Thứ Năm, 1/06/2023, 17:35
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Ngân hàng ‘hứng đòn’ do nợ xấu tăng nhanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngân hàng ‘hứng đòn’ do nợ xấu tăng nhanh

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Các ngân hàng trên thế giới từ châu Âu cho đến Mỹ, Trung Quốc chứng kiến mức lợi nhuận suy giảm mạnh, chủ yếu do phải trích lập dự phòng quá lớn cho các khoản nợ xấu tăng nhanh trong thời dịch Covid-19.

Ngân hàng ‘hứng đòn’ do nợ xấu tăng nhanh
Chi nhánh của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) ở Bắc Kinh. Các ngân hàng thương mại nhà nước Trung Quốc bao gồm ICBC dự kiến sẽ trích lập dự phòng lớn hơn trong quí 2. Ảnh: Reuters

Lợi nhuận ngành ngân hàng Mỹ giảm 70%

Hôm 25-8, Tổng Công ty Bảo hiềm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) cho biết trong quí 2, lợi nhuận của ngành ngân hàng Mỹ giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái khi tình hình kinh tế tiếp tục bất ổn do tác động của dịch Covid-19.

Cụ thể, lợi nhuận ròng tổng cộng của 5.066 ngân hàng thương mại và các tổ chức tiết kiệm đang tham gia bảo hiểm tiền gửi ở FDIC đạt 18,8 tỉ đô la Mỹ trong quí 2, giảm 43,7 tỉ đô la (70%) so với cách đây một năm. Đây là quí thứ hai liên tiếp các ngân hàng Mỹ chứng kiến lợi nhuận lao dốc ở mức 70%.

Lợi nhuận giảm mạnh do các ngân hàng phải trích lập dự phòng lớn cho các khoản thua lỗ có thể xảy ra. Trong quí vừa qua, chi phí trích lập dự phòng của ngành ngân hàng Mỹ tăng thêm 49,1 tỉ đô la so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 61,9 tỉ đô la.

Do trích lập dự phòng quá lớn, lợi nhuận của Ngân hàng JPMorgan Chase giảm 51% trong quí 2 so với cùng kỳ năm ngoái, về mức 4,7 tỉ đô la Mỹ. Trong khi đó, lợi nhuận của Ngân hàng Citigroup giảm 73%, về mức 1,3 tỉ đô la Mỹ

Vào tháng 3, các ngân hàng Mỹ vẫn nắm giữ hàng chục ngàn tỉ đô la dư nợ lành mạnh. Nhưng giờ đây, họ buộc phải chấp nhận hoãn hoặc giãn trả nợ đối với phần lớn số dư nợ này vì nhiều khách hàng đang mất khả năng thanh toán.

FDIC cho biết các khoản vay trễ hạn thanh toán hơn 90 ngày ở ngành ngân hàng Mỹ tăng 16% trong quí 2, chủ yếu do tỷ lệ nợ quá hạn tăng lên ở các khoản vay thế chấp bất động sản và vay kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ.

Bên cạnh đó, lợi nhuận của các ngân hàng Mỹ cũng bị ảnh hưởng do mảng tín dụng doanh nghiệp và tiêu dùng suy giảm.

Chủ tịch FDIC, Jelena McWilliams, nói: “Mức chi tiêu thấp hơn của doanh nghiệp và người tiêu dùng cộng với tình hình kinh tế bất ổn và môi trường lãi suất thấp khiến biên lợi nhuận lãi suất giảm ở các ngân hàng, trong khi đó, các khoản trích lập dự phòng tăng lên”.

Tuy vậy, bà cho biết ngành ngân hàng Mỹ vẫn bảo đảm tính thanh khoản và nguồn vốn mạnh mẽ, giúp bảo vệ họ trước những khoản thua lỗ tiềm tàng trong tương lai. Theo FDIC, lượng tiền gửi ở các ngân hàng Mỹ tăng hơn 1.000 tỉ đô la Mỹ trong quí vừa qua. Đây là quí thứ hai liên tiếp họ ghi nhận lượng tiền gửi cao hơn 1.000 tỉ đô la Mỹ.

Nợ xấu ở Trung Quốc lên mức cao nhất 10 năm

Lợi nhuận ròng của các ngân hàng Mỹ suy giảm ở mức 70% trong hai quí liên tiếp. Ảnh: FDIC

Cuối tháng 8 này, các ngân hàng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ công bố kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, ngay từ đầu tháng 8, Ủy ban Quản lý Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) tiết lộ lợi nhuận ròng của các ngân hàng Trung Quốc tiếp tục suy giảm trong quí 2 do tỷ lệ nợ xấu của họ tăng lên mức cao nhất trong 10 năm.

Theo CBIRC, lợi nhuận ròng của ngành ngân hàng Trung Quốc trong quí vừa qua đạt 426,7 tỉ nhân dân tệ (62 tỉ đô la Mỹ), giảm 24% so với mức lợi nhuận 559 tỉ nhân dân tệ được ghi nhận vào cùng kỳ năm ngoái.

CBRIC cho hay tổng nợ xấu ở ngành ngân hàng Trung Quốc đã tăng trong sáu quí liên tiếp, lên 2.700 tỉ nhân dân tệ, chiếm 1,94% tổng dư nợ tín dụng, mức cao nhất trong 10 năm qua.

Một số nhà phân tích cho biết lợi nhuận của các ngân hàng Trung Quốc giảm mạnh hơn dự báo trong quí 2, chủ yếu do họ phải trích lập dự phòng lớn hơn cho các khoản nợ xấu. Các ngân hàng thương mại nhà nước bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Truyền thông, Ngân hàng xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng ngày Công thương Trung Quốc và Ngân hàng tiết kiệm bưu điện Trung Quốc, dự kiến sẽ ghi nhận các khoản trích lập dự phòng thua lỗ cao hơn.
Cindy Wang, nhà phân tích ở chi nhánh Hồng Kông của ngân hàng DBS (Singapore), nhận định: “Do tác động của dịch Covid-19, chúng tôi dự báo tỷ lệ nợ xấu ở các ngân hàng Trung Quốc có thể lên mức 2% vào cuối năm”.

Các ngân hàng Trung Quốc được yêu cầu phải tích cực hỗ trợ nền kinh tế phục hồi từ cuộc khủng hoảng dịch Covid-19.

Hồi tháng 6, CBIRC và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) yêu cầu các ngân hàng mở rộng thời gian ân hạn trả nợ đến cuối tháng 3-2021 để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn tài chính do tác động của dịch Covid-19.

PBoC cũng kêu gọi các ngân hàng ‘hy sinh’ đến 1.500 tỉ nhân dân tệ (217 tỉ đô la Mỹ) trong năm nay để cung cấp các khoản vay lãi suất thấp, giảm phí, giãn nợ cũng như gia tăng cho vay tín chấp để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ vượt qua khó khăn. Khoản lợi nhuân ‘hy sinh’ này tương đương gần 75% lợi nhuận ròng của toàn bộ ngành ngân hàng thương mại của Trung Quốc trong năm 2019.

Tình cảnh của các ngân hàng ở châu Âu còn tệ hơn

Một số ngân hàng lớn ở châu Âu ghi nhận kết quả thua lỗ trong quí 2. Hồi cuối tháng 7, Santander (Tây Ban Nha), ngân hàng lớn thứ hai châu Âu xét về mức vốn hóa thị trường, báo lỗ 11,1 tỉ euro, chủ yếu do phải bút toán giảm giá trị tài sản do tác động của đại dịch. Đây là quí thua lỗ đầu tiên trong lịch sử 163 năm của ngân hàng này.

Đầu tháng này, Ngân hàng Societe Generale (Pháp) bất ngờ báo lỗ ròng 1,26 tỉ euro trong quí 2 vì phải trích lập dự phòng 1,28 tỉ euro, đồng thời giảm giá trị tài sản khoảng 450 triệu euro ở mảng dịch vụ nhà đầu tư bao gồm kinh doanh cổ phiếu và tài sản thu nhập cố định.

Kết quả kinh doanh của Deutsche Bank, ngân hàng lớn nhất Đức, đỡ xấu hơn với mức lỗ 77 triệu euro trong quí 2. Tuy nhiên, ngân hàng này phải trích lập dự phòng rủi ro của các khoản vay lên đến 761 triệu euro để phản ánh tác động kéo dài của Covid-19.

Trong khi đó, Ngân hàng Barclays (Anh) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1,3 tỉ bảng trong nửa đầu năm nay, giảm mạnh so với mức lãi 3 tỉ bảng vào cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận giảm mạnh vì ngân hàng này phải trích lập dự phòng 3,7 tỉ bảng trong sáu tháng đầu năm nay để trang trải các khoản thua lỗ có thể xảy ra khi Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến mảng cho vay doanh nghiệp và tiêu dùng.

Theo Reuters, Financial Times, SCMP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới