5.
Xét ở thị trường chung, có tới 55,6% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là do các ngân hàng và công ty chứng khoán nắm giữ, trong đó ngân hàng chiếm khoảng 21,3%.
Theo SSI, giá trị mua trái phiếu của nhóm công ty chứng khoán lên đến 71.700 tỉ đồng, trong khi tổng vốn chủ sở hữu cuối năm 2020 chỉ khoảng 93.000 tỉ đồng. “Nhiều khả năng công ty chứng khoán chỉ đứng tên mua trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp, nắm giữ ngắn hạn và nhanh chóng phân phối lại cho các nhà đầu tư khác”, SSI đánh giá.
Một điểm đáng chú ý khác là lãi suất phát hành trái phiếu ngân hàng lại rất thấp. Chẳng hạn, lãi suất phát hành bình quân của ACB là 3,7%/năm với kỳ hạn 3 năm, trong khi đó, lãi suất tiết kiệm niêm yết kỳ hạn trên 12 tháng của ngân hàng ở mức trên 6,2%/năm.
Thống kê chung của SSI cho thấy có khoảng 83% tổng trái phiếu ngân hàng phát hành nửa đầu năm 2021 có kỳ hạn 2-3 năm, với lãi suất cố định từ 3,0-4,2%/năm, trả lãi hàng năm. Đây là mức lãi suất thấp hơn hẳn lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 12 tháng trả sau (5,6-6%/năm).
Mức lãi suất này rõ ràng không thể hấp dẫn với các nhà đầu tư cá nhân. “Trái phiếu ngân hàng có lãi suất phát hành khá sát với lãi suất tiền gửi nên nhà đầu tư thông thường cũng ít tìm đến trái phiếu ngân hàng ngoại trừ các trái phiếu tăng vốn cấp 2 có lãi suất cao hơn hẳn lãi suất tiền gửi”, bộ phận phân tích của SSI lý giải.
Thay vào đó, các nhà đầu tư cá nhân sẽ quan tâm đến các trái phiếu tăng vốn cấp 2 có kỳ hạn dài (7-15 năm), hầu hết có lãi suất thả nổi, năm đầu dao động từ 6,2% đến 7,9%/năm. Các trái phiếu này thường kèm theo quyền mua lại trước hạn của tổ chức phát hành sau 2-5 năm (hoặc 10 năm với trái phiếu 15 năm), nếu không thực hiện lãi suất các kỳ cuối sẽ tăng rất cao.
Thống kê cũng cho thấy Ngân hàng BIDV huy động gần 5.700 tỉ đồng với lãi suất bình quân là 6,4% với kỳ hạn bình quân 8,6 năm. Vietinbank huy động 1.635 tỉ đồng với kỳ hạn bình quân là 8,4 năm và lãi suất bình quân 6,5%, còn Agribank huy động 1.789 tỉ đồng với kỳ hạn 7 năm, lãi suất bình quân 6,9%.
Có thể thấy điểm chung của những ngân hàng trên đều là “khát” vốn trung và dài hạn. Thực tế theo quy định mới về an toàn hoạt động của các nhà băng, những tổ chức tín dụng mua trái phiếu kỳ hạn 5 năm trở lên thì sẽ bị loại trừ phần vốn mua này ra khỏi nguồn vốn dùng để tính tỷ lệ an toàn. Do đó có thể thấy phần đông các nhà băng chọn trái phiếu kỳ hạn ngắn 2-3 năm.
Tháng 8 năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đã lùi một năm lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Theo đó, từ đầu tháng 10 tới, tỷ lệ này sẽ phải giảm từ 40% về còn 37% và tiếp tục giảm dần theo lộ trình mới.
Việc phát hành trái phiếu lãi suất thấp giúp các ngân hàng giảm chi phí vốn đáng kể (thực tế đóng góp lớn cho lợi nhuận ngân hàng trong thời gian gần đây), nhưng đồng thời các chuyên gia cũng cảnh báo việc “bật tường” vốn lẫn nhau, có thể làm tăng vốn của cả hai bên theo sổ sách nhưng cũng sẽ dẫn đến hệ lụy nhất định.