(KTSG Online) – Lo ngại khủng hoảng ngân hàng lan rộng toàn cầu chưa dừng lại sau khi cổ phiếu Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ, bị bán tháo. Ngân hàng này vừa quyết định vay khẩn cấp 54 tỉ đô la Mỹ để củng cố thanh khoản và vực dậy niềm tin của giới đầu tư.
- Credit Suisse – vì đâu nên nỗi?
- Ngân hàng Credit Suisse mất 5 tỉ đô la vì quỹ Archegos Capital sụp đổ
Ngân hàng 167 tuổi đời gặp bất ổn
Sáng 16-3, Credit Suisse, ngân hàng có 167 tuổi đời và lớn thứ 17 ở châu Âu, thông báo sẽ vay đến 55 tỉ franc Thụy Sĩ (54 tỉ đô la) từ Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ để củng cố thanh khoản. Khoản vay này đến từ một chương trình hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn đòi hỏi thế chấp tài sản chất lượng cao.
Credit Suisse giải thích: “Khoản vay sẽ cung cấp thêm thanh khoản hỗ trợ khách hàng và các mảng kinh doanh cốt lõi của Credit Suisse”. Ngoài khoản vay này, Credit Suisse cũng cho biết mua lại hơn 3 tỉ đô la nợ trái phiếu để quản lý chi phí trả lãi.
Credit Suisse là ngân hàng lớn đầu tiên trên toàn cầu sử dụng phao cứu sinh tài chính từ cơ quan quản lý sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Động thái trên diễn ra sau khi cổ phiếu của Credit Suisse bị bán tháo. Chốt phiên giao dịch hôm trước đó, giá cổ phiếu của Credit Suisse giảm 24%. Trong phiên, giá cổ phiếu có lúc giảm sâu hơn 30%, xuống mức thấp kỷ lục, 1,56 franc Thụy Sĩ. Cơn hoảng loạn lan sang cổ phiếu ngân hàng châu Âu khác, với các ngân hàng Pháp và Đức như BNP Paribas, Societe Generale, Commerzbank và Deutsche Bank giảm giá từ 8%-12%. Cổ phiếu của các ngân hàng Ý và Anh cũng sụt giảm giá.
Giới đầu tư của Credit Suisse bán tháo cổ phiếu vì hai thông tin tiêu cực. Đầu tiên, hôm 14-3, ngân hàng này ghi nhận “một điểm yếu lớn” trong quy trình báo cáo tài chính của năm 2021 và 2022. Báo cáo thường niên của Credit Suisse cho biết quy trình kiểm soát nội bộ đối với báo cáo tài chính không hiệu quả vì không phát hiện được các rủi ro tiềm ẩn.
Giới đầu tư càng bi quan trước thông tin Ngân hàng quốc gia Saudi Arabia (SNB), cổ đông lớn nhất của Credit Suisse, không mua thêm cổ phần ở ngân hàng này.
Phát biểu bên lề một hội nghị ở Saudi Arabia hôm 15-3, Ammar Al Khudairy, Chủ tịch của SNB, ngân hàng thương mại lớn nhất Saudi Arabia, khẳng định SNB sẽ không nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần ở Credit Suisse với lý do đơn giản sắp chạm trần sở hữu 10% theo quy định. Tỷ lệ nắm giữ cổ phần của SNB ở ngân hàng này đang ở mức 9,9%.
Mở đầu phiên giao dịch sáng nay, cổ phiếu của Credit Suisse tăng vọt 30% nhờ thông tin vay 54 tỉ đô la.
Credit Suisse, được thành lập vào năm 1856, là một trong những tổ chức tài chính lớn nhất thế giới và được xếp vào nhóm “ngân hàng quan trọng về mặt hệ thống toàn cầu”, cùng với 30 ngân hàng khác, bao gồm JP Morgan Chase, Bank of America và Bank of China.
Từng là một tên tuổi lớn ở Phố Wall, Credit Suisse vướng phải một loạt sai lầm và vụ bê bối gồm rửa tiền, trốn thuế, vi phạm lệnh trừng phạt, gián điệp kinh tế trong thập niên vừa qua. Những vụ việc này khiến danh tiếng của Credit Suisse bị tổn hại nghiêm trọng. Khách hàng đã rút 123 tỉ franc Thụy Sĩ (133 tỉ đô la) từ Credit Suisse trong năm ngoái , chủ yếu là trong quí 4. Ngân hàng này báo cáo mức lỗ ròng gần 7,9 tỉ đô la trong 2022, mức lỗ lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 .
Hồi tháng 10, Credit Suisse đã bắt tay triển khai kế hoạch tái cơ cấu triệt để bao gồm cắt giảm 9.000 việc làm toàn thời gian, tách mảng ngân hàng đầu tư thành một công ty độc lập và tập trung vào mảng kinh doanh quản lý tài sản.
Liệu khủng hoảng ngân hàng đang lan rộng toàn cầu?
Sóng gió nổi lên trong ngành ngân hàng vào tuần trước sau cú sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB), ngân hàng lớn thứ 16 của đất nước, cùng với hai ngân hàng phục vụ doanh nghiệp tiền ảo Signature Bank và Silvergate Bank.
Kể từ đó, mối lo ngại lan rộng ra các thị trường tài chính toàn cầu với các chỉ số theo dõi cổ phiếu ngân hàng chủ chốt đều giảm điểm mạnh.
"Các vấn đề ở Credit Suisse một lần nữa đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là khởi đầu của một cuộc khủng hoảng toàn cầu hay chỉ là một trường hợp mang tính đặc trưng khác”, Andrew Kenningham, nhà kinh tế của Capital Economics, viết trong báo cáo gửi khách hàng.
Robert Halver, người đứng đầu bộ phận thị trường vốn tại ngân hàng Baader của Đức, nói: "Cuộc khủng hoảng ngân hàng này đến từ Mỹ. Và bây giờ mọi người đang theo dõi liệu nó sẽ gây ra những vấn đề gì ở châu Âu".
Ngân hàng hàng trung ương Thụy Sĩ và Cơ quan giám sát thị trường tai chính Thụy Sĩ đã tìm cách trấn an giới đầu tư. Tuyên bố chung của hai cơ quan này nhấn mạnh các quy tắc nghiêm ngặt áp dụng cho các tổ chức tài chính Thụy Sĩ sẽ đảm bảo sự ổn định của họ. Theo tuyên bố, Credit Suisse đáp ứng các yêu cầu đối với những ngân hàng được coi là quan trọng về mặt hệ thống.
“Không có dấu hiệu nào cho thấy rủi ro lây lan trực tiếp đối với các tổ chức tài chính Thụy Sĩ do tình trạng hỗn loạn hiện nay trên thị trường ngân hàng Mỹ”, tuyên bố cho hay.
Các vấn đề của Credit Suisse và SVB làm dấy lên lo ngại về việc liệu các ngân hàng trung ương có thể duy trì cuộc chiến chống lạm phát bằng các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ hay không. Lãi suất tăng cao có thể khiến nhiều doanh nghiệp mất khả năng trả nợ cho các ngân hàng, làm tăng nguy cơ thua lỗ của họ giữa lúc họ đang lo kinh tế suy thoái.
Giới đầu tư đang đặt cược Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tuần tới, thậm chí đảo ngược chính sách thắt chặt tiền tệ vào cuối năm nay.
Hôm nay, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tiến hành cuộc họp định kỳ để ra quyết định về lãi suất. Trước đó, ECB cảnh báo có thể tăng lãi suất thêm 50 cơ bản để chống lạm phát dai dẳng. Tuy nhiên, với những lo ngại về sức khỏe của ngành ngân hàng châu Âu, giới đầu tư đặt cược chỉ có 20% xác suất ECB tăng lãi suất 50 điểm cơ bản.
Theo BBC, Reuters, CNN