Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng vẫn chờ ngày lên sàn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngân hàng vẫn chờ ngày lên sàn

Thủy Triều

MB dự kiến sẽ niêm yết trong năm 2011. Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG Online) – Mặc dù kế hoạch niêm yết không thành công trong năm 2010 nhưng nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục xin ý kiến cổ đông để có thể niêm yết trong năm nay khi điều kiện thị trường thuận lợi.

Kẻ nấn ná, người quyết tâm

Đã chuẩn bị các hồ sơ theo quy định như sửa đổi điều lệ, ban hành quy chế quản trị ngân hàng… để được niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán TPHCM trong năm 2010, nhưng Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB) buộc lòng phải hoãn kế hoạch lại do thị trường chứng khoán năm 2010 gặp nhiều khó khăn và không ổn định. Trong quí 4 năm 2010, nhiều cổ phiếu ngân hàng có thị giá đã quay về bằng mệnh giá.

Giải thích việc hoãn niêm yết, HĐQT Ngân hàng Đông Á cho biết nếu thực hiện niêm yết trong thời điểm giá thị trường quá thấp sẽ ảnh hưởng đến giá trị cổ phiếu DAB, mặt khác khi đó cổ đông nước ngoài sẽ tự do mua bán trực tiếp trên sàn giao dịch trong giới hạn cho phép khi mà DAB chưa bán cho đối tác nước ngoài và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cổ đông hiện hữu.

DAB vẫn xin phép cổ đông thông qua chủ trương niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm nay nhưng niêm yết hay không sẽ còn phụ thuộc nhiều vào sự chuyển biến của thị trường chứng khoán. Điều này sẽ do HĐQT của ngân hàng quyết định.

Cũng bỏ lỡ việc niêm yết trong năm 2010, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) quyết tâm sẽ phải lên sàn chứng khoán trong năm nay. Ngày 27-4, MB đã nhận được văn bản chấp thuận niêm yết của Sở giao dịch chứng khoán TPHCM. Theo ông Lê Văn Bé, Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng, thì nhanh nhất là 45 ngày và chậm nhất là 75 ngày ngân hàng này sẽ thực hiện việc niêm yết trên sàn TPHCM.

Ông Lê Công, Tổng giám đốc của MB, nói hiện ban lãnh đạo của MB đã giao cho Công ty chứng khoán Thăng Long thực hiện tư vấn niêm yết, thời gian tới sẽ tổ chức các buổi giới thiệu cổ phiếu ngân hàng đến nhà đầu tư, nếu nhanh chóng thì chỉ trong quí 2 có thể thực hiện niêm yết.

Ông Công nói thêm “Về vấn đề cổ đông chiến lược nước ngoài, chúng tôi xác định con đường riêng của mình và không nhất thiết phải có yếu tố đó để tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu. Ngược lại, do “room” (khối lượng cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài được mua) tại MB còn lớn cũng chính là một yếu tố để tạo hấp dẫn đối với khối nhà đầu tư này, tạo thêm sôi động và tính thanh khoản cho cổ phiếu của ngân hàng khi niêm yết”.

Trong năm nay, MB dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ từ 7.300 tỉ lên 10.000 tỉ đồng với phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu và cổ đông chiến lược, đồng thời đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế là 2.900 tỉ đồng. Hiện giá bán cho cổ đông hiện hữu vẫn chưa được công bố nhưng HĐQT ngân hàng cho biết giá bán cho cổ đông chiến lược sẽ được cân nhắc, thực hiện sau khi niêm yết cổ phiếu MB trên sàn. Từ mức giá giao dịch trên sàn, ban lãnh đạo ngân hàng sẽ cân nhắc tỷ lệ thích hợp chiết khấu để có giá bán cho cổ đông chiến lược đảm bảo lợi ích của ngân hàng và các cổ đông hiện hữu.

Mặc dù thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn không tốt nhưng Ngân hàng Techcombank vẫn cho rằng niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán là một trong ba vấn đề lớn nhằm thực hiện chiến lược phát triển của mình trong năm 2011, bên cạnh mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận và tổng tài sản.

Tính đến những yếu tố đường dài, Techcombank cho rằng việc niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ nâng cao uy tín, thương hiệu của Techcombank trong và ngoài nước, nâng cao tính thanh khoản của cổ phiếu và gia tăng giá trị lợi ích cho cổ đông, thiết lập cơ chế, kênh thông tin báo cáo cập nhập, minh bạch trên thị trường.

Cổ phiếu ngân hàng chờ thời

Từng một thời được mệnh danh là cổ phiếu vua trong những năm 2007-2008, cổ phiếu ngân hàng hiện nay đã không còn giữ được vị thế trên của mình khi hoạt động ngân hàng ngày càng khó khăn do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính toàn cầu và ngành này cũng không nằm ngoài xu thế khó khăn chung của nền kinh tế.

Theo báo cáo cuối tháng 3 của Công ty quản lý quỹ Việt Nam (VAM), chỉ số giá trên thu nhập (P/E) của cổ phiếu các ngân hàng niêm yết trên hai sàn chứng khoán trong năm 2011 dự ước là 10,9 lần, cao hơn P/E của cả thị trường dự ước là 9,6 lần và cao hơn so với hầu hết các ngành khác trừ bất động sản và vận tải.

Theo báo cáo về thị trường chứng khoán năm 2011 của Công ty chứng khoán Rồng Việt, năm 2010, thị trường chứng khoán niêm yết có thêm sự tham gia của 2 ngân hàng thương mại cổ phần là Navibank (NVB) và Habubank (HBB). Hai ngân hàng mới này hiện đang giao dịch với giá dưới mệnh giá.

Hiện tại, 7 cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên cả 2 sàn chiếm khoảng 20% tổng giá trị vốn hóa thị trường. Kết thúc năm 2010, lợi nhuận sau thuế bình quân của các ngân hàng niêm yết được ghi nhận tăng khoảng 23%, trong đó EIB là ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất 61%, ACB và VCB tăng trưởng thấp nhất lần lượt là 6%, 7%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng lợi nhuận này lại thấp hơn mức tăng vốn chủ sở hữu trung bình hơn 26% và tổng tài sản tăng khoảng 40% so với năm 2009 của các ngân hàng.

Rồng Việt dự báo lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2011 sẽ chỉ tăng trưởng ở mức trung bình do ảnh hưởng của các chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát. Do tăng trưởng tín dụng bị khống chế dưới 20% trong năm nay nên những ngân hàng có nền tảng hoạt động dịch vụ tốt sẽ có thế mạnh trong năm 2011. Rồng Việt nhận xét “Cổ phiếu ngân hàng trong ngắn hạn chưa thấy nhiều khả quan và sẽ khó hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân, nếu không có bất kỳ thông tin hỗ trợ nào”.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc MB, ông Lê Công cho rằng mặc dù bối cảnh niêm yết là một yếu tố quan trọng để cân nhắc, nhưng niêm yết cổ phiếu vẫn là quá trình không thể đảo ngược, khi gắn với yêu cầu minh bạch hóa, khẳng định giá trị và chiến lược phát triển lâu dài của doanh nghiệp, cũng như tăng thêm tính thanh khoản cho cổ đông.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới