Thứ Tư, 17/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng lãi lớn từ kinh doanh ngoại tệ bất chấp sức ép của tỷ giá

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Dù kết quả có sự phân hóa lớn, nhưng đa số cho thấy các ngân hàng vẫn ghi nhận lãi lớn từ hoạt động kinh doanh ngoại hối trong năm 2022, đặc biệt có sự tăng trưởng rất mạnh nếu so sánh với những năm trước đó.

Phân hóa lớn ở hoạt động kinh doanh ngoại hối

Hơn 18.390 tỉ đồng là tổng lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của 27 ngân hàng niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quí 4-2022, tăng gần 4.825 tỉ đồng, tương đương tăng 35,6% so với năm 2021. Xét theo tỷ trọng, con số này chiếm 7,5% tổng lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng này. Có bảy ngân hàng ghi nhận lãi tuyệt đối ở hoạt động này từ 1.000 tỉ đồng trở lên.

Trong đó, những ngân hàng ghi nhận lãi lớn nhất ở hoạt động kinh doanh ngoại hối xét theo số tuyệt đối có thể kể đến Vietcombank lãi 5.768 tỉ đồng, tăng gần 1.394 tỉ đồng, tương đương tăng 32% so với năm 2021; VietinBank lãi 3.570 tỉ đồng, tăng hơn 1.757 tỉ đồng – dẫn đầu về mức tăng tuyệt đối trong 27 ngân hàng, tương đương tăng vọt đến 97% so với năm 2021; BIDV lãi 3.140 tỉ đồng, tăng 1.244 tỉ đồng, tương đương tăng gần 62% so với năm 2021.

Trong nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, MBBank lãi cao nhất gần 1.704 tỉ đồng, tăng 372 tỉ đồng, tương đương tăng 28%; Sacombank lãi 1.062 tỉ đồng, tăng 325 tỉ đồng, hơn 44%; ACB lãi 1.048 tỉ đồng, tăng gần 177 tỉ đồng, hơn 20% và MSB lãi hơn 1.000 tỉ đồng, tăng gần 618 tỉ đồng, hơn 161% (so với năm 2021).

Dù vậy, đà tăng trưởng này được dự báo khó có thể lặp lại trong năm 2023, khi giá đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đã tạo đỉnh và triển vọng tăng giá không còn nhiều, trong khi thị trường ngoại hối trong nước năm nay cũng sẽ ổn định hơn.

Nếu xét theo tốc độ tăng tương đối, VietBank tăng hơn 3,7 lần từ mức gần 11,8 tỉ đồng lên 55,6 tỉ đồng; PGBank tăng 97% từ 21,7 tỉ đồng lên 42,7 tỉ đồng; Bắc Á tăng 75% từ 29,6 tỉ đồng lên hơn 51,6 tỉ đồng; Eximbank tăng 54% từ 394 tỉ đồng lên 606 tỉ đồng; SeaBank tăng hơn 50% từ 148,9 tỉ đồng lên gần 224 tỉ đồng và OCB tăng 46% từ 99,7 tỉ đồng lên 145,1 tỉ đồng.

Tuy nhiên, vẫn có những ngân hàng báo lãi giảm ở hoạt động kinh doanh ngoại hối. Đơn cử như LienVietPostBank giảm hơn 92% từ 138,8 tỉ đồng trong năm 2021 xuống còn vỏn vẹn 10,5 tỉ đồng trong năm 2022; ABBank giảm hơn 53% từ 412 tỉ đồng xuống 192,3 tỉ đồng; SHB giảm 19% từ 143,5 tỉ đồng xuống 116,3 tỉ đồng.

Thậm chí, cũng có số ít ngân hàng ghi nhận lỗ ở hoạt động này. Chẳng hạn, Techcombank chuyển từ lãi 231,4 tỉ đồng trong năm 2021 sang lỗ hơn 275 tỉ đồng trong năm 2022; VPBank tăng lỗ từ mức 76,4 tỉ đồng trong năm 2021 lên hơn 618 tỉ đồng trong năm 2022; VIB tăng lỗ từ mức 86,7 tỉ đồng trong năm 2021 lên hơn 275 tỉ đồng trong năm 2022. Đây cũng là ba ngân hàng đã niêm yết báo lỗ ở hoạt động này trong năm 2022.

Một điểm đáng lưu ý khác là lãi/lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng phần lớn tập trung phát sinh trong quí 4-2022. Đơn cử như trong mức lỗ 275 tỉ đồng của Techcombank cho cả năm 2022, riêng quí 4-2022 đã ghi nhận lỗ hơn 304 tỉ đồng, tức chín tháng đầu năm 2022 ngân hàng này vẫn ghi nhận lãi từ kinh doanh ngoại hối. Hay như lỗ kinh doanh ngoại hối của VPBank trong quí 4-2022 chiếm đến 55% tổng mức lỗ cả năm 2022.

Tương tự ở các ngân hàng có lãi, như Bắc Á lãi quí 4-2022 hơn 55,6 tỉ đồng, nhờ đó giúp cả năm lãi 51,6 tỉ, tức chín tháng đầu năm ngân hàng này lỗ từ kinh doanh ngoại hối. Hay như Ngân hàng Quốc Dân có lãi từ kinh doanh ngoại hối quí 4-2022 đóng góp đến 90% tổng mức lãi cả năm.

Tỷ lệ này ở Ngân hàng Nam Á là 56%, OCB 55%, ACB 48%, EIB 42%, PGBank 40%, BIDV 36% và SeaBank 35%. Điều này cũng dễ hiểu khi thông thường các ngân hàng thường treo lãi từ chênh lệch tỷ giá trên bảng cân đối kế toán và đến cuối năm mới hạch toán vào lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh ngoại hối.

Lãi lớn và tăng trưởng mạnh bất chấp sức ép tỷ giá

Dù kết quả có sự phân hóa lớn, nhưng đa số cho thấy các ngân hàng vẫn ghi nhận lãi lớn từ hoạt động kinh doanh ngoại hối trong năm 2022, đặc biệt có sự tăng trưởng rất mạnh nếu so sánh với những năm trước đó.

Diễn biến này khá bất ngờ khi đặt trong bối cảnh thị trường ngoại hối trong năm 2022 chịu không ít áp lực với tiền đồng nhiều thời điểm chịu sức ép mất giá rất lớn, khi có lúc giá giao dịch tại các ngân hàng tăng thêm 8-9% (giai đoạn nửa cuối tháng 10 đến tháng 11).

Tuy nhiên, cần biết rằng giai đoạn tỷ giá biến động mạnh là thời điểm thuận lợi và cơ hội cho các ngân hàng lướt sóng, kiếm lợi nhuận ở hoạt động kinh doanh ngoại tệ. Như trong năm 2022, chênh lệch mua bán đô la Mỹ tại các ngân hàng niêm yết có lúc tăng lên đến 280-300 đồng/đô la, trong khi năm 2021 chỉ xoay quanh 150-200 đồng/đô la. Với mức chênh lệch tăng cao nhất lên đến gấp đôi như vậy, không khó hiểu khi các ngân hàng lãi lớn ở hoạt động này.

Ngoài ra, trong những giai đoạn thị trường ngoại hối căng thẳng, điểm cân bằng cung cầu đô la Mỹ chịu sức ép lớn, nhà điều hành đã sử dụng nhiều giải pháp để can thiệp, bình ổn thị trường. Nếu như chính sách nới biên độ dao động từ ±3% lên ±5% từ ngày 17-10-2022 giúp các ngân hàng chủ động và có thêm dư địa để niêm yết giá mua bán sát với thị trường hơn, cũng như tăng khả năng cạnh tranh so với thị trường tự do và có thể mở rộng chênh lệch mua bán, thì việc bán ngoại tệ ra để hỗ trợ thị trường cũng có thể mang lại cơ hội kinh doanh cho các ngân hàng.

Cụ thể, nếu như giai đoạn hơn ba tháng đầu năm 2022, giá bán ra đô la Mỹ tại các ngân hàng thương mại thường thấp hơn so với giá bán ra tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đặc biệt trong hơn một tháng đầu năm sự chênh lệch này thường duy trì ở mức khá cao từ 250-300 đồng, thì từ giữa tháng 4 đã bắt đầu có sự đảo chiều khi các ngân hàng niêm yết giá bán ra cao hơn rất nhiều so với giá bán ra tại Sở giao dịch NHNN, trước khi thấp hơn trở lại trong tháng 12-2022.

Để hỗ trợ nguồn cung đô la Mỹ cho thị trường, Sở giao dịch NHNN đã bán ngoại tệ cho các ngân hàng ở cả tỷ giá giao ngay lẫn theo hợp đồng kỳ hạn khá cạnh tranh, trong khi các ngân hàng niêm yết giá bán ra cho khách hàng cao hơn rất nhiều trong những giai đoạn thị trường biến động mạnh và tỷ giá chịu sức ép, đặc biệt là tại những thời điểm NHNN chuẩn bị nâng giá bán ra. Cụ thể mức chênh lệch này có lúc leo lên đến 200-300 đồng trong tháng 9 và tháng 10, thậm chí có thời điểm ngắn ngủi vọt lên gần 500 đồng trong tháng 10.

Đặc biệt, những ngân hàng có quy mô lớn, vốn tự có tăng mạnh trong thời gian qua thì có nhiều điều kiện để kiếm lãi ở hoạt động này, khi mà theo quy định các tỷ lệ về trạng thái ngoại hối hiện nay đều dựa trên vốn tự có ở tỷ lệ không quá 20%, tức ngân hàng nào có vốn tự có càng cao thì khả năng duy trì tổng trạng thái ngoại hối dương hoặc âm càng lớn, tức quy mô kinh doanh để kiếm lời trong lĩnh vực này càng cao nếu dự báo đúng xu hướng biến động của tỷ giá.

Ngoài ra, những ngân hàng có thế mạnh về kinh doanh ngoại tệ, đặc biệt là có cơ sở khách hàng doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu lớn, thì càng có nhiều lợi thế ở hoạt động này, vì có lượng khách hàng có nhu cầu mua bán ngoại tệ thường trực rất lớn, đặc biệt với khách hàng doanh nghiệp thì trong giai đoạn thị trường ngoại hối thường xuyên biến động, rủi ro tỷ giá lớn buộc các khách hàng này phải mua các hợp đồng mua bán ngoại tệ kỳ hạn hoặc quyền chọn, giúp các ngân hàng càng gia tăng nguồn thu phí từ các hợp đồng này.

Từ những cơ sở trên, dễ hiểu vì sao nhóm ngân hàng thương mại gốc quốc doanh hay các ngân hàng thương mại tư nhân hàng đầu có khách hàng xuất nhập khẩu lớn có kết quả lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối cao và tăng trưởng mạnh mẽ đến thế.

Dù vậy, đà tăng trưởng này được dự báo khó có thể lặp lại trong năm 2023, khi giá đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đã tạo đỉnh và triển vọng tăng giá không còn nhiều, trong khi thị trường ngoại hối trong nước năm nay cũng sẽ ổn định hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới