Thứ Sáu, 27/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng và nỗ lực ‘tái thiết’ kiến trúc công nghệ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các ngân hàng Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong công nghệ, nhưng vẫn phải đối diện với nhu cầu “tái thiết” các nền tảng ngân hàng tương tác chủ chốt của mình để xây dựng kiến trúc ngân hàng xoay quanh khách hàng trong bối cảnh kỹ thuật số lên ngôi.

Ông Jouk Pleiter, Tổng Giám đốc điều hành kiêm Nhà sáng lập Backbase.

Động lực thay đổi và ứng dụng công nghệ nền tảng điều phối

Các ngân hàng Việt Nam đã có hành trình chuyển đổi công nghệ thành công đi cùng sự phát triển của mảng bán lẻ trong thời gian qua, nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều vấn đề, theo chia sẻ của các chuyên gia tại hội nghị ENGAGE Asia 2024 diễn ra tại TPHCM vào giữa tháng 9 vừa qua.

Đây là sự kiện thường niên của ngành do Backbase, hãng công nghệ cung cấp Nền tảng Ngân hàng Tương tác hàng đầu thế giới tổ chức với sự tham gia của nhiều Tổng giám đốc, Giám đốc Kỹ thuật số, Giám đốc Công nghệ, Giám đốc Vận hành, Giám đốc Bảo mật và các Trưởng phòng của nhiều ngân hàng trong toàn khu vực Châu Á.

Theo ông Jouk Pleiter, Tổng Giám đốc điều hành kiêm Nhà sáng lập Backbase, một vấn đề hiện nay là trong kiến trúc hệ thống cũ, có nhiều quy trình bán hàng không đồng nhất. Các ứng dụng của ngân hàng thường được xem như “ốc đảo”, tức đứng riêng lẻ và chưa kết nối trong khi xu hướng hiện nay là phát triển các nền tảng chung xoay quanh khách hàng.

Mặt khác, mô hình truyền thống sẽ “rất đắt” về chi phí dù vẫn mang lại lợi nhuận cho ngân hàng. Chẳng hạn như với khoản đầu tư cho công nghệ thông tin, có đến 80% là dùng để bảo trì các hệ thống cổ điển và không tạo ra giá trị gì thêm. Việc “tái thiết” kiến trúc vì thế có thể giúp các ngân hàng đạt hiệu quả chi phí ít nhất 2 lần, chưa tính đến lợi ích khác.

“Ngành ngân hàng cần phải tái thiết liên tục. Vấn đề nằm ở chỗ các chiến lược truyền thống thường không đủ để có một cách tiếp cận toàn diện nhằm tối đa hóa giá trị trọn đời của khách hàng, tối ưu hóa chi phí tổng sở hữu và tăng năng suất nhân viên. Đây cũng là điều mà Backbase đang cố gắng thay đổi trong ngành”, ông Jouk Pleiter nói.

Tại hội nghị thường niên ENGAGE Asia 2024, cũng có nhiều vấn đề được các diễn giả nêu lên. Chẳng hạn như thách thức về khả năng tích hợp với các hệ thống công nghệ và hệ thống lõi trong khi công nghệ liên tục thay đổi. Với khách hàng, thế hệ Millennials và Gen Z đặt ra bài toán các nhà quản lý tài sản và ngân hàng tư nhân, về việc đáp ứng kỳ vọng của họ về trải nghiệm kỹ thuật số trong khi vẫn tăng thị phần với tệp khách hàng hiện tại.

Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ

Ở Việt Nam, tin mừng là nhiều ngân hàng đạt được hiệu quả tốt trong quá trình chuyển đổi công nghệ vừa qua. Có nhiều ngân hàng báo cáo chỉ số ROE ở mức tương đối cao, cũng như nhiều ngân hàng trong đó đặt mục tiêu chuyển đổi số và thực hiện từ sớm.

Điển hình như Techcombank nằm trong nhóm đầu tiên khởi đầu trào lưu đầu tư công nghệ số ở giai đoạn 2017, tuy nhiên chủ yếu đội ngũ phát triển là nội bộ. Đến năm 2021, với nhu cầu mở rộng quy mô, Techcombank ra mắt nền tảng di động mới với giải pháp của Backbase. Số khách hàng hiện nay nhanh chóng tăng lên 13 triệu người dùng.

Các ngân hàng quy mô nhỏ cũng không chậm chân. Thống kê của Ngân hàng An Bình (ABBANK) cho thấy sau 3 tháng kể từ khi vận hành hệ thống mới chính thức, tính tới đầu tháng 9 thì toàn bộ khách hàng SMB đã chuyển sang hệ thống mới với Nền tảng ngân hàng tương tác của Backbase.

Ông Phạm Hà Duy, Giám đốc khối ngân hàng số và dữ liệu của ABBANK cho biết ngân hàng tập trung đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ trong hơn 2 năm qua. Bên cạnh việc xây dựng trên nền tảng Backbase, ngân hàng cũng đầu tư vào phát triển vào dữ liệu và con người, từ đó tạo ra sản phẩm, dịch vụ “gần như là mới hoàn toàn”.

Còn ông Lù Duy Nguyên, Phó giám đốc Khối bán lẻ, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Ngân hàng số của Ngân hàng OCB, kể từ khi vận hành hệ thống mới sau khi bắt tay với Backbase, toàn bộ khách hàng cũ đã chuyển sang dùng ứng dụng mới. Theo đó, tỷ lệ sử dụng của khách hàng đã tăng 20% và vẫn đang trong xu hướng tăng.

“Điều này nghĩa là khả năng sử dụng hệ thống mới tốt hơn và người dùng tham gia nhiều hơn. Quan trọng nhất là trải nghiệm mượt mà tránh lỗi, vì hệ thống mới có thể có lỗi phát sinh”, ông Nguyên nói.

Cũng nhờ khả năng tích hợp nhanh, tại ENGAGE Asia 2024, OCB được vinh danh với giải thưởng “Xuất sắc về Triển khai Nền tảng và Ứng dụng nhanh nhất”. Tương tự, ngân hàng ABBANK vinh danh với giải thưởng “ Xuất sắc về Tối ưu hóa Trải nghiệm Khách hàng”, và Techcombank nhận giải thưởng “ Xuất sắc Đổi mới Ngân hàng Nhân văn”.

Ông Mukesh Pilania, Phó Chủ tịch điều hành – Giám đốc Bộ phận Ngân hàng Số & Trưởng nhóm Thanh toán Bán lẻ tại Techcombank  cho biết: “giải thưởng này là kết quả của sự nỗ lực “nhân cách hóa” sự giao tiếp giữa ngân hàng và khách hàng, làm cho ứng dụng di động có “cảm giác người” hơn, như buổi trò chuyện giữa con người với nhau. Chúng tôi tập trung vào trải nghiệm cá nhân hóa của người dùng. Dựa vào công nghệ và dữ liệu để biết khách hàng thích và không thích gì, từ đó đưa ra sản phẩm phù hợp”.

Theo ông Riddi Dutta, Phó Chủ tịch Khu vực Châu Á của Backbase, nhu cầu chuyển đổi số của ngân hàng ở giai đoạn đầu là làm thế nào để lượng giao dịch đảm bảo, an toàn và không lỗi. Tiếp theo sau đó là khả năng thiết kế thêm các tính năng mới dựa trên hệ thống, dựa trên nghiệp vụ ngành và kinh nghiệm riêng của các ngân hàng. Chẳng hạn trường hợp của Techcombank hay TPBank, ngày nay họ có thể trung bình mất 2-3 tuần là có thể đưa ra tính năng mới, thay vì phải bình quân 6 tháng khi sử dụng kiến trúc truyền thống.

“Điều này nghĩa là các ngân hàng có thể vận hành với hiệu suất cao hơn với quy mô lớn, có khả năng co giãn theo lưu lượng khách hàng. Từ đó có thể đưa sản phẩm rất nhanh, đúng và cần thiết ra thị trường”, ông Dutta nói.

Backbase tiếp tục hành trình đầu tư công nghệ với Châu Á là khu vực trọng điểm. Backbase mới đây công bố thành lập Trung tâm Xuất sắc (COE) toàn cầu đầu tiên tại TPHCM, giữ vai trò là trung tâm phát triển các giải pháp ngân hàng AI của Backbase trên toàn thế giới.

Theo nhà sáng lập Backbase, Việt Nam có nhiều tài năng, hiểu biết và yêu mến công nghệ, trong khi có nhiều ngân hàng có tư duy tiến về phía trước rất rõ ràng. “Với tốc độ phát triển công nghệ số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, trung tâm tại Việt Nam được kỳ vọng cùng với các tài năng công nghệ, thúc đẩy các ngân hàng tiến về thế hệ tiếp theo mà ở đó các ngân hàng sẽ vận hành như các nền tảng thực sự”, ông Jouk Pleiter nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới