Thứ hai, 6/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng gặp khó khi áp dụng blockchain

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, chi phí đầu tư cao, thời gian đồng bộ dữ liệu lâu, thiếu nhân sự phù hợp, là những khó khăn các ngân hàng phải đối mặt khi áp dụng công nghệ blockchain.

Vấn đề trên được đại diện các ngân hàng chia sẻ tại hội thảo "Cơ hội, thách thức ứng dụng blockchain vào vận hành trong ngành tài chính ngân hàng" ngày 26-10.

Blockchain LC tại VPBank mang lại nhiều ưu thế vượt trội. Ảnh minh hoạ: TL

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho biết việc phát triển công nghệ blockchain ở Việt Nam đang gặp nhiều thách thức do không có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, mức độ am hiểu của người dân về công nghệ này rất hạn chế, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo.

Ngoài ra, thị trường blockchain Việt Nam từng xảy ra các sự việc tiêu cực, ảnh hưởng lớn đến lòng tin của người dân. "Những người nổi tiếng sẵn sàng vì tư lợi mà quảng cáo cho những đồng tiền điện tử nhiều rủi ro hay những vụ lừa đảo, dụ dỗ những người thiếu hiểu biết về blockchain tham gia vào sàn tiền ảo đã khiến lòng tin của người dân sụt giảm", ông Hùng thông tin.

Về phía các ngân hàng, đại diện Vietcombank cho biết rào cản với các ngân hàng khi áp dụng công nghệ blockchain gồm chi phí nghiên cứu, đầu tư hạ tầng cao; yêu cầu tích hợp, chuyển đổi đồng bộ với các hệ thống, cơ sở hạ tầng khác đòi hỏi yêu cầu thời gian chỉnh sửa hệ thống.

Cũng theo đại diện Vietcombank, việc triển khai công nghệ blockchain tại các ngân hàng thương mại vẫn mang tính chất thí điểm do Việt Nam chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh cho các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng ứng dụng công nghệ blockchain nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia giao dịch, hạn chế những rủi ro, tranh chấp phát sinh trong quá trình vận hành.

Còn đại diện TPBank cho biết ngân hàng cần cơ thế thử nghiệm (sandbox) để ứng dụng và phát triển công nghệ blockchain, nhưng cơ chế này vẫn còn nhiều vướng mắc. Vì vậy, đại diện ngân hàng kiến nghị cơ quan quản lý tham khảo các ngân hàng trong khu vực, tư vấn quốc tế để xây dựng hành lang pháp lý ổn định trong dài hạn.

Đồng quan điểm, ông Vũ Công Hùng, đại diện Cục Công nghệ thông tin (CNTT) thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết việc ứng dụng công nghệ blockchain vẫn còn khó khăn, thách thức về nhiều mặt như chi phí băng thông, lưu trữ cao; năng lực xử lý chậm; rủi ro an ninh bảo mật, mất khóa bí mật, thiếu tính riêng tư; thiếu quy định pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.

Về tính pháp lý của blockchain, Cục CNTT cho biết Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản định hướng, khuyến khích cho việc ứng dụng công nghệ blockchain. Tuy nhiên, tại nhiều diễn dàn, vấn đề thiếu cơ sở pháp lý vẫn được nêu ra như một trở ngại cho việc ứng dụng công nghệ blockchain. Thậm chí, rất ít ý kiến nêu được cụ thể trở ngại pháp lý đối với ứng dụng công nghệ blockchain là gì và sửa đổi thế nào để tạo điều kiện cho việc ứng dụng.

Cũng theo Cục CNTT, dự thảo gần nhất của Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) vẫn chưa có các tiêu chuẩn kỹ thuật về các hệ thống chữ ký điện tử dùng riêng. Điều này khiến việc đăng ký để công nhận giá trị pháp lý của các hợp đồng, giao dịch điện tử trong một hệ thống blockchain là rất khó khăn.

Để thị trường công nghệ Blockchain phát triển đúng hướng và lành mạnh, Cục CNTT đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng các quy định cụ thể, các tiêu chuẩn kỹ thuật để thuận lợi cho việc công nhận giá trị pháp lý của các giao dịch điện tử, các hợp đồng điện tử trên các hệ thống blockchain. Đồng thời, cần bóc tách riêng để xử lý các vướng mắc khi áp dụng blockchain trong từng lĩnh vực.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng cần nâng cao nhận thức, bổ sung các cơ chế, chính sách, thúc đẩy và nâng cao năng lực của các doanh nghiệp công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng, cũng như chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Blockchain, cho rằng thúc đẩy thị trường nhân lực là một trong những hoạt động đầu tiên cần phải làm để phát triển blockchain.

“Muốn có hành lang pháp lý vừa thúc đẩy vừa quản lý tốt đòi hỏi nguồn nhân lực lớn trong ứng dụng, quản lý”, ông Trung nhấn mạnh và kiến nghị cần phải phổ cập kiến thức nâng cao sự hiểu biết thị trường về blockchain không phải thị trường lập trình mà là ứng dụng đa chiều.

Với các doanh nghiệp, ông Vũ Công Hùng khuyến nghị mở rộng tìm kiếm các ý tưởng và đề xuất cụ thể để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ blockchain trong các lĩnh vực khác của cuộc sống, bên cạnh nỗ lực xây dựng cơ chế thử nghiệm cho lĩnh vực tiền ảo, tài sản ảo, huy động vốn.

Khuyến nghị của ông Hùng được đưa ra trong bối cảnh một số ứng dụng blockchain tại Việt Nam đã được triển khai mà chưa đòi hỏi phải có thay đổi lớn về quy định pháp lý như các ứng dụng truy xuất nguồn gốc nông sản, ứng dụng giao dịch thư tín dụng (LC), bệnh án điện tử, hóa đơn điện tử.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới