Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ngăn ngừa hối lộ bằng ISO 37001

Đặng Đình Cung (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Làm ăn ở một nước có nạn tham nhũng hoành hành thì doanh nghiệp thường phải đưa hối lộ cho những người được trao quyền hành xem xét giải quyết vấn đề của doanh nghiệp. Tình trạng này làm cho cả hai bên, doanh nghiệp cũng như nhà nước bị thiệt hại. Ngân hàng Thế giới ước tính các doanh nghiệp trên toàn thế giới đã thiệt hại tổng cộng hơn 1.000 tỉ đô la Mỹ tiền chi cho hối lộ mỗi năm.

Cropped shot of two businessmen shaking hands while money passes hands under a table

Doanh nghiệp phải tính tiền hối lộ vào giá thành và có thể phải bỏ ý định đầu tư hoặc kinh doanh nếu vì đó mà tỷ số lợi nhuận giảm tới mức không thể chấp nhận được. Ngay cả khi họ vẫn tiếp tục kinh doanh thì người tiêu dùng vẫn bị thiệt vì phải mua sản phẩm hay dịch vụ với một giá cao hơn.

Để hạn chế tình trạng cạnh tranh “cả hai bên cùng bị thiệt” này, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Liên minh châu Âu,... có công ước buộc doanh nghiệp các nước thành viên không cạnh tranh lẫn nhau bằng hối lộ và việc đưa hối lộ trong các thương vụ xuyên quốc gia sẽ bị truy cứu hình sự. Mỗi quốc gia cũng có luật riêng về phòng, chống tham nhũng. Việt Nam cũng có Luật Phòng, chống tham nhũng bao gồm tội đòi, đưa và nhận hối lộ.

Để thi hành những công ước đó thì phải có một cơ chế quản lý. Nhằm giúp các tổ chức thiết lập được cơ chế quản lý này, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đã công bố tiêu chuẩn ISO 37001:2016 về hệ thống quản lý chống hối lộ. Ngoài ra, ISO cũng phân phát miễn phí một cuốn sách nhỏ nhan đề “ISO 37001 Anti bribery Management Systems” (ISO 37001 Hệ thống quản lý chống hối lộ) và một cuốn hướng dẫn đầy đủ hơn về thực hành có nhan đề “ISO 37001:2016 Anti bribery Management Systems - A Practical Guide” (Hướng dẫn thực hành Tiêu chuẩn ISO 37001:2016 về các hệ thống quản lý chống hối lộ).

Trả lời cầu hỏi của cử tri tại Đà Nẵng vào 23-11 về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, ông Võ Văn Thưởng, ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư, đại biểu Quốc hội, cho biết đang hướng tới xây dựng cơ chế để cán bộ không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng. ISO 37001 là một trong những công cụ tốt để hình thành nên cơ chế đó.

ISO 37001: 2016 xác định các yêu cầu về hệ thống quản lý và đưa ra các khuyến nghị để thiết lập, thực hiện, cập nhật, xem xét và cải tiến hệ thống quản lý chống hối lộ. Hệ thống có thể hoạt động độc lập hoặc tích hợp vào hệ thống quản lý khác của tổ chức như là hệ thống QSE (chất lượng, an toàn và môi trường).

Tiêu chuẩn ISO 37001 giới hạn ở việc phòng, chống hối lộ và không phải là một cơ sở để xin chứng chỉ. Tuy nhiên, ISO cũng nói rằng các tổ chức vẫn có thể dùng tiêu chuẩn làm khung để triển khai một sổ tay phòng chống tham nhũng bao gồm tất cả các dạng tham nhũng khác.

Ngoài ra, các tổ chức cũng có thể nhờ một cơ quan kiểm tra độc lập rà xét để cấp chứng nhận sổ tay phòng chống tham nhũng thích nghi với tiêu chuẩn và kiểm tra thi hành sổ tay đó như cách làm với các sổ tay theo tiêu chuẩn ISO 9001 và ISO 14001. Độc lập có nghĩa là không tùy thuộc ai, chỉ kiểm tra dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và những bằng chứng cụ thể. Ở nước ta có nhiều hãng kiểm định quốc tế APAVE, TÜV Rheinland, Loydd’s Register,...

Các yêu cầu của ISO 37001 là chung chung và nhằm áp dụng cho tất cả các tổ chức (hoặc các bộ phận của tổ chức), bất kể loại hình, quy mô và tính chất của hoạt động cũng như lĩnh vực công, tư hay phi lợi nhuận. Điều này bao gồm các doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức lớn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tổ chức phi chính phủ.

Tiêu chuẩn bao gồm các khía cạnh liên quan đến hoạt động của tổ chức, gồm: Tham nhũng trong khu vực công, tư và phi lợi nhuận; tham nhũng của tổ chức; tham nhũng bởi nhân viên của tổ chức, thay mặt tổ chức hoặc vì lợi ích của tổ chức; tham nhũng bởi các đối tác kinh doanh của tổ chức, thay mặt cho tổ chức hoặc vì lợi ích của tổ chức; suy thoái của tổ chức; tham nhũng của nhân sự của tổ chức trong quá trình hoạt động của tổ chức; tham nhũng của các đối tác kinh doanh của tổ chức trong quá trình tổ chức hoạt động; tham nhũng trực tiếp và gián tiếp (ví dụ như hối lộ được một bên thứ ba đưa ra hoặc nhận).

Tiêu chuẩn xác định các yêu cầu và đưa ra khuyến nghị giúp các tổ chức thuộc mọi loại hình phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vấn đề tham nhũng. Để làm được điều này thì lãnh đạo tổ chức phải thông qua chính sách chống tham nhũng, chỉ định một người chịu trách nhiệm giám sát việc tuân thủ các biện pháp chống tham nhũng, phát triển đào tạo, đánh giá rủi ro và thực hiện nghĩa vụ cảnh giác liên quan đến các dự án và các phần liên quan đến các hoạt động. Lãnh đạo cũng thiết lập các kiểm soát tài chính và thương mại và thiết lập các thủ tục báo cáo và điều tra.

Tiêu chuẩn tương tự như những tiêu chuẩn quản lý hệ thống ISO 9001 về chất lượng, ISO 14001 về môi trường và ISO 45001 về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Mỗi tổ chức phải có một sổ tay phòng chống hối lộ (Anti Bribery Manual) viết theo phương cách của các tiêu chuẩn đó và phải thường xuyên kiểm tra việc thi hành sổ tay này.

Chứng nhận ISO 37001 hỗ trợ các nỗ lực của hệ thống quản lý chống tham nhũng của tổ chức bằng cách xác minh rằng: Các yêu cầu của tiêu chuẩn đều có giải đáp; các biện pháp kiểm soát cần thiết được áp dụng trong tổ chức từ trên xuống dưới, từ tổ chức mẹ đến tổ chức con; tổ chức có các thủ tục đầy đủ và tương xứng để chủ động ngăn chặn tham nhũng; tổ chức tuân thủ luật về phòng, chống tham nhũng của nước sở tại và các công ước quốc tế,

Cũng như với các chứng nhận ISO 9001 và ISO 14001, tổ chức có chứng nhận ISO 37001 sẽ nhận được sự tin cậy của chính phủ và các đối tác kinh doanh trong vấn đề phòng, chống tham nhũng.

Mặc dù chứng nhận ISO 37001 không thể đảm bảo rằng tham nhũng sẽ không xảy ra, nhưng nó xác minh rằng tổ chức có một hệ thống quản lý có cấu trúc để ngăn chặn những tình huống đó.

Trả lời cầu hỏi của cử tri tại Đà Nẵng vào ngày 23-11 về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư, Đại biểu Quốc hội, cho biết đang hướng tới xây dựng cơ chế để cán bộ không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng. ISO 37001 là một trong những công cụ tốt để hình thành nên cơ chế đó.

(*) Kỹ sư tư vấn

2 BÌNH LUẬN

  1. Không có ISO nào có thể thay thế được sự đàng hoàng của con người. Mọi thành tựu đều bắt nguồn từ chất lượng đội ngũ : Công bộc/ Công dân. Công bộc phải thanh liêm, chính trực, mẫu mực và thành thạo kỹ năng nghề nghiệp. Công dân luôn hành xử đúng đắn theo quy định luật pháp, văn hóa và đạo đức xã hội. Nói khác đi, trước khi xây dựng công cụ ISO thì trước hết phải hoàn thành việc xây dựng CCSS (Civil -Civil Servant – Standard : Tiêu chuẩn công bộc và công dân).

  2. Bài viết sai khá nhiều kiến thức chuyên môn ví dụ các tiêu chuẩn như ISO 9001, ISO 14001… không yêu cầu phải có cuốn sổ tay; tổ chức TÜV Rheinland, Loydd’s Register… là tổ chức chứng nhận; chỉ định một người chịu trách nhiệm giám sát việc tuân thủ các biện pháp chống tham nhũng là nội dung sai trừ phi tổ chức rất nhỏ – ngoài ra không ai chỉ định chỉ 1 người chịu trách nhiệm giám sát… SO cũng phân phát miễn phí… cái này chưa có

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới