Thứ bảy, 30/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ngành chip Đài Loan hướng mạnh vào đào tạo tiến sĩ

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đài Loan cần tăng nhanh số lượng nghiên cứu sinh tiến sĩ về khoa học, công nghệ và kỹ thuật nếu muốn duy trì lợi thế của nền kinh tế này trong ngành công nghiệp chip toàn cầu – theo lời Bowei Lee, Chủ tịch tập đoàn vật liệu chip LCY của Đài Loan.

Chủ tịch Bowei Lee của LCY nói rằng việc tăng số lượng nghiên cứu sinh tiến sĩ là rất quan trọng đối với khả năng cạnh tranh công nghệ lâu dài của Đài Loan. LCY là nhà cung cấp chính về nguyên vật liệu ngành chip cho TSMC. Ảnh: Nikkei Asia

“Sinh viên hiện không còn hứng thú theo đuổi bằng tiến sĩ. Đây là một vấn đề nghiêm trọng đối với sự đổi mới và phát triển công nghiệp trong tương lai của Đài Loan”, Chủ tịch Lee nói với Nikkei Asia.

Sinh viên muốn đi làm sớm để kiếm tiền

Ông cho rằng trợ cấp tiến sĩ ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) ở Đài Loan hiện không khuyến khích nhiều người theo đuổi bằng cấp học vị cao hơn. Ông nói sinh viên chọn làm việc cho các hãng chip hàng đầu của Đài Loan ngay sau khi tốt nghiệp đại học hoặc sau khi có bằng thạc sĩ, thay vì ở lại các học viện lâu hơn để thực hiện các công trình nghiên cứu.

“Một khi thấy bạn đồng học đã ra trường, làm việc tại các hãng chip và nhà cung ứng nguyên vật liệu chip và khi thấy họ được hưởng mức lương tốt, con đường sự nghiệp thênh thang thì khó ai giữ được tâm bình mà theo đuổi sự học lên cao hơn nữa. Liệu bạn có an tâm khi vẫn còn ở trường đại học thêm bốn hoặc năm năm nữa, thậm chí lâu hơn”, Lee nói.

Lee cho biết có quá nhiều sinh viên thạc sĩ tại các trường kỹ thuật của Đài Loan và có quá ít người theo đuổi bằng tiến sĩ. Ông nói rằng chỉ quá trình học tiến sĩ có thể trang bị cho nhân viên tương lai những kỹ năng quan trọng trong quản lý dự án. “Tôi thích tuyển dụng các ứng viên có bằng tiến sĩ. Bởi họ có tất cả các kỹ năng để lập kế hoạch mọi thứ và hoàn thành dự án. Họ không cần ai giám sát, bảo ban họ phải làm gì mỗi ngày”.

Lĩnh vực STEM của Đài Loan đã chứng kiến ​​sự sụt giảm nghiêm trọng về số lượng sinh viên tiến sĩ trong thập niên qua. Số lượng người theo đuổi bằng tiến sĩ trong năm 2021 giảm 4.600 người so với năm 2011, giảm 26% - theo số liệu mới nhất của Bộ Giáo dục. Số lượng sinh viên tốt nghiệp mỗi năm giảm từ khoảng 2.300 xuống còn 1.750 trong cùng kỳ.

Các hãng chip hàng đầu như hãng chip sản xuất theo hợp đồng TSMC và hãng thiết kế chip di động MediaTek có cùng mối lo ngại như Lee.

Chủ tịch Tsai Ming-Kai của MediaTek nói rằng tình trạng thiếu hụt kỹ sư chất lượng cao là mối lo ngại thường trực nhất đối với các nhà phát triển chip. Tương tự là LCY, một trong những nhà cung cấp cồn isopropyl hàng đầu thế giới, chất cần thiết để làm sạch tấm bán dẫn và thiết bị trong quy trình sản xuất chip phức tạp. Khách hàng của LCY là nhiều hãng chip hàng đầu thế giới, bao gồm TSMC, Intel và Micron.

Số liệu tại các trường đại học Đài Loan phản ánh những lo lắng của Lee. Jack Sun, hiệu trưởng Trường đổi mới học thuật công nghiệp thuộc Đại học Yang Ming Chiao Tung (NYCU), một trong những trường kỹ thuật hàng đầu, cho biết tình trạng thiếu nhân tài là mối lo ngại lớn. NYCU và các đại học khác ở Đài Loan phải tìm cách tuyển dụng sinh viên từ khắp châu Á.

Lee cho biết Đài Loan có thể cố gắng thu hút nhiều sinh viên rộng rãi hơn, bao gồm cả từ Đông Nam Á hoặc Ấn Độ. “Nhưng trong trường hợp đó, Đài Loan sẽ cạnh tranh với tất cả các trường đại học hàng đầu thế giới... Và chúng tôi cần đủ động lực và chính sách để giữ chân những tài năng này sau khi họ tốt nghiệp”, Lee nhấn mạnh.

Ông nói, giải pháp cơ bản nhất là khơi dậy sự quan tâm của sinh viên Đài Loan trong việc theo đuổi bằng tiến sĩ trong lĩnh vực STEM. Để đạt được mục tiêu đó, ông đã cố gắng kết nối nhiều nguồn lực nghiên cứu quốc tế hơn với Đài Loan. Ví dụ, mỗi năm ông mời nhiều học giả nổi tiếng quốc tế đến để truyền cảm hứng cho các nhà nghiên cứu và sinh viên trẻ. Trong số này có một số người đoạt giải Nobel về hóa học, chẳng hạn như nhà hóa học lập thể Barry Sharpless và nhà khoa học phân tử Ben Feringa.

“Chúng ta không cần phải lo lắng về việc có quá nhiều bằng tiến sĩ. Những nhà khoa học này chắc chắn cực kỳ hữu ích cho tương lai của chúng ta từ góc độ dài hạn”, Lee kết luận.

Các sinh viên trong chương trình đào tạo nghề bán dẫn do Đại học Yang Ming Chiao Tung (NYCU) tổ chức. Đại học này và các hãng chip nhắm đến những người muốn chuyển nghề sang các ngành liên quan đến chip. Ảnh: NYCU

Đài Loan giải bài toán nhân lực thế nào?

Theo Bộ Giáo dục Đài Loan, số sinh viên mới tốt nghiệp ngành STEM – bao gồm người bằng cử nhân, thạc sĩ hoặc tiến sĩ - đã giảm mạnh ở Đài Loan xuống còn 92.000 vào năm 2019 từ mức 116.000 vào năm 2011. Dân số giảm khiến hòn đảo khó lòng đảo ngược xu hướng trong ngắn hạn.

Trong nhiệm kỳ thứ hai 2020-2024, nguyên lãnh đạo Thái Anh Văn của Đài Loan đã thúc giục ngành giáo dục và các hãng chip Đài Loan nhanh chóng thành lập các trường kỹ sư chuyên sâu ngành chip. Khoản đầu tư trị giá 300 triệu đô la Mỹ do chính phủ, TSMC và MediaTek cùng tài trợ để thành lập bốn “trường học chip” hay chuyên khoa ngành chip trong 8-12 năm tới. Bà Thái ước định sẽ đào tạo thêm khoảng 34.000 nhân lực ngành chip.

“Chúng ta đang chạy đua với thời gian để ươm trồng tài năng ngành chip”, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn nói tại lễ khánh thành Trường Nghiên cứu bán dẫn thuộc Đại học Thanh Hoa Đài Loan ở Tân Trúc hồi tháng 12-2021. Tại buổi ra mắt một trường chuyên ngành chip, bà kêu gọi: “Tôi đặc biệt yêu cầu các trường này mở cửa quanh năm, không nghỉ đông và nghỉ hè, để chúng ta có thể nhanh chóng đào tạo các tài năng”.

Đài Loan đã cung cấp nhiều ưu đãi, đặc quyền cho TSMC và các hãng chip khác. Nhưng Đài Loan đang bắt đầu tụt hậu so với các quốc gia khác đang tài trợ thêm tiền, giảm thuế hào  phóng hơn. Nhà phân tích trưởng Dylan Patel của SemiAnalysis cho rằng lãnh đạo mới Lại Thanh Đức dự kiến sẽ tiếp tục cung cấp cho các công ty chip các khoản trợ cấp và đối xử ưu đãi theo luật bảo vệ môi trường của Đài Loan. Nhưng đồng thời, Đài Loan hiện đang cố gắng đuổi kịp các nước như Liên hiệp châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và tất nhiên là cả Trung Quốc.

Chris Miller, tác giả cuốn “Cuộc chiến chip: Cuộc chiến giành công nghệ quan trọng nhất thế giới” cũng cho rằng chính phủ Đài Loan sẽ không giành chiến thắng trong cuộc đua "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" với các ưu đãi tiền bạc hay thuế khóa.

“Rất khó để giành chiến thắng trong cuộc đua trợ cấp với chính phủ Trung Quốc, vì vậy lý tưởng nhất là không nên đi theo con đường đó. Đài Loan có nền kinh tế nhỏ hơn nhiều nên thậm chí còn khó khăn hơn,” Miller nói. Nhưng Miller cho rằng một lợi ích mà Đài Loan có được là chi phí thấp hơn, không chỉ là tiền lương, mà là "cách phát triển cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái ngành chip".

Theo Nikkei Asia, TechCrunch, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới