Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản ‘hút’ hơn 130.000 tỉ đồng qua kênh trái phiếu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản ‘hút’ hơn 130.000 tỉ đồng qua kênh trái phiếu

Vân Phong

(KTSG Online) - Nhóm ngân hàng và bất động sản hút 130.101 tỉ đồng trái phiếu trong 6 tháng đầu năm 2021, tương ứng 69,69% tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản ‘hút’ hơn 130.000 tỉ đồng qua kênh trái phiếu
Ngân hàng trở thành lĩnh vực dẫn đầu về huy động trái phiếu 6 tháng đầu năm 2021. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Bộ Tài chính cho biết, khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ là 168.702 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khối lượng phát hành ra công chúng là 15.375 tỉ đồng, bằng 50,3% khối lượng phát hành của năm 2020 và chiếm 8,3% tổng khối lượng TPDN phát hành 6 tháng đầu năm 2021

Về đối tượng phát hành trái phiếu, tổ chức tín dụng (TCTD) là nhà phát hành lớn nhất khi chiếm 40,2% tổng khối lượng phát hành trong 6 tháng đầu năm, trong khi doanh nghiệp bất động sản chỉ chiếm 13,2% tổng khối lượng phát hành - giảm 55,5% so với cùng giai đoạn năm 2020.

Trước đó, báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết tổng giá trị phát hành trái phiếu của nhóm các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bất động sản lần lượt ở mức 68.113 tỉ đồng và 61.988 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm, theo dữ liệu công bố của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Uỷ ban chứng khoán Nhà nước (SSC). Đáng chú ý, có 2 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế của Tập đoàn Vingroup với giá trị 500 triệu đô la Mỹ và trái phiếu xanh (*) của Công ty cổ phần bất động sản BIM với giá trị 200 triệu đô la.

Lãi suất phát hành bình quân 6 tháng đầu năm 2021 là 7,9% một năm - giảm 1,6% so với cùng giai đoạn năm 2002, theo Bộ Tài chính.

Về cơ cấu nhà đầu tư, Bộ Tài chính cho biết công ty chứng khoán là nhà đầu tư chính trên thị trường sơ cấp khi chiếm 44,4% tổng khối lượng phát hành, còn TCTD chỉ chiếm 25% tổng khối lượng phát hành. Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua TPDN riêng lẻ trên thị trường sơ cấp chiếm 5,7% khối lượng phát hành trong 6 tháng đầu năm 2021, giảm gần 7% so với mức được ghi nhận trong cả năm 2020.

Theo Bộ Tài chính, thị trường TPDN vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn cho bản thân doanh nghiệp, nhà đầu tư và thị trường nói chung.

Với đơn vị phát hành, doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn và lãi suất cao, nhưng sử dụng vốn không hiệu quả hoặc tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, hoặc lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động gặp khó khăn, dẫn đến việc doanh nghiệp không hoàn trả được gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư sẽ gây bất ổn cho thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường tài chính nói chung.

Với nhà đầu tư, việc mua TPDN riêng lẻ nhưng không đánh giá, phân tích được rủi ro, không nắm rõ điều kiện, điều khoản của trái phiếu, trái phiếu có hay không có tài sản đảm bảo, chất lượng tài sản đảm bảo, trái phiếu có được mua lại hay không... tiềm ẩn rủi ro không thu hồi được số tiền mua trái phiếu.

Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết có 92 đợt phát hành TPDN trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 53.773 tỉ đồng trong tháng 6-2021, gồm: 91 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành là 52,274 tỉ đồng; 1 đợt phát hành ra công chúng giá trị 1.500 tỉ đồng của Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc.

Kỳ hạn phát hành trái phiếu chủ yếu từ 1-3 năm. Lãi suất phát hành với nhóm ngành bất động sản dao động trọng khoảng 8,5%-12,5% một năm, còn nhóm ngân hàng (không bao gồm trái phiếu tăng vốn cấp 2) dao động trong khoảng 3- 4,2% một năm.
Đáng chú ý, có khoảng 72,4% khối lượng trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm, chủ yếu thuộc các nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán. Với nhóm trái phiếu bất động sản, có 19,4% khối lượng trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm.

 

(*) Trái phiếu xanh (Green Bond) được định nghĩa như một loại chứng khoán có thu nhập cố định nhằm thu hút vốn cho các dự án có lợi ích về môi trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới