Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng cũng mong ổn định lãi suất

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngân hàng cũng mong ổn định lãi suất

Thủy Triều

Nhân viên Ngân hàng Việt Á đang sửa lại biểu lãi suất, cao nhất chỉ còn 14%/năm vào chiều ngày 15-12. Ảnh: T.Triều

(TBKTSG Online) – Sau cuộc họp với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Ngân hàng ngày 14-12, các ngân hàng trong ngày 15-12 đã đồng loạt giảm lãi suất huy động theo đúng cam kết với hiệp hội, và mức cao nhất của hầu hết các ngân hàng là 14%/năm.

Bắt đầu từ 13 giờ chiều ngày 15-12, hàng loạt các ngân hàng từ lớn đến nhỏ như ACB, Sacombank, Việt Á, Phương Tây… đều đưa ra bảng lãi suất mới, trong đó lãi suất cao nhất tính luôn khuyến mãi chỉ là 14%/năm.

Tuy nhiên, chỉ mới đầu tháng 11, ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, lại tuyên bố các ngân hàng có thể tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát đang tăng cao. Và sau đó, trong cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ vào cuối tháng 11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng trong bối cảnh lạm phát, cần phải chấp nhận lãi suất cao.

Và đến ngày 14-12 thì các ngân hàng trong cuộc họp với Hiệp hội Ngân hàng có sự tham dự của Ngân hàng Nhà nước đã chấp nhận đưa lãi suất về mức 14%/năm. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có những biện pháp can thiệp khi lãi suất đột ngột tăng lên 17-18%. Như vậy, việc giảm lãi suất lần này có phải một sự nhượng bộ để quay trở lại mục tiêu tăng trưởng kinh tế?

Hầu hết các ngân hàng đều cho biết họ chỉ mong muốn lãi suất ổn định, không xáo trộn để có thể làm ăn kinh doanh tốt vì lãi suất cao doanh nghiệp bị tác động thì cũng ảnh hưởng lớn đến các ngân hàng..

Bà Cao Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quân Đội, cho biết: “Quan điểm của tôi là sự đồng thuận về lãi suất làm sao cho nó không quá phi lý với cung – cầu của thị trường. Như bây giờ bảo đồng thuận 10% hay 12% thì phi lý”. Bà Nga cũng cho biết những ngày qua sự xáo trộn trên thị trường khiến các ngân hàng rất lo lắng. “Lãi suất đầu vào lên quá cao trong thời điểm mà các ngân hàng đang không phải là quá khó khăn về thanh khoản”, bà nói.

Bà Nga cho rằng khi khó khăn cho doanh nghiệp thì bản thân ngân hàng cũng lo lắng rất nhiều vì doanh nghiệp sẽ lấy đâu ra tiền để trả nợ và làm thế nào để đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Điều đó ngược lại nó sẽ tác động đến ngân hàng, bà nói.

Việc Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ liên tục đưa ra những thông điệp về lãi suất trái ngược nhau, ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nhận định sự thật là mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ vẫn được thực hiện xuyên suốt, tuy nhiên cách chuyển tải thông điệp của các cơ quan chức năng chưa chuẩn xác khiến khi được công bố rộng rãi, nó trở nên chõi nhau. Theo ông Thành, vì lý do này, khi thông tin được công bố, nhiều người thấy rất khó hiểu, kể cả nhà đầu tư nước ngoài.

“Việc giảm lãi suất lần này không phải Ngân hàng Nhà nước muốn quay trở lại hỗ trợ tăng trưởng mà bỏ qua mục tiêu kiềm chế lạm phát, mà chỉ là một trong những biện pháp kỹ thuật để giúp giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt”, ông Thành nói.

Ông đưa ra ví dụ nếu tiền cung ứng trong năm ngoái là 1 đồng, năm nay là 1,2 đồng tức tăng 20%, thấp hơn mục tiêu ban đầu là cung ứng 1,25 đồng thì cái đó là thắt chặt. Còn biện pháp trong khi thực hiện để cung ứng 1,2 đồng thì là các biện pháp kỹ thuật, miễn sao tổng cung tiền không cao hơn 1,2 đồng. Và biện pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ cũng là một biện pháp kỹ thuật.

Ông Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa kinh doanh, Đại học Ngân hàng TPHCM, cũng từng cho rằng Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có quyền sử dụng linh hoạt công cụ chính sách tiền tệ để có thể thực hiện cùng lúc nhiều mục tiêu là kiềm chế lạm phát nhưng không đẩy doanh nghiệp đến mức phá sản.

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, cũng cho rằng mức lãi suất cho vay lên đến 20% đối với các doanh nghiệp là quá cao và nếu lãi suất cao duy trì trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng đầu cơ, rối loạn trên thị trường. Vì vậy, để kiềm chế lạm phát, không phải chỉ dựa vào chính sách tiền tệ mà còn phải kết hợp có hiệu quả với chính sách tài khóa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới