Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng Trung Quốc sử dụng công cụ AI để tăng hiệu suất

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các ngân hàng Trung Quốc đang tăng cường sử dụng các mô hình ngôn ngữ được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) để tiết kiệm chi phí lao động và nâng cao hiệu quả.

Nhiều ngân hàng Trung Quốc đang ứng dụng các công cụ AI nội địa trong nhiều mảng khác nhau, từ tiếp thị và tìm kiếm khách hàng mới đến dịch vụ khách hàng và tư vấn về đầu tư. Ảnh: Caixin Global.

Trong báo cáo công bố tháng 6-2023, hãng tư vấn McKinsey & Co. ước tính AI tạo sinh có thể đem lại giá trị 200-340 tỉ đô la mỗi năm cho lĩnh vực ngân hàng. Ngoài việc sáng tạo nội dung dựa trên dữ liệu, trả lời khách hàng và hỗ trợ nhân viên làm nghiên cứu, AI tạo sinh có thể dùng trong tiếp thị, phát triển sản phẩm, tính toán chi phí bán hàng, tư vấn đầu tư và tuân thủ luật lệ, theo báo cáo tháng 8-2023 của hãng tư vấn Boston Consulting Group.

AI được nhiều ngân hàng ứng dụng cho công việc

Trong vài năm tới, nhiều ngân hàng Trung Quốc sẽ sử dụng AI trong quá trình cấp tín dụng cho khách hàng và AI sẽ giúp ngăn chặn lừa đảo và rửa tiền, nhà kinh tế trưởng Wu Lianfeng tại IDC Trung Quốc phát biểu tại một hội nghị tài chính ở Thượng Hải tháng 9-2023 vừa rồi.

Hầu hết các mô hình ngôn ngữ AI là do các hãng công nghệ Trung Quốc phát triển. Ngân hàng Citic Trung Quốc và Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc đã hợp tác với Ernie Bot, do Baidu phát triển.

Ngân hàng Truyền thông đã hình thành nhóm nghiên cứu dùng AI tạo sinh (generative AI) để phát hiện hoạt động rửa tiền và tìm hiểu hành vi của khách hàng bán lẻ. Các ngân hàng khác, bao gồm China Merchants Bank và Ping An Bank, đang sử dụng nhân viên ảo được hỗ trợ bởi AI để phục vụ khách hàng.

Giám đốc công nghệ Lu Zhongtao của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), ngân hàng lớn nhất thế giới về tài sản, đang khám phá việc sử dụng các mô hình ngôn ngữ AI trong quản lý tài sản, bao gồm cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư chính xác hơn và tạo nội dung tiếp thị. ICBC đã hợp tác với Đại học Thanh Hoa, Huawei Technologies, Phòng thí nghiệm Peng Cheng và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc để phát triển các mô hình này.

Ant Group, gã khổng lồ công nghệ tài chính (fintech) của Trung Quốc, đã tạo ra mô hình ngôn ngữ AI của riêng mình cho các dịch vụ quản lý tài sản và bảo hiểm. Được công bố vào tháng 9, mô hình có thể được sử dụng để trả lời các câu hỏi của khách hàng và hỗ trợ các chuyên gia tài chính làm việc.

Còn đó những rào cản ở phía trước

Các mô hình AI tạo sinh vẫn còn lâu mới có thể thay thế hoàn toàn con người, ngay cả trong những nhiệm vụ đơn giản như trả lời cuộc gọi điện thoại. Theo giáo sư khoa học máy tính Xiao Yanghua thuộc Đại học Phúc Đán, để AI trở thành một công cụ hữu ích hơn trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc, trước tiên mô hình AI cần có khả năng xử lý các phương ngữ tiếng Hoa một cách khéo léo, sau đó mới chuyển hỗ trợ khách hàng.

Đồng tình quan điểm đó, Qian Bin, Phó Chủ tịch điều hành của Ngân hàng Truyền thông nói rằng, dữ liệu tiếng Hoa mà các mô hình AI có thể truy cập bị hạn chế hơn so với dữ liệu tiếng Anh và chất lượng có xu hướng không nhất quán. Dữ liệu tiếng Hoa chuyên ngành tài chính thậm chí còn khan hiếm hơn và quá ít để tạo ra các mô hình AI phục vụ trong lĩnh vực ngân hàng.

Việc thiếu kiến thức chuyên môn cũng có thể khiến các chatbot AI tạo sinh sáng tạo ra những cụm từ, kết quả đầu ra vô nghĩa hoặc không chính xác, đánh lừa mọi người. Hãng IBM của Mỹ gọi đây là "ảo giác AI". Hiện tượng sai lệch này không chỉ làm cho các mô hình ngôn ngữ kém tin cậy và khiến các ngân hàng lọt vào tầm ngắm của các cơ quan quản lý.

Ngân hàng Nhân Dân Trung Hoa (PBoC) và cơ quan quản lý tài chính quốc gia của Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ vấn đề ảo giác AI. Nhà chức trách đang đặt câu hỏi là liệu tỷ lệ ảo giác AI có giảm bớt hay không – một câu hỏi mà chưa ngân hàng nào có câu trả lời.

Về phần mình, các học giả và chuyên gia trong ngành cho rằng, để giúp các mô hình AI đưa ra câu trả lời chính xác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, các ngân hàng cần tạo hệ thống kiến thức toàn diện để huấn luyện các công cụ AI.

Sun Maosong, Phó Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo thuộc Đại học Thanh Hoa cho biết, các mô hình ngôn ngữ AI dành cho mục đích sử dụng thông thường sẽ không hiệu quả khi đưa vào hệ thống tài chính ngân hàng. Thay vào đó, nên tập hợp một đội ngũ nhân sự tài chính có năng lực để đào tạo các mô hình AI nhằm đáp ứng các nhu cầu cụ thể của ngành tài chính.

Đối với các cơ quan quản lý, bảo mật dữ liệu liên quan đến việc sử dụng AI trong ngân hàng sẽ đặt ra một “cảnh báo đỏ” khác. Hiệp hội Thanh toán và Thanh toán bù trừ Trung Quốc, một tổ chức tự quản lý do ngân hàng trung ương giám sát, hồi tháng 4 đã kêu gọi các thành viên “thận trọng” khi sử dụng ChatGPT và các chatbot tương tự vì cho rằng có thể có những rủi ro về bảo mật dữ liệu.

Theo Caixin Global 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới