Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng tiếp tục đua lãi suất đô la

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngân hàng tiếp tục đua lãi suất đô la

Thủy Triều

Lãi suất huy động đô la Mỹ cao nhất hiện nay là 6,24%/năm. Ảnh: T.Triều

(TBKTSG Online) – Một số ngân hàng đã tiếp tục tăng lãi suất huy động đô la Mỹ lần thứ hai từ đầu tháng này, và hiện lãi suất đô la Mỹ cao nhất không còn nằm ở mức 6%/năm.

>>Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động đô la

Sau đợt điều chỉnh lãi suất huy động đô la Mỹ ngày 8-1, Ngân hàng Miền Tây (Western Bank) ngày 18-1 tiếp tục tăng lãi suất huy động đô la Mỹ thêm từ 0,2 đến 0,4%/năm. Mức lãi suất cao nhất hiện nay của Western Bank là 5,5%/năm cho kỳ hạn từ 3 tháng trở lên.

Trong khi đó, ngân hàng có thế mạnh về tài trợ xuất nhập khẩu là Eximbank sau một thời gian duy trì lãi suất đô la Mỹ dưới mức 5%/năm, ngày 18-1 cũng đã tăng lãi suất đô la lên cao nhất là 5,2%/năm cho các khoản tiền trên 300.000 đô la gửi kỳ hạn từ 3 tháng trở lên. Ngân hàng Vietcombank cũng đã điều chỉnh lãi suất huy động ngoại tệ lên mức 5% cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Ngân hàng SeABank không còn là ngân hàng có lãi suất huy động đô la Mỹ cao nhất thị trường ở mức 6%/năm nữa mà thay vào đó là Ngân hàng Nam Việt (NaviBank) hiện có mức lãi suất huy động ngoại tệ cao nhất thị trường là 6,24%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Tuy nhiên, lãnh đạo một ngân hàng cho biết đa số khách hàng chỉ gửi ngoại tệ kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống. Ông cho biết hiện nay tiền đồng rất khó huy động kể cả ở mức 15%-16%/năm, trong khi có thể huy động ngoại tệ mà lãi suất lại thấp hơn nhiều, chỉ 5%-6%/năm.

Vị lãnh đạo trên cho rằng với việc huy động đô la Mỹ với lãi suất thấp hơn lãi suất tiền đồng, ngân hàng có thể chuyển một phần đô la Mỹ sang tiền đồng để cho vay và hưởng chênh lệch lãi suất. Ông cũng cho biết ngân hàng sẽ thực hiện việc này trong ngắn hạn vì trong một thời gian ngắn, tiền đồng không thể giảm giá đến 10% so với đô la Mỹ, cho nên về cơ bản ngân hàng sẽ không gặp rủi ro lớn.

Trong khi đó, dịp cuối năm âm lịch là thời điểm nhiều doanh nghiệp rút tiền mặt về để chi lương thưởng, cũng như người lao động rút tiền ra để tiêu dùng, nên việc tăng cường huy động ngoại tệ để chuyển sang tiền đồng cũng là biện pháp giúp ngân hàng có thêm thanh khoản.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng lên tiếng cho rằng nếu để lãi suất huy động đô la Mỹ lên quá cao, sẽ khuyến khích người dân chuyển sang nắm giữ đô la thay vì tiền đồng, làm tăng tình trạng đô la hóa vốn đã cao ở Việt Nam.

Nhiều chuyên gia đã đề xuất nên quy định trần lãi suất huy động đô la Mỹ như đang áp dụng hiện nay đối với tiền gửi ngoại tệ của các tổ chức. Hiện tiền gửi ngoại tệ của các tổ chức chỉ được hưởng lãi suất huy động cao nhất là 1%/năm từ ngân hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới