(KTSG Online) - Cuối tuần qua, báo cáo của Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TPHCM cho biết, trong năm 2021 chỉ thu được 2 tỉ đồng tiền phí đậu xe ô tô trong khi chi phí vận hành của bộ máy dịch vụ này là 10 tỉ đồng. Đâu là những yếu tố gây thất thu cho loại hình dịch vụ được kỳ vọng mang lại doanh thu cao này?
Theo các con số trên, tính ra ngân sách TPHCM phải bù lỗ gần 8 tỉ đồng cho hoạt động thu phí đậu ô tô dưới lòng đường trong năm 2021!
Để đạt doanh thu “hoà vốn” là 10 tỉ đồng, tính theo mức thu 25.000 đồng/lượt hiện nay thì cần 400.000 lượt thu phí. Với 20 tuyến đường được Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TPHCM (Công ty TNXP) quản lý thu phí thì mỗi tuyến đường phải thu 20.000 lượt/năm hay 55 lượt thu phí/ngày.
Như vậy, với doanh thu chỉ 2 tỉ đồng/năm thì số lượt thu bình quân chỉ đạt 11 lượt thu phí/ngày/tuyến đường.
Nhìn vào con số này sẽ thấy không hợp lý giữa doanh thu với nhu cầu đậu xe trên thực tế vì ở một số tuyến đường đông đúc, mỗi ngày phải có hàng trăm lượt đậu xe.
Có thể điểm qua các yếu tố gây ảnh hưởng đến việc thu phí của Công ty TNXP. Đầu tiên là chi phí thuê phần mềm quản lý thu phí (My Parking) quá cao, lên đến gần 2,2 tỉ đồng/năm. Người viết bài này đã trải nghiệm dịch vụ trả tiền phí đậu xe bằng phần mềm My Parking thông qua app cài trên điện thoại. Có thể nói thẳng, mức giá thuê 2,2 tỉ đồng là quá cao đối với một phần mềm tính năng đơn giản như vậy và theo báo Tuổi Trẻ thì còn có tình trạng “hoạt động chưa ổn định, còn xuất hiện nhiều lỗi trong quá trình giao dịch thanh toán”.
Ngoài việc giá thuê bất hợp lý, My Parking còn có hai điểm vô lý khác gây phiền toái cho giới tài xế, đặc biệt là đối với các xe vãng lai từ các tỉnh khác đến TPHCM.
Đầu tiên là việc bắt buộc phải cài app My Parking để trả phí đậu xe mà không có sự lựa chọn khác, chẳng hạn như trả bằng tiền mặt. Kế tiếp là phải có tài khoản thanh toán online qua các ví điện tử Momo, ZaloPay hay thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng. Chính việc quy định cứng nhắc như vậy nên nhiều tài xế muốn trả phí đậu xe cũng không được vì họ không có tài khoản ví điện tử, internet banking, thậm chí một số bác tài chỉ xài điện thoại thông thường thì làm sao cài app.
Đó là chưa kể về mặt tâm lý, không phải ai cũng an tâm để cài một app và phải liên kết tài khoản ví điện tử, thẻ ngân hàng chỉ để thanh toán 25.000 đồng tiền phí đậu xe.
Trong khi đó, cách thanh toán đơn giản cho người sử dụng thì lại không được chọn: tại mỗi điểm đậu xe có QR code của các ví điện tử, cổng thanh toán ngân hàng. Người đậu xe quét mã là tiền sẽ chạy về tài khoản công ty như cách chúng ta vẫn trả tiền ly cà phê hay gói bánh mua ở tiệm tạp hoá.
Trường hợp tài xế trả tiền mặt cũng rất đơn giản để xử lý. Khi đó nhân viên thu phí nhận tiền mặt rồi quét QR code để trả tiền từ ví điện tử của họ.
Cách làm này còn giúp Công ty TNXP tiết kiệm 2,2 tỉ đồng tiền thuê phần mềm quản lý thu phí My Parking mỗi năm như hiện nay.
Câu hỏi cuối cùng về chống gian lận, đề phòng trường hợp nhân viên thu tiền mặt rồi bỏ túi riêng không nộp cho công ty cũng không khó giải quyết. Giải pháp là bố trí camera có chức năng đọc bảng số xe - hiện đã rất phổ biến - để hậu kiểm. Khi biết xe ra vào điểm đậu được ghi lại thông tin gồm bảng số xe, ngày giờ vào và ngày giờ ra thì không nhân viên nào dám tư túi cả.
Tuy nhiên điểm gây thất thu lớn nhất hiện nay là tình trạng chiếm dụng lòng đường của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh không được xử lý. Thử đi ngang một số đường như Lê Hồng Phong, An Dương Vương, Thủ Khoa Huân, Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế… sẽ thấy, người dân kinh doanh cửa hàng, buôn bán xem lòng đường trước mặt họ là của riêng.
Ở đường Lê Hồng Phong, cách trụ sở Thanh tra giao thông TPHCM chừng 500 mét có một cơ sở đóng thùng xe tải đã đậu xe chiếm hết các vị trí đậu xe dưới đường để thi công thùng xe từ nhiều năm qua. Tương tự, tại khu bán phụ tùng xe hơi ở đường An Dương Vương, xe đến gắn phụ tùng được đậu miễn phí khi thợ thi công dù đây là khu vực đậu xe có thu phí. Mọi việc đều diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật và kéo dài nhiều năm nay. Đó là những điểm nóng gây thất thu phí đậu xe cần giải quyết.
Với cách quản lý giơ cao đánh khẽ, làm theo chiến dịch như hiện nay thì tình trạng chiếm lòng đường làm của riêng còn tiếp tục kéo dài và ngân sách tiếp tục bị thất thu.
Đã đến lúc cần thay đổi mô hình quản lý thu phí xe ô tô để tiền phải vào ngân sách thành phố, phục vụ phúc lợi người dân. Không thể tiếp tục để “lòng đường là chùm khế ngọt” chỉ cho riêng một vài người như hiện nay.
Kiểu làm chơi, ăn thiệt này quá lạc hậu rồi. Không hiểu sao vẫn có thể tồn tại được ? Nhìn sang Grab/ Uber… hệ thống vận chuyển với hàng triệu người và phương tiện tham gia, trên phạm vi toàn cầu, gần như chỉ cần một hệ thống phần mềm quản lý từ A-Z là đầy đủ mọi chức năng. Thực ra, không phải các nhà quản lý của ta không hiểu biết. Vấn đề là không chịu làm mà thôi. Không có gì lạ.
Đồng ý với tác giả. Đường Trương Định buổi chiều cao điểm đi làm về, đường có 3 làn mà xe đậu hết 1 làn, còn lại chen chúc nhau đi trên 2 làn mà chẳng thấy cảnh sát giao thông nào phạt dù là đường cấm đậu xe. Nhìn vô mấy xe đang đậu, chủ xe thì ngồi nghe nhạc xem điện thoại, không biết bên ngoài người đi xe máy đang khổ sở nhích từng cm.