Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng trước áp lực ‘đẩy’ vốn ra thị trường

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sức cầu thu hẹp là câu chuyện mà ngành ngân hàng khó có thể giải quyết một mình.  Ở trong trạng thái "sàng lọc" của thị trường, bản thân các nhà băng cũng cần tăng cường sức khỏe cho mình, để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu tín dụng bền vững hơn trong trung và dài hạn.

Không có nhu cầu vay vốn là thực trạng được các lãnh đạo ngân hàng nhắc đến trong sáu tháng đầu năm 2024. Ảnh: L.V.

Tín dụng vẫn tăng chậm

Tăng trưởng tín dụng ở mức thấp tiếp tục là vấn đề được đặt ra trong nửa đầu năm 2024, dù lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến tín dụng tính đến ngày 14-6 tăng 3,79%, trong khi mục tiêu cả năm là 15-16%.

Theo đánh giá của lãnh đạo NHNN tại Hội nghị trực tuyến toàn Ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng diễn ra cuối tuần trước, điểm tích cực là con số tăng trưởng đang cải thiện dần qua các tháng. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là dòng chảy tín dụng diễn ra không đồng đều, có địa phương tăng thấp, có tổ chức tín dụng tăng trưởng âm trong khi có đơn vị tăng trưởng cao hơn nhiều so với mặt bằng chung.

Trong đó, lý do được giải thích vì tổng thể sức cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ. Nhiều ngành sản xuất, dịch vụ là các động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn khó khăn.

Hầu hết các lãnh đạo nhà băng đánh giá lý do lớn nhất khiến tín dụng tăng chậm là vì nhu cầu trong nền kinh tế suy yếu, bao gồm cả nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp và cả nhu cầu tiêu dùng của người dân. “Khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng, điều mà MB và các ngân hàng kỳ vọng nhất là sức hấp thụ của nền kinh tế”, ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc Ngân hàng MB, bình luận tại sự kiện trên.

Chẳng hạn, ở mảng tín dụng bán lẻ của các ngân hàng, lĩnh vực được các ngân hàng cổ phần xác định là trọng tâm cho vay chính, đều bị ảnh hưởng vì nhu cầu vay mua bất động sản để ở, do kinh tế khó khăn và thu nhập người dân giảm. Tính đến hết tháng 6, MB ước tính tăng trưởng khoảng 6-6,5%, trong khi mục tiêu cả năm là 15,5%.

Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế khó khăn vẫn còn những điểm sáng, chẳng hạn như dòng tín dụng vẫn chảy mạnh vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp, trong bối cảnh sự chuyển dịch sản xuất và dòng vốn FDI vẫn diễn tiến tích cực.

Tại TPHCM, tín dụng tín đến cuối tháng 5 tăng 1,93% so với cuối năm, cải thiện so với hồi tháng 4. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM đánh giá, con số này tuy không cao nhưng duy trì tăng trưởng dương liên tục từ tháng 2 đến nay với xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước.

Còn về các gói tín dụng ưu đãi trên địa bàn, thống kê cho thấy có khoảng 60.955 khách hàng doanh nghiệp tiếp cận được các ưu đãi (về lãi suất, giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, cho vay mới với lãi suất thấp, cho vay lĩnh vực xuất khẩu, tăng hạn mức tín dụng…) với tổng dư nợ đạt trên 207.000 tỉ đồng, bằng 40,6% quy mô gói.

“Con số này cho thấy thực tế doanh nghiệp được hỗ trợ, dòng vốn có mục đích và địa điểm cụ thể, rõ ràng”, ông Lệnh đánh giá.

Nỗ lực cân bằng các tiêu chuẩn

Theo khảo sát của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC), có 156/215 ý kiến doanh nghiệp cho biết đã được ngân hàng hỗ trợ không có vướng mắc, 40 doanh nghiệp không có vay vốn ngân hàng và 14 doanh nghiệp đã được ngân hàng hỗ trợ, 5 doanh nghiệp không được ngân hàng hỗ trợ.

Các khó khăn chung vẫn là thời gian xét duyệt khoản vay, hạn mức, tỷ lệ cho vay, thủ tục hồ sơ và vay tín chấp. Theo ông Lệnh, trong 2 năm qua, ngành ngân hàng TPHCM đã tổng hợp hơn 1.000 trường hợp doanh nghiệp khó khăn về tiếp cận vốn, gửi sang các Sở ngành liên quan để hướng dẫn từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, đại diện NHNN chi nhánh TPHCM cũng nhiều lần nói thêm ngân hàng không thể cho vay dưới chuẩn và các gói hỗ trợ ràng buộc trách nhiệm của các tổ chức tín dụng và có cả người đi vay.

Ngành ngân hàng hiện cũng đang phải chạy đua với nhiều tiêu chuẩn khác trong lĩnh vực cho vay hay các giao dịch khác. Ảnh minh họa: DNCC

Từ phía nhà quản lý, việc điều hành lãi suất để kiểm soát lạm phát còn phải tính toán nhằm hỗ trợ tăng trưởng và tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Lãnh đạo NHNN cho biết, trong thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục các giải pháp như yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm chi phí; công khai các chương trình liên quan đến lãi suất (như lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói); đồng thời giám sát những ngân hàng đang cho vay cao và cả các đơn vị có dư nợ thấp.

Ở góc độ các nhà băng, bên cạnh việc sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, vấn đề là xử lý câu chuyện nội tại để tăng cường sức cạnh tranh, tăng khả năng đẩy vốn ra thị trường.

Chẳng hạn, ông Ánh của MB nhìn nhận, bên cạnh việc tiếp tục giảm chi phí, một vấn đề mà MB quan tâm nữa các thủ tục, phát triển các sản phẩm, quy trình theo các luật mới và chính sách mới vì các luật mới sẽ có tác động rất lớn đến khách hàng.

“Ngoài sức hấp thụ của nền kinh tế, bây giờ các ngân hàng đều có các giải pháp tổng hợp, không có giải pháp duy nhất nào để đảm bảo tăng trưởng tín dụng và hấp thụ thị trường”, ông Ánh bình luận.

Hiện nay, bên cạnh bài toán lãi suất đầu vào đang dần tăng lên ảnh hưởng đến khả năng cấp tín dụng, ngành ngân hàng còn gặp nhiều vấn đề khác. Nhiều dự báo về quá trình xử lý nợ xấu có thể kéo dài hơn dự kiến, dù điểm tích cực là NHNN đã gia hạn thời gian hiệu lực của Thông tư cơ cấu nợ. Hơn nữa, nhiều ngân hàng vừa và nhỏ vẫn còn đối diện với quy định liên quan đến an toàn vốn, như tỷ lệ huy động ngắn hạn và cho vay trung và dài hạn.

Ngành ngân hàng hiện cũng đang phải chạy đua với nhiều tiêu chuẩn khác trong lĩnh vực cho vay hay các giao dịch khác, bên cạnh việc nỗ lực tăng vốn. Nhìn ở góc độ tích cực, môi trường nhu cầu yếu cũng là cơ hội để “sàng lọc” các ngân hàng, buộc phải tăng cường nội lực cho mình thay vì chạy đua doanh số tín dụng.

1 BÌNH LUẬN

  1. Ngân hàng có hai chiêu thức truyền thống để tăng tín dụng. Một là giảm lãi suất. Hai là nới lỏng điều kiện vay vốn. Cách thứ nhất đã và đang làm có hiệu quả. Nhưng cách thứ hai thì chưa thể hoặc chưa dám. Thông điệp của NHNN luôn nhấn mạnh “Không được hạ chuẩn tín dụng”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới