Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dự trữ ngoại hối thế giới giảm kỷ lục 1.000 tỉ đô la Mỹ

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Biến động tỷ giá cùng với các hành động can thiệp tiền tệ ở nhiều nước khiến dự trữ ngoại hối toàn cầu giảm với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử.

Biến động dự trữ ngoại hối thế giới hàng quí. Ảnh: Bloomberg

Kể từ đầu năm đến nay, dự trữ ngoại hối toàn cầu giảm khoảng 1.000 tỉ đô la Mỹ, tương đương 7,8%, xuống còn 12.000 tỉ đô la, mức giảm mạnh nhất kể từ khi Bloomberg bắt đầu thống kê dữ liệu vào năm 2003.

Một phần của sự sụt giảm đơn giản là do tỷ giá biến động mạnh. Khi đồng đô la Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hai thập niên so với các đồng tiền dự trữ khác, như đồng euro và đồng yen, điều này làm giảm mạnh giá trị quy đổi ra đô la Mỹ của các đồng tiền này. Tuy nhiên, kho dự trữ ngoại hối ngày càng cạn kiệt ở nhiều nước cũng phản ánh sự căng thẳng trên thị trường tiền tệ, khiến các ngân hàng trung ương phải can thiệp để chống lại sự sụt giá đồng tiền của họ bằng cách bán đô la Mỹ.

Chẳng hạn, dự trữ ngoái hối của Ấn Độ giảm 96 tỉ đô la Mỹ trong năm nay, xuống còn 538 tỉ đô la Mỹ. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) cho biết những thay đổi định giá tài sản chiếm 67% mức suy giảm dự trữ ngoại hối trong năm tài chính 2022 bắt đầu từ tháng 4. Điều này có nghĩa là phần suy giảm còn lại đến từ sự can thiệp của RBI để vực dậy đồng rupee, đang mất giá khoảng 9% so với đô la Mỹ trong năm nay và xuống mức thấp kỷ lục vào tháng trước.

Dữ liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản, công bố hôm 7-10, cho thấy dự trữ ngoại hối của nước này giảm kỷ lục 54 tỉ đô la Mỹ trong tháng 9, xuống còn 1.238 tỉ đô la Mỹ, mức thấp nhất kể từ tháng 3-2017.

Dự trữ ngoại hối của Nhật Bản giảm kỷ lục 54 tỉ đô la Mỹ trong tháng 9, xuống còn 1.238 tỉ đô la Mỹ, mức thấp nhất kể từ tháng 3-2017. Ảnh: NHK

Dự trữ ngoại hối của Nhật Bản giảm mạnh trong tháng trước khi cơn biến động thị trường toàn cầu làm giảm giá trị trái phiếu nước ngoài mà Nhật Bản đang nắm giữ đồng thời buộc Bộ Tài chính Nhật Bản phải bán đô la Mỹ để vực dậy đồng yen, đang ở mức thấp nhất trong 24 năm so với đô la Mỹ.

Nhật Bản đã chi gần 20 tỉ đô la Mỹ trong tháng 9 để làm chậm đà trượt giá của đồng yen trong lần can thiệp đầu tiên để hỗ trợ đồng tiền này kể từ năm 1998. Động thái đó đã đóng góp khoảng 19% mức mất mát dự trữ ngoại hối của Nhật Bản trong năm nay.

Dự trữ ngoại hối của Nhật Bản bao gồm tiền gửi tại các ngân hàng trung ương ở nước ngoài và Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), vàng, các chứng khoán thu nhập cố định bao gồm trái phiếu chính phủ Mỹ và quyền rút vốn đặc biệt (SDR) ở Quỹ Tiền tệ quốc tế.

Dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc giảm gần 20 tỉ đô la trong tháng 9, mức giảm hàng tháng lớn thứ hai trong lịch sử, khi giới chức trách tăng cường can thiệp bán đô la để chặn đà sụt giá của đồng won, đang ở mức thấp nhất trong hơn 13 năm.

Dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc ở mức 416,77 tỉ đô la Mỹ vào cuối tháng 9, giảm 19,66 tỉ đô la Mỹ so với 436,43 tỉ đô la Mỹ một tháng trước đó, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) cho biết.

BoK lý giải rằng dự trữ ngoại hối sụt giảm là do các biện pháp nhằm giảm bớt sự biến động trên thị trường tiền tệ, cùng với sự sụt giảm giá trị quy đổi của các tài sản không phải đô la Mỹ và các ngoại tệ gửi các tổ chức tài chính.

Trong khi đó, quyết định can thiệp tiền tệ ở Cộng hòa Czech cũng khiến dự trữ ngoại hối của nước này giảm 19% kể từ tháng 2.

Axel Merk, Giám đốc đầu tư tại Công ty Merk Investments, nói: “Đây là một phần trong danh mục các triệu chứng nguy hiểm mà nhiều nước đang đối mặt. Các vết nứt đang lộ ra và những tín hiệu nguy hiểm đó sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn”.

Mặc dù tốc độ suy giảm dự trữ ngoại hối quá nhanh là điều bất thường, nhưng trong thực tế, việc các ngân hàng trung ương sử dụng nguồn lực ngoại hối để bảo vệ giá trị đồng tiền của họ không phải là điều mới mẻ. Các ngân hàng này mua đô la Mỹ để tích trữ vào kho dự trữ ngoại hối nhằm làm chậm đà tăng giá đồng nội tệ khi dòng vốn nước ngoài đổ vào quá nhiều. Trong những thời điểm bất ổn như hiện nay, họ sử dụng dự trữ ngoại hối để làm giảm thiểu tác động từ làn sóng tháo chạy của dòng vốn nước ngoài.

Hầu hết các ngân hàng trung ương vẫn còn nguồn lực ngoại hối để tiếp tục can thiệp tiền tệ trong trường hợp cần thiết. Dự trữ ngoại hối của Ấn Độ hiện nay vẫn cao hơn 49% so với mức năm 2017, và đủ để thanh toán hàng nhập khẩu trong 9 tháng.

Nhưng một số ngân hàng trung ương khác lại đang chứng kiến dự trữ ngoại hối nhanh chóng cạn kiệt. Sau khi suy giảm 42% trong năm nay, 14 tỉ đô la Mỹ dự trữ ngoại hối còn lại của Pakistan không đủ để trang trải chi phí nhập khẩu trong ba tháng.

Theo Bloomberg, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới