Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng kỳ vọng thu hút dòng vốn ngoại!

Đăng Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Trước tình hình thị trường chứng khoán đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu đã không còn dễ dàng như trước. Vì thế, các ngân hàng sẽ cần tiếp tục lên kế hoạch hút thêm vốn ngoại để tăng năng lực tài chính, sức cạnh tranh, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.

VietinBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 5.694 tỉ đồng, lên 53.751 tỉ đồng. Ảnh: N.K

Kế hoạch tăng vốn “khủng”

Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 15 ngân hàng thương mại cổ phần. Việc tăng vốn của các ngân hàng này chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ).

Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 7-2022, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần đạt 416.900 tỉ đồng; tổng tài sản đạt 7.488.200 tỉ đồng; huy động vốn trên thị trường 1 đạt 5.513.400 tỉ đồng; dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 4.686.600 tỉ đồng. Với sự cho phép của cơ quan quản lý, thời gian qua, nhiều ngân hàng đã tiến hành tăng vốn “khủng” qua hoạt động chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Điển hình như SHB đã thông qua việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ năm 2022. Theo đó, SHB chào bán hơn 533 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ thực hiện quyền là 100:20 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu thì được mua thêm 20 cổ phiếu mới).

ABBank cũng có kế hoạch tăng vốn từ 9.409 tỉ đồng lên 10.400 tỉ đồng thông qua chia cổ tức năm 2021 tỷ lệ 10%. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sau khi đã sử dụng một phần để phát hành cổ phiếu thưởng 35% vào ngày 11-2-2022.

Đồng thời, ABBank dự kiến phát hành 5 triệu cổ phiếu thưởng theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên (ESOP) trong quí 4-2022, sau khi hoàn thành phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Số vốn tăng thêm dự kiến được ABBank bổ sung quy mô vốn hoạt động, nhằm cung cấp các dịch vụ ngân hàng như cho vay, đầu tư công nghệ…

Theo số liệu từ WB, dù hệ số CAR bình quân của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tăng nhẹ lên mức 11,47% trong quí 1-2022 (so với 11,3% trong quí 1-2021) – cao hơn yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng về cơ bản vẫn ở mức tương đối thấp. Cá biệt, hệ số CAR ở một số ngân hàng chỉ cao hơn một chút so với yêu cầu tối thiểu.

Eximbank cũng được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 12.355 tỉ đồng lên hơn 14.814 tỉ đồng thông qua phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức sau chín năm không chia.

Trong khi đó, OCB vừa công bố việc triển khai tăng vốn điều lệ lên hơn 17.808 tỉ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu thưởng 30% cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu sau khi có chấp thuận của cơ quan chức năng. Hội đồng quản trị OCB mong muốn hoạt động này giúp nâng cao năng lực tài chính, tăng trưởng quy mô và năng lực cạnh tranh trong thời gian sắp tới…

Không chỉ khối tư nhân, tại các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, BIDV cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 10.623 tỉ đồng, lên mức 61.208 tỉ đồng; Vietcombank tăng thêm gần 8.566 tỉ đồng, để đưa vốn điều lệ lên 55.891 tỉ đồng; VietinBank tăng vốn điều lệ thêm 5.694 tỉ đồng, lên 53.751 tỉ đồng.

NHNN cho biết đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn cho Agribank; đồng thời NHNN cũng đã đề nghị Bộ Tài chính có ý kiến về phương án tăng vốn của BIDV, Vietcombank và VietinBank.

Kỳ vọng dòng vốn ngoại

Nhìn chung, việc tăng vốn điều lệ luôn được đánh giá là cần thiết, giúp các ngân hàng củng cố tiềm lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh, đồng thời đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng, đáp ứng kế hoạch tăng trưởng liên tục hàng năm.

Đặc biệt, việc tăng vốn cũng là nhiệm vụ thực hiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Theo đề án này, đến năm 2025, nhóm ngân hàng có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn phải có vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỉ đồng.

Ở một góc độ khác, theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, những số liệu vĩ mô chung có thể đang “che lấp” đi nguy cơ dễ bị tổn thương của một số ngân hàng thương mại, đặc biệt ở những ngân hàng có hệ số CAR ở mức thấp.

Theo số liệu từ WB, dù CAR bình quân của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tăng nhẹ lên mức 11,47% trong quí 1-2022 (so với 11,3% trong quí 1-2021) – cao hơn yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng về cơ bản vẫn ở mức tương đối thấp. Cá biệt, hệ số CAR ở một số ngân hàng chỉ cao hơn một chút so với yêu cầu tối thiểu. Chính vì vậy, các ngân hàng đang tích cực đẩy mạnh tăng vốn để khắc phục những rủi ro, thêm sức bật cho giai đoạn phát triển mới.

Mặc dù vậy, trước tình hình thị trường chứng khoán đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc huy động vốn thông qua thị trường vốn bằng cách phát hành cổ phiếu, trái phiếu ở thị trường trong nước đã không còn dễ dàng như trước. Vì thế, các ngân hàng sẽ cần tiếp tục lên kế hoạch hút thêm vốn ngoại để tăng năng lực tài chính, sức cạnh tranh, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.

Thực tế cho thấy, trong năm 2022, dù số thương vụ mua bán – sáp nhập doanh nghiệp (M&A) khá ít ỏi do thị trường tài chính quốc tế không thuận lợi nhưng vẫn có những thương vụ có quy mô lớn được công bố.

Điển hình như thương vụ VPBank bán 49% cổ phần FE Credit cho SMBC hồi đầu năm nay. Còn với HDBank, ngân hàng này đang được đánh giá cao nhờ khả năng có thể được nới room vốn ngoại lên 49% theo lộ trình quy định trong thỏa thuận thương mại tại Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Nếu được chọn trở thành ngân hàng thí điểm, thì đây sẽ là một điểm sáng hỗ trợ cho giá của cổ phiếu HDB, khi việc nới giới hạn sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư dài hạn hơn.

Ngoài ra, các thương vụ M&A giá trị tỉ đô khác cũng được thị trường kỳ vọng có thể diễn ra như Vietcombank chào bán riêng lẻ 6,5% vốn, nếu thành công sẽ thu về xấp xỉ 30.000 tỉ đồng. Đây là kế hoạch đã được đặt ra từ lâu nhưng chưa hoàn tất.

Theo đánh giá của PwC, bất chấp những trở ngại về kinh tế vĩ mô, năm 2022 là một năm sôi động đối với các giao dịch M&A tại Việt Nam. Xu hướng này được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục thu hút nhiều sự quan tâm của các quỹ đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Tuy vậy, một thực tế cần phải thừa nhận là hiện room ngoại còn lại ở các ngân hàng Việt Nam không còn nhiều. Trên cơ sở đó, đã có không ít ý kiến kiến nghị Chính phủ xem xét nới room ngoại lên trên mức 30% nhằm mở đường cho việc thu hút thêm dòng vốn nước ngoài vào lĩnh vực ngân hàng.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới