Thứ ba, 19/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng Nhật Bản đối mặt rủi ro tương tự Silicon Valley Bank

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Để chuẩn bị cho đợt tăng lãi suất đầu tiên sau hơn một thập niên, các cơ quan quản lý của Nhật Bản đang đốc thúc các ngân hàng quy mô khu vực trong nước chủ động ngăn chặn dạng rủi ro khiến ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) của Mỹ sụp đổ.

Trụ sở của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) ở Tokyo. BoJ đang chịu áp lực rút bỏ các biện pháp nới lỏng tiền tệ kéo dài hàng chục năm nay trước tình trạng lạm phát tăng và đồng yen suy yếu. Ảnh: Bangkok Post

Trong Báo cáo ổn định tài chính gần đây, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) cảnh báo, các ngân hàng khu vực và các quỹ tín dụng Shinkin (hoạt động trên một địa bàn nhất định) có thể đối mặt rủi ro lãi suất sau khi rót một lượng tiền đầu tư lớn vào các khoản nợ và chứng khoán có kỳ hạn dài.

Lãi suất tăng sẽ giúp các ngân hàng thương mại hưởng lợi từ mức chênh lệch lớn hơn giữa lãi suất cho vay là lãi suất trả cho người gửi tiền. Nhưng mặt khác, lãi suất tăng tạo ra mối nguy hiểm bao gồm cái gọi là rủi ro kỳ hạn (duration risk), đo lường mức độ rủi ro của trái phiếu có kỳ hạn dài trước những thay đổi bất ngờ về lãi suất. Rủi ro này có thể thành hiện thực nếu các ngân hàng buộc phải bán các trái phiếu dài hạn đang mất giá trị khi lãi suất tăng.

Các cơ quan quản lý Nhật Bản lo ngại trong năm tới, căng thẳng đối với các ngân hàng khu vực có thể gia tăng nếu BoJ chấm dứt chính sách lãi suất âm.

Tại một hội nghị trong tháng này, Thống đốc BoJ Kazuo Ueda đánh giá hệ thống ngân hàng của Nhật Bản đủ mạnh để chịu đựng một số đợt tăng lãi suất ngắn hạn nếu BoJ bắt đầu bình thường hóa chính sách. Nhưng ông lưu ý thêm: “Chúng tôi sẽ phải theo dõi tình hình một cách cẩn thận”.

Tính đến cuối tháng 9, 97 ngân hàng khu vực của Nhật Bản báo cáo khoản lỗ trên sổ sách ở danh mục đầu tư trái phiếu và tín thác với là 2,8 nghìn tỉ yen (19 tỉ đô la Mỹ), tăng 70% so với cuối tháng 6, theo tính toán của Nikkei. Mức lỗ này tăng vọt sau khi lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm tăng do BoJ nới lỏng chính sách kiểm soát đường cong lợi suất hồi tháng 7.

“Trong trường hợp xấu nhất, các ngân hàng có thể giữ lại những khoản lỗ chưa thực hiện này. Nhưng điều đó có nghĩa là họ sẽ không thể thực hiện các khoản đầu tư mới để mua trái phiếu có lợi suất cao hơn khi lãi suất tăng”, Toyoki Sameshima, nhà phân tích của SBI Securities, bình luận.

Đầu năm nay, lãi suất tăng vọt, khiến các loại trái phiếu mà nhiều ngân hàng ở Mỹ mua bằng tiền gửi giá rẻ từ khách hàng giảm giá trị, tạo ra khoản lỗ trên giấy tờ hàng trăm tỉ đô la. Khi khách hàng ồ ạt rút tiền, SVB buộc phải bán bớt danh mục đầu tư trái phiếu, khiến những khoản lỗ trên giấy tờ trở thành những khoản lỗ thực sự.

Sau cú sụp đổ của SVB và các ngân hàng khu vực khác của Mỹ hồi đầu năm, Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản (FSA) đã tăng cường giám sát các ngân hàng nhỏ, đặc biệt là những ngân hàng có thể gặp rủi ro tương tự. SVB sụp đổ vì đã xây dựng một danh mục đầu tư trái phiếu chính phủ Mỹ khổng lồ, nhưng không đề phòng rủi ro lãi suất tăng (khiến giá trái phiếu giảm) cũng như rủi ro khách hàng rút tiền hàng loạt.

Không giống như SVB, các ngân hàng Nhật Bản là nơi có nhiều khoản tiền gửi nhỏ, hầu hết được bảo hiểm lên tới 10 triệu yen. Tuy nhiên, trong khi rủi ro mang tính hệ thống liên quan đến làn sóng rút tiền gửi ở các ngân hàng Nhật Bản có vẻ thấp, giới phân tích chỉ ra những rủi ro tiềm ẩn.

“Một ngân hàng lớn của Nhật Bản đã có thể tăng số dư tiền gửi lên hơn 40% trong khoảng 6 tháng thông qua một chiến dịch hứa hẹn lãi suất cao. Điều này có nghĩa là nhiều khách hàng sẵn sàng chuyển tiền gửi của họ từ các ngân hàng nhỏ sang ngân hàng lớn này để hưởng lãi suất cao hơn”, nhà phân tích Ken Takamiya của ngân hàng Nomura, nói:

Cổ phiếu của các tập đoàn ngân hàng hàng đầu của Nhật Bản gồm Mitsubishi UFJ, Mizuho và Sumitomo Mitsui tăng giá khoảng 40% trong năm nay khi giới đầu tư kỳ vọng BoJ sẽ sớm tăng lãi suất. Rủi ro kỳ hạn ở ba ngân hàng này thấp hơn các ngân hàng nhỏ vì họ có mô hình kinh doanh đa dạng hơn và đã chuyển vốn sang các tài sản ngắn hạn.

Nếu BoJ chấm dứt chính sách lãi suất âm vào mùa xuân tới, như nhiều người dự đoán, mỗi điểm phần trăm tăng lên ở lãi suất trong nước sẽ giúp thu nhập của các ngân hàng Nhật Bản tăng thêm 3.000 tỉ yen.

BoJ đang chịu áp lực rút bỏ các biện pháp nới lỏng tiền tệ kéo dài hàng chục năm nay trước tình trạng lạm phát tăng và đồng yen suy yếu. Sự xoay trục chính sách tiền tệ của BoJ có thể ảnh hưởng lớn đến thị trường trái phiếu quốc tế, vì các tổ chức tài chính Nhật Bản, đang sở hữu hàng nghìn tỉ đô la nợ nước ngoài, có khả năng sẽ đầu tư nhiều hơn vào trái phiếu trong nước khi lãi suất bắt đầu tăng.

Hồi tháng 10, BoJ đã quyết định cho phép lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm tăng trên 1%, một động thái hướng tới việc chấm dứt chính sách giới hạn lợi suất dài hạn được thiết lập cách đây 7 năm.

FSA vẫn lạc quan về khả năng chống chịu rủi ro của hệ thống ngân hàng Nhật Bản nhưng cảnh giác với việc các ngân hàng thiếu kinh nghiệm quản lý trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ.

Các quan chức FSA nhấn mạnh, nguy cơ rút tiền gửi ồ ạt tại các tổ chức tài chính Nhật Bản vẫn ở mức thấp. Và các nhà phân tích cho rằng trong trường hợp BoJ tăng lãi suất, lợi ích từ sự cải thiện của biên lãi ròng (chênh lệch phần trăm giữa thu nhập từ lãi cho vay và lãi tiền gửi) của các ngân hàng sẽ lớn hơn những thua lỗ ngắn hạn trên sổ sách ở danh mục đầu tư trái phiếu của họ.

Một rủi ro khác đối với các ngân hàng là việc tăng lãi suất có thể dẫn đến nhiều vụ phá sản hơn ở các công ty vừa và nhỏ, đặc biệt là những công ty “thây ma” hơn 10 năm tuổi và vẫn đang hoạt động dù thua lỗ dai dẳng nhờ lãi suất cực thấp. Theo nhà cung cấp dữ liệu Teikoku Databank, tính đến tháng 3-2022, có 188.000 công ty “thây ma” như vậy ở Nhật Bản.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới