(KTSG) - Quy định về chống phá rừng của EU như một chiếc kíp nổ đang chờ châm ngòi đặt trước ngành cà phê của Việt Nam.
- Cà phê Việt của vua hồ tiêu có mặt tại các thị trường khó tính
- Giá gạo, cà phê tăng nhưng kim ngạch xuất khẩu nông sản giảm
Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua luật thương mại quốc tế liên quan quy định về chống phá rừng (EUDR) vào ngày 19-4-2023. Theo quy định này, toàn bộ các nông sản chỉ được nhập khẩu vào EU nếu toàn bộ quy trình sản xuất không diễn ra trên diện tích rừng bị chặt phá kể từ sau ngày 31-12-2020.
Vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp Việt khi đứng trước quy định này là số hóa dữ liệu và chứng minh nguồn gốc. Các công ty muốn bán cà phê vào thị trường EU cần thu thập tọa độ định vị của trang trại sản xuất cà phê để đảm bảo không lấy cà phê từ nguồn có rừng bị phá hoặc suy thoái. Ngoài ra các doanh nghiệp còn cần báo cáo các loại dữ liệu khác như số lượng nhà sản xuất trên mỗi lô, số lượng và chất lượng của hạt cà phê và đưa ra các dự báo năng suất. Nếu muốn duy trì mức xuất khẩu cà phê vào thị trường châu Âu như hiện nay và tiếp tục tăng trưởng, chúng ta cần rất nhiều nỗ lực.
Việc chung tay giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người trồng cà phê để chuẩn hóa cơ sở dữ liệu là cực kỳ quan trọng. Còn hơn một năm tính đến thời điểm EUDR có hiệu lực, chúng ta hoàn toàn có đủ thời gian để nhìn lại, thay đổi và chuyển đổi số, tạo cơ sở dữ liệu để truy xuất nguồn gốc sản phẩm cà phê trước khi quy định mới chính thức thi hành.
Cần nhìn nhận tích cực rằng quy định mới của EU là cơ hội tốt để Việt Nam gia tăng thị phần cho ngành cà phê. Thị trường EU và quốc tế đang có xu hướng tập trung nhiều hơn vào vấn đề môi trường, lao động. Doanh nghiệp Việt cũng đã nắm bắt được xu thế này từ cách đây vài năm và có điều chỉnh thích hợp.
Hiện nay người trồng cà phê ở Lâm Đồng đã áp dụng trồng cà phê hữu cơ trên diện rộng. Đồng thời thực hiện những “cuộc cách mạng” trên hàng ngàn héc ta cà phê khi thực hiện tái canh với nguồn giống chất lượng cao. Nông dân Gia Lai cũng thực hiện thí điểm phát triển cà phê bền vững bằng đề án cà phê cảnh quan, hướng tới phát triển cà phê đặc sản để nâng tầm cà phê và làm điểm tựa phát triển thương hiệu. Những thay đổi trên dù chỉ chiếm 1-2% tổng diện tích cà phê của Việt Nam nhưng đã cho thấy những điểm sáng tư duy và khởi sắc trên con đường phát triển nông nghiệp xanh của nước ta.
Cải tổ từ gốc là cách duy nhất để nông nghiệp Việt Nam thay đổi ấn tượng trên thị trường quốc tế. Tự siết chặt nguồn gốc và chất lượng sản phẩm sẽ giúp cà phê Việt tăng giá trị thực tế. Luật chống phá rừng của EU là cơ hội để người dân và doanh nghiệp Việt tái cấu trúc hoặc điều chỉnh để thích ứng với quy định mới và phát triển bền vững. Ngành cà phê sẽ cần chú tâm hơn nữa trong việc chuyển đổi xanh. EU chỉ là một thị trường của cà phê Việt Nam, nhưng quy định EUDR với mục tiêu bảo vệ rừng nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung sẽ là xu hướng của cả thế giới. Nông nghiệp xanh là một cuộc cách mạng mà cả thế giới đang chung tay, tìm giải pháp cho quy định mới của EU là một con đường để chúng ta cấu trúc lại ngành hàng cà phê để phát triển bền vững, chứng minh với thế giới là Việt Nam thực sự tăng trưởng xanh.