Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng gì từ những rủi ro trái phiếu doanh nghiệp?

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Sự kiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) hủy bỏ chín đợt phát hành trái phiếu của ba công ty thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh đã hé lộ những góc khuất của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Liệu các ngân hàng – vốn không chỉ là nhà đầu tư lớn trên thị trường này, mà không ít tổ chức còn chịu trách nhiệm tư vấn, bảo lãnh phát hành và phân phối trái phiếu sẽ đối mặt với những thách thức gì?

Các chuyên gia cho rằng nếu các cơ quan quản lý có thể phối hợp với Tân Hoàng Minh giải quyết ổn thỏa quyền lợi của trái chủ là tổ chức và cá nhân thì mức độ thiệt hại sẽ được giới hạn trong phạm vi hẹp. Ảnh minh họa: TL

Vụ Tân Hoàng Minh có phải chỉ mới là khởi điểm?

Có lẽ khá nhiều người sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng nhiều người đã mua trái phiếu do ba công ty thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh phát hành lại không phải là trái chủ, mà chỉ đơn thuần là hợp tác đầu tư với Tân Hoàng Minh, còn trái chủ chính là Tân Hoàng Minh. Trái chủ mới là đối tượng được nhận các khoản thanh toán lãi định kỳ cũng như nhận gốc khi đáo hạn.

Từ sự vụ của Tân Hoàng Minh, chúng ta không biết rằng liệu còn có bao nhiêu thương vụ phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp trên thị trường cũng rơi vào tình huống tương tự, tức các công ty có mối liên hệ tự mua bán trái phiếu lẫn nhau rồi sau đó tìm cách đẩy lượng hàng này ra thị trường bằng các hợp đồng hợp tác đầu tư, nhận ủy thác đầu tư dành cho các nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức.

Đáng lưu ý là trong chín đợt phát hành trái phiếu của nhóm Tân Hoàng Minh đã bị hủy, các tổ chức tín dụng đã tham gia mua ít nhất ba đợt phát hành. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Vietcombank, quy mô của 3.000 tỉ đồng trái phiếu của ba đợt này và 10.000 tỉ đổng trái phiếu của cả chín đợt phát hành là thấp so với tổng tín dụng của cả hệ thống ngân hàng. Do đó, tác động trực tiếp của việc hủy các đợt phát hành trái phiếu nói trên là không nhiều đối với các ngân hàng.

Bên cạnh những rủi ro, thiệt hại về tài chính, mà mức độ không quá lớn so với quy mô của các ngân hàng hiện nay theo như các tổ chức đánh giá, cần nhìn nhận rằng việc thị trường TPDN gặp vấn đề có thể mang lại những hệ lụy lâu dài hơn cho ngành ngân hàng.

Tuy nhiên, công ty này cũng cho rằng trong trường hợp các cơ quan quản lý có thể phối hợp với Tân Hoàng Minh giải quyết ổn thỏa quyền lợi của trái chủ là tổ chức và cá nhân thì mức độ thiệt hại sẽ được giới hạn trong phạm vi hẹp; ngược lại nếu Tân Hoàng Minh vỡ nợ hoặc phá sản thì lúc đó thị trường tài chính cũng như các ngân hàng liên quan đến việc cấp tín dụng cho Tân Hoàng Minh sẽ chịu tác động lan tỏa mạnh hơn.

Ngoài ra, như đã nói, không biết sẽ còn những tình huống tương tự xảy ra hay không, tức sẽ xuất hiện các doanh nghiệp vi phạm giống như Tân Hoàng Minh và phải hủy bỏ các đợt phát hành trước đây, cũng như sẽ không thể phát hành các trái phiếu mới. Khi đó, dòng tiền sẽ bị ngắt quãng, mất thanh khoản, khả năng thanh toán, rủi ro phá sản của các doanh nghiệp này sẽ tăng lên. Nếu vậy thì người mua sẽ “lãnh đủ” khi mà nhiều TPDN trong số này không có tài sản bảo đảm.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, đến cuối năm 2021, số TPDN không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm (một phần/toàn bộ) bằng cổ phiếu chiếm tới 53% tổng TPDN phi tài chính phát hành. Tính riêng nhóm trái phiếu bất động sản, số trái phiếu không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm (một phần/toàn bộ) bằng cổ phiếu là 172.500 tỉ đồng, chiếm 54,2% lượng phát hành trong năm 2021.

Còn theo số liệu từ báo cáo tài chính năm 2021 của các ngân hàng, Techcombank đang là ngân hàng nắm giữ lượng TPDN lớn nhất, với 62.809 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 11% trong tổng tài sản của ngân hàng này. Đứng thứ hai là MBBank với 42.962 tỉ đồng, tuy chỉ chiếm gần 7,1% tổng tài sản nhưng đặc biệt đã tăng vọt 53% so với năm 2020. VPBank, TPBank, BIDV, Vietcombank, VietinBank,… cũng là những ngân hàng đang nắm lượng lớn TPDN, với giá trị trên 10.000 tỉ đồng mỗi ngân hàng.

Việc các ngân hàng ôm lượng lớn TPDN như thế không chỉ nhằm để đầu tư vì TPDN có lãi suất phát hành cao, mà còn vì phải bao tiêu theo các điều khoản cam kết khi tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp để nhận phí hoa hồng cao, cũng như chuẩn bị sẵn nguồn hàng ổn định phân phối lại dần cho khách hàng cá nhân là những khách hàng gửi tiền. Dù vậy, việc đánh giá rủi ro của những doanh nghiệp phát hành ở các tổ chức tư vấn, bảo lãnh này như thế nào là một câu hỏi để ngỏ.

Hệ lụy lâu dài

FiinGroup cho biết, cùng với công ty chứng khoán, các ngân hàng thương mại đã tham gia mua TPDN qua kênh phát hành sơ cấp ở mức khá lớn, năm 2021 chiếm 36% trong tổng giá trị phát hành từ các doanh nghiệp bất động sản. Nhưng quy mô tín dụng trái phiếu hiện ở mức 273.900 tỉ đồng vào cuối năm 2021, tức chỉ chiếm 2,16% tổng tài sản sinh lời và 2,63% tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Do đó, theo FiinGroup, các sự kiện hiện nay có khả năng sẽ không có tác động quá lớn đến vấn đề chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, bên cạnh những rủi ro, thiệt hại về tài chính, mà mức độ không quá lớn so với quy mô của các ngân hàng hiện nay theo như các tổ chức đánh giá, cần nhìn nhận rằng việc thị trường TPDN gặp vấn đề có thể mang lại những hệ lụy lâu dài hơn cho ngành ngân hàng.

Đầu tiên là thương hiệu, uy tín của những ngân hàng đã tư vấn, bảo lãnh phát hành, phân phối trái phiếu cho các doanh nghiệp, nếu tiếp tục phát hiện ra vi phạm trong thời gian tới, có thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, như bài viết “Ngân hàng với cuộc chơi trái phiếu rủi ro” đã từng chỉ ra(*).

Một khi khách hàng nhận ra niềm tin của mình bị lợi dụng, họ không chỉ lựa chọn từ bỏ, tẩy chay những ngân hàng vì những khoản hoa hồng, phí khổng lồ mà lôi kéo khách hàng đầu tư vào những trái phiếu của doanh nghiệp gặp nhiều vấn đề. Về lâu dài, họ còn sẽ giữ thái độ nghi ngờ, e ngại với những sản phẩm, dịch vụ mới khác mà các tổ chức này cung cấp trong tương lai.

Mới đây Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức tín dụng đầu tư TPDN, tham gia vào các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành, phân phối… TPDN, đặc biệt là các trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm…

Một ảnh hưởng nữa là tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng cũng sẽ phần nào bị hạn chế nếu thị trường TPDN gặp vấn đề. Trong những năm gần đây, dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng vẫn đạt kết quả khả quan, trong đó một phần đến từ việc các ngân hàng đẩy mạnh đầu tư vào TPDN, vốn cũng được tính vào tăng trưởng tín dụng. Trong năm nay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra ở mức 14%, và mới quí 1 đã đạt 5,04%. Tuy nhiên, trước tình hình thị trường TPDN đang gặp nhiều thách thức như hiện nay, mục tiêu này có lẽ sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Cuối cùng, thanh khoản của các ngân hàng cũng có thể chịu áp lực khi nhà đầu tư lo sợ rủi ro TPDN trong tình hình hiện nay và yêu cầu được tất toán trước hạn, khi mà các TPDN do các ngân hàng hoặc công ty chứng khoán phân phối cho nhà đầu tư cá nhân thời gian qua có cam kết mua lại trái phiếu trước hạn. Theo FiinGroup, quy mô dư nợ TPDN của ngành bất động sản khoảng 189.000 tỉ đồng vào cuối năm 2021 và số liệu của đơn vị này chỉ ra rằng 73% giá trị này (tương đương 138.000 tỉ đồng) sẽ có điểm rơi đáo hạn vào ba năm tới đây (2022-2024).

———

(*) https://www.thesaigontimes.vn/td/318581/ngan-hang-voi-cuoc-choi-trai-phieu-rui-ro.html

1 BÌNH LUẬN

  1. Sẽ có ảnh hưởng trực tiếp/ gián tiếp, thiệt hại nhiều/ ít đến đến các định chế tài chính ngân hàng tham gia vào các phi vụ trái phiếu doanh nghiệp, tùy vào mức độ và nội dung nghiệp vụ mà họ cam kết với trái chủ. Tuy nhiên có một điều rất rõ là nếu không có sự tham gia của những định chế tài chính thì doanh nghiệp khó có thể một mình vận hành quy trình phát hành trái phiếu. Uy tín của các định chế đã và đang bị thử thách thực sự trong thời gian này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới