(KTSG) - Chi phí thức ăn chăn nuôi nhiều khả năng sẽ ổn định và bắt đầu giảm trong quí 2-2023, mở ra cơ hội phục hồi cho các công ty chăn nuôi trong năm 2023. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng là một yếu tố tích cực.
- Ngành chăn nuôi hy vọng vào những dấu hiệu tích cực
- Người chăn nuôi giảm đến 50% thu nhập do chi phí đầu vào tăng cao
Năm 2022 đầy khó khăn
Trong ba quí đầu năm 2022, các công ty trong ngành chăn nuôi ghi nhận kết quả kinh doanh khá trái chiều nhưng đều có điểm chung là biên lợi nhuận bị siết chặt do chi phí tăng.
Cụ thể, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã DBC) công bố doanh thu thuần của hoạt động kinh doanh cốt lõi (không bao gồm bất động sản) tăng trưởng 13% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận ròng giảm tới 68% do biên lợi nhuận gộp giảm 800 điểm cơ bản, chủ yếu là do chi phí chăn nuôi tăng cao.
Một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã BAF) lại công bố doanh thu thuần giảm 46% nhưng lợi nhuận vẫn tăng trưởng 17% so với cùng kỳ. BAF đã trải qua quá trình chuyển đổi từ kinh doanh nguyên liệu thô sang tự trồng trọt, giúp lợi nhuận ròng tăng lên.
Tương tự, so với nền so sánh thấp, HAG có doanh thu từ mảng chăn nuôi tăng 125% so với cùng kỳ nhưng biên lợi nhuận gộp mảng chăn nuôi cũng giảm 720 điểm cơ bản. MML cũng không phải ngoại lệ khi trong chín tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu mảng chăn nuôi đạt 663 tỉ đồng (giảm 6% so với cùng kỳ) và tỷ suất lợi nhuận gộp ở mức 24,5% (giảm đáng kể so với mức 36,9% trong chín tháng đầu năm 2021) do giá heo hơi giảm và chi phí thức ăn chăn nuôi cao hơn.
Các trang trại thương mại với “mô hình 3F” được tích hợp đầy đủ sẽ là đối tượng hưởng lợi chính nếu việc xuất khẩu chính ngạch được thông qua.
Theo đánh giá của SSI Research, mặc dù đợt bùng phát dịch tả heo châu Phi (ASF) chưa được kiểm soát hoàn toàn giữa các trang trại hộ gia đình nhưng điều này sẽ không quá ảnh hưởng đến tổng nguồn cung thịt heo. Lý do là vì dịch bệnh hiện tại không quá nghiêm trọng như trước đây và việc triển khai tiêm phòng dự kiến sẽ bắt đầu vào năm tới sau khi hoàn thành giai đoạn thử nghiệm.
Về diễn biến giá trong năm vừa qua, giá heo hơi duy trì ổn định trong nửa đầu năm, ở mức trung bình 55.000 đồng/ki lô gam (giảm 25% so với cùng kỳ), sau đó tăng đáng kể trong tháng 7 và tháng 8 và đạt mức cao nhất là 70.000 đồng/ki lô gam.
Tuy nhiên, đà tăng này chỉ duy trì trong một thời gian ngắn vì Trung Quốc sau đó đã áp dụng các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn đối với hoạt động thương mại biên giới theo chính sách kiểm soát dịch Covid-19 của quốc gia này. Kể từ thời điểm đó, giá heo hơi trung bình đã điều chỉnh về mức 53.000 đồng/ki lô gam trong quí 4-2022. Thông thường, giá heo hơi và nhu cầu thường tăng mạnh trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm.
Tuy nhiên, năm nay nhu cầu dường như không tăng lên. Điều này một phần là do niềm tin của người tiêu dùng có phần suy yếu trong bối cảnh lạm phát tăng và thu nhập bị ảnh hưởng.
Về mặt chi phí, các doanh nghiệp chăn nuôi đều đã trải qua năm 2022 khá khó khăn khi giá các nguyên liệu thô đều có xu hướng tăng rõ rệt. Giá các nguyên liệu này đều đạt đỉnh vào quí 2-2022, sau đó giảm tốc trong nửa cuối năm 2022, chỉ còn tăng 10% đối với giá bắp và 25% đối với giá đậu nành, trong khi giá lúa mì giảm 2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí thức ăn chăn nuôi vẫn chưa hạ nhiệt và việc giảm giá đang diễn ra chậm hơn dự kiến.
Thông thường, chi phí thức ăn chăn nuôi thường mất một khoảng thời gian nhất định để điều chỉnh giảm theo giá nguyên liệu vì các nhà sản xuất phải chịu chi phí nhập khẩu cao trong một thời gian dài trước đó. Tình hình càng trở nên khó khăn hơn khi tiền đồng có thời điểm mất giá mạnh so với đô la Mỹ.
Tổng kết lại, ước tính chi phí thức ăn chăn nuôi năm 2022 đã tăng khoảng 38% so với cùng kỳ và gấp đôi so với mức chi phí năm 2020, ảnh hưởng đáng kể đến không chỉ các trang trại hộ gia đình mà còn cả các trang trại thương mại vì chi phí nguyên liệu thô chiếm đến 75% tổng chi phí chăn nuôi.
Theo đó, chi phí sản xuất trung bình của trang trại hộ gia đình ước tính khoảng 55.000-60.000 đồng/ki lô gam, trong khi chi phí sản xuất trung bình của trang trại thương mại ước tính khoảng 50.000 đồng/ki lô gam. Với giá heo hơi bình quân ở mức 55.000 đồng/ki lô gam trong năm 2022, các hộ chăn nuôi hầu như không có lãi.
Các trang trại thương mại theo mô hình 3F (Feed-Farm-Food) mặc dù không bị ảnh hưởng nặng nề như các trang trại hộ gia đình nhưng biên lợi nhuận vẫn thấp hơn nhiều so với các năm trước.
Kỳ vọng vào việc Trung Quốc mở cửa
Về triển vọng trong thời gian tới, dữ liệu từ OECD cho thấy mức tiêu thụ thịt heo bình quân đầu người hiện đã giảm so với mức trước đại dịch (từ 31,4 ki lô gam/người/năm vào năm 2018 xuống còn 26,8 ki lô gam/người/năm vào năm 2022). Điều này mở ra kỳ vọng con số này sẽ hồi phục trở lại trong năm 2023.
Với sản lượng chăn nuôi tăng mạnh trong những tháng gần đây (11 tháng đầu năm 2022 tăng 12,4% so với cùng kỳ), với điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, nguồn cung heo hơi được dự báo khó thiếu hụt trong năm 2023. Do đó, dự báo giá heo hơi sẽ không tăng đột biến, đạt khoảng 60.000 đồng/ki lô gam vào năm 2023 (tăng 10% so với cùng kỳ).
Về mặt chi phí, chi phí thức ăn chăn nuôi nhiều khả năng sẽ ổn định và bắt đầu giảm trong quí 2-2023. Theo đó, dự báo các công ty chăn nuôi sẽ bắt đầu phục hồi vào năm 2023.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ là chất xúc tác cần theo dõi trong lĩnh vực này vì hoạt động thương mại qua biên giới sẽ hỗ trợ giá heo hơi trong năm 2023. Việc xuất khẩu heo hơi chính thức sang Trung Quốc cũng là yếu tố có thể kỳ vọng trong dài hạn. Tuy nhiên, điều này hiện khó xảy ra trong ngắn hạn do còn nhiều quy định liên quan đến nguồn gốc xuất xứ và an toàn thực phẩm.
Cụ thể, để xuất khẩu heo hơi, thịt đông lạnh, Việt Nam cần có vùng chăn nuôi an toàn sinh học được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) công nhận. Tuy nhiên, đặc tính các vùng chăn nuôi của Việt Nam là trang trại lớn, khép kín nằm xen kẽ với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa đủ điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh nên việc đáp ứng các điều kiện còn nhiều thách thức. Mặc dù vậy, các trang trại thương mại với “mô hình 3F” được tích hợp đầy đủ sẽ là đối tượng hưởng lợi chính nếu việc xuất khẩu chính ngạch được thông qua.