Ngân hàng Việt Nam sẽ sớm phục hồi vào năm 2021
Dũng Nguyễn
Chất lượng tài sản ngành ngân hàng nói chung đều bị ảnh hưởng đáng kể bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng sức phục hồi như thế nào sẽ phụ thuộc đáng kể vào danh mục dư nợ và cấu trúc bảng cân đối tài sản trong hiện tại ở mỗi nhà bang, theo đánh giá mới nhất từ tổ chức JP Morgan.
Có thể thấy Covid-19 đang ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp, người dân trong nền kinh tế. Tinh thần của các ngân hàng là hỗ trợ tối đa cho khách hàng, vì khách hàng phục hồi thì ngân hàng mới phát triển được. Ngành ngân hàng, tiêu biểu như Vietcombank, Vietinbank, Techcombank..., đã chủ động quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc công bố các gói hỗ trợ tín dụng nhằm: đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; áp dụng các biện pháp giãn nợ, gia hạn nợ hoặc giảm lãi suất để hỗ trợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19.
Hàng loạt các gói cam kết hỗ trợ được tung ra từ chính nội lực của các ngân hàng. Tuy nhiên, chính bản thân các ngân hàng cũng là đối tượng “nặng gánh nợ” vì ảnh hưởng gián tiếp bởi dịch bệnh. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 0,06%, giảm mạnh so với mức tăng 1% của cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất cùng kỳ trong 6 năm trở lại đây. Còn số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 20-3-2020, tín dụng của nền kinh tế tăng 0,68% (cùng kỳ năm trước tăng 1,9%).
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s mới đây đã đưa ra đánh giá triển vọng tiêu cực đối với hệ thống ngân hàng của các nước trong khu vực, bao gồm Việt Nam. Theo đó, những gián đoạn kinh tế và thị trường sẽ ảnh hưởng lên hệ thống ngân hàng, bao gồm nợ xấu tăng và lợi nhuận giảm. Trong khi đó, Fitch’s thì đặt dấu hỏi về chất lượng tài sản của các khoản nợ vay tiêu dùng sẽ ảnh hưởng đáng kể khi thu nhập người dân bị giảm xuống.
Một báo cáo của JP Morgan (ngân hàng đầu tư của Mỹ) vào đầu tháng 4-2020 cho thấy những dự báo mới có phần gay gắt hơn, khi lợi nhuận trước thuế của nhiều nhà băng trong năm nay giảm đáng kể. Tuy nhiên, JP Morgan cũng đưa ra dự báo ngành ngân hàng sẽ sớm phục hồi vào năm 2021 với lợi nhuận tăng trở lại. Trước đó, một số nhà băng Việt cũng đặt kỳ vọng tình hình dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát vào tháng 6 năm nay, và quãng thời gian nửa năm còn lại là để nền kinh tế và ngân hàng tăng tốc, giảm tối đa sự ảnh hưởng của dịch bệnh.
Trên thực tế, ảnh hưởng của Covid-19 lên toàn bộ nhà băng đã có thể thấy rõ, nhưng tác động không đồng nhất vì mỗi nhà băng có danh mục và cấu trúc tài sản khác nhau, có ngân hàng chọn cách tập trung cho vay khách hàng doanh nghiệp, nhưng cũng có ngân hàng tập trung bán lẻ, cung cấp các dịch vụ. Vì vậy, việc phục hồi nhanh như thế nào không chỉ phụ thuộc vào những thay đổi chung của thị trường, mà còn phụ thuộc vào yếu tố nội tại, chiến lược tăng trưởng trong quá khứ của từng nhà băng.
Đánh giá của bộ phận nghiên cứu cổ phiếu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của JP Morgan đưa ra trường hợp ví dụ của Techcombank, ngân hàng hiếm hoi trong khu vực có khả năng “tạo ra được tiền” trên cả 2 phía của bảng cân đối tài sản, cho phép mang lại lợi nhuận trong dài hạn. Thực tế trong nhiều năm qua, Techcombank đi theo con đường riêng của mình với danh mục đặc biệt. Đầu tiên là chiến lược tài trợ theo hệ sinh thái (bao gồm cả doanh nghiệp và cá nhân trong cùng một chuỗi, như mua nhà để ở chẳng hạn) trên 6 lĩnh vực kinh tế (chiếm khoảng 48% GDP, với tốc độ tăng trưởng hơn gấp đôi mức tăng trưởng GDP, gần 16%). Nhờ đó, Techcombank đáp ứng các nhu cầu của người dùng từ dài hạn như mua nhà để ở, ô tô để đi, cho đến những nhu cầu hàng ngày như mua sắm, thanh toán dịch vụ hay du lịch.
Theo ông Phạm Quang Thắng - Phó Tổng Giám đốc Techcombank, thì ngành ngân hàng luôn được ví như huyết mạch của nền kinh tế, vì vậy khi các ngành kinh tế bị ảnh hưởng thì ngành ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng là điều tất yếu.
“Song xét trên đặc điểm và mô hình kinh doanh, do mỗi ngân hàng có cơ cấu khách hàng, năng lực quản trị và mức độ ứng dụng công nghệ khác nhau nên cũng có mức độ ảnh hưởng khác nhau. Về phía Techcombank, với chiến lược lấy khách hàng làm trọng tâm trên nền tảng am hiểu khách hàng, tập trung phát triển ngân hàng trên nền tảng số và xây dựng nền tảng quản trị rủi và nhân sự xuất sắc, nền tảng tài chính mạnh… là cơ sở để Techcombank đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn, giảm thiểu các tác động của đại dịch”, ông Quang Thắng chia sẻ.
Đây là một dẫn chứng điển hình, để lý giải vì sao ngành ngân hàng Việt Nam nói chung vẫn được đánh giá cao đối với các nhà đầu tư ngoại. Dù lợi nhuận có giảm nhưng tỷ suất lợi nhuận vẫn duy trì ở mức cao trong khu vực ASEAN, tiềm năng tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế và khả năng nâng trần sở hữu khối ngoại là những điểm hấp dẫn, theo JP Morgan.
Mời xem thêm:
Techcombank thu xếp thành công khoản tín dụng 1.200 tỉ đồng cho MNS Meat Sài Gòn