Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng Nhà nước chính thức nắm 100% vốn NH Xây dựng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngân hàng Nhà nước chính thức nắm 100% vốn NH Xây dựng

Thanh Thương

Ngân hàng Nhà nước chính thức nắm 100% vốn NH Xây dựng
Nhân viên Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trust Bank), tiền thân của Ngân hàng Xây dựng. Ảnh: THANH TAO

(TBKTSG Online) – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tuyên bố quyết định sẽ mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) với giá bằng 0 đồng/1 cổ phần. Theo đó, NHNN trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của VNCB, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu của VNCB.

Ngày 31-01-2015, Đại hội đồng cổ đông bất thường VNCB đã được tổ chức tại Long An để thông báo công khai về kết quả kiểm toán độc lập về thực trạng tài chính, giá trị thực và vốn điều lệ của VNCB và thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ theo quy định của pháp luật.

Đại hội đồng cổ đông quyết nghị không thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực vốn điều lệ tối thiểu của ngân hàng bằng mức vốn pháp định.

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng, Quyết định số 48/2013/QĐ-NHNN ngày 01-8-2013 về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông VNCB, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tuyên bố quyết định sẽ mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của VNCB với giá bằng 0 đồng/1 cổ phần. Theo đó, NHNN trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của VNBC, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu của VNCB.

Theo thông cáo báo chí mà NHNN vừa phát hành, với việc NHNN nắm quyền sở hữu toàn bộ vốn điều lệ và Ngân hàng Vietcombank tham gia quản trị, điều hành VNCB, VNCB có điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai phương án tái cơ cấu được duyệt và phát triển hoạt động kinh doanh theo hướng an toàn, hiệu quả hơn. Đồng thời, các quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại VNCB sẽ tiếp tục được đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Như vậy, sau 2 lần cuộc họp bất thường của đại hội đồng cổ đông VNCB không thể tiến hành vì không đủ số lượng cổ đông nắm lượng cổ phần đủ điều kiện tham dự, đến hôm 31-1, đại hội của VNCB đã diễn ra thành công vì theo quy định, đại hội lần 3 sẽ mặc nhiên được tiến hành mà không quy định tỷ lệ cổ phần của cổ đông tham dự.

Đây là lần đầu tiên NHNN tham gia tái cơ cấu một ngân hàng thương mại bằng cách tham gia góp vốn mua cổ phần cho dù việc này đã có quy định trong Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 20-9-2013.

Theo Quyết định này, NHNN sẽ được góp vốn mua cổ phần ở các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt; biện pháp mua lại cổ phần của tổ chức tín dụng yếu kém được thực hiện sau khi tổ chức tín dụng đã đảm bảo được khả năng chi trả nhờ được hỗ trợ tái cấp vốn từ NHNN.

Cụ thể, NHNN trực tiếp mua lại vốn điều lệ hoặc cổ phần của tổ chức tín dụng yếu kém để chấn chỉnh, củng cố, lành mạnh hóa một bước; sau đó sẽ tiến hành sáp nhập, hợp nhất với tổ chức tín dụng khác hoặc bán lại cho nhà đầu tư có đủ điều kiện.

Ngân hàng Xây dựng – VNCB – tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (Trustbank). Việc đổi tên diễn ra vào tháng 5 năm 2013, sau khi có sự tham gia của Tập đoàn Thiên Thanh và nhóm cổ đông mới. Việc tham gia của Thiên Thanh cũng nằm trong chủ trương tái cơ cấu ngân hàng yếu, vì Trustbank nằm trong diện phải tái cơ cấu của NHNN. Tuy vậy, sau đó, ngày 29-7-2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã công bố quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bị can đối với các ông Phạm Công Danh và ông Phan Thành Mai, là Chủ tịch và Tổng giám đốc của Ngân hàng Xây dựng. Các ông này bị khởi tố trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Thiên Thanh.

Vậy nên những khó khăn từ 2011 đến nay của Ngân hàng Đại Tín/Xây dựng đã không thể giải quyết được dù có cổ đông mới tham gia và vì vậy, NHNN buộc phải chọn cách nắm 100% vốn để tái cơ cấu ngân hàng này.

Trustbank được thành lập vào năm 1989, tiền thân là Ngân hàng nông thôn Rạch Kiến, trụ sở chính tại Long An. Từ 2007, Trustbank trở thành ngân hàng đô thị. Tính đến cuối năm 2011, tổng tài sản của ngân hàng đạt 28.000 tỉ đồng; vốn điều lệ đạt 3.000 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế của TrustBank đến cuối năm 2011 đạt 550 tỉ đồng.

Xem thêm:

Chuyện “bếp núc” Ngân hàng Xây dựng

Vietcombank sẽ hỗ trợ Ngân hàng Xây dựng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới