Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ngành công nghệ Trung Quốc căng thẳng vì ngấm đòn trừng phạt của Mỹ

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc đang có những dấu hiệu căng thẳng sau khi Mỹ áp đặt một loạt biện pháp hạn chế xuất khẩu nhằm ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh trong các ngành công nghiệp tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và siêu máy tính.

Mỹ áp đặt một loạt hạn chế xuất khẩu công nghệ chip cao cấp sang Trung Quốc kể từ tháng 10 năm ngoái. Ảnh: Economic Times

Nhập khẩu chip bán dẫn vào Trung Quốc đang giảm. Các công ty Trung Quốc phải chạy đôn chạy đáo tìm mua các linh kiện và máy móc quan trọng. Họ phải dựa vào những con chip được chỉnh sửa giảm hiệu suất nhằm tuân thủ quy định hạn chế xuất khẩu chip cao cấp của Mỹ sang Trung Quốc. Nhưng ngay cả những sản phẩm này cũng sắp bị Washington đưa vào các hạn chế xuất khẩu bổ sung.

Các tín hiệu căng thẳng này cho thấy, chính sách kéo dài 9 tháng qua của Washington nhằm ngăn chặn Bắc Kinh tiếp cận các sản phẩm chip tiên tiến và các công cụ để tạo ra chúng đang bắt đầu phát huy tác dụng.

Chật vật tìm mua chip cao cấp

Các quy tắc kiểm soát xuất khẩu được Bộ Thương mại Mỹ áp đặt hồi tháng 10 năm ngoái, cấm xuất khẩu sang Trung Quốc một số chip hiệu suất cao sử dụng trong các ứng dụng AI và trong siêu máy tính, cũng như hạn chế xuất khẩu khác với các loại máy móc, linh kiện và phần mềm sản xuất chip. Các hạn chế xuất khẩu này cũng áp dụng cho những công ty nước ngoài sử dụng các công cụ sản xuất chip của Mỹ.

Emily Benson, nhà nghiên cứu cấp cao chuyên về thương mại và công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nói: “Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu dường như khiến Trung Quốc khó khăn hơn và tốn kém hơn trong mua một số linh kiện đầu vào nhất định”.

Dữ liệu hải quan mà Bắc Kinh công bố trong tháng này cho thấy, nhập khẩu chip của Trung Quốc giảm 22% về giá trị trong sáu tháng đầu năm 2023 so với một năm trước đó. Nhập khẩu thiết bị sản xuất chip giảm 23%, kéo dài đà giảm của năm ngoái.

Các khu vực sản xuất chip hàng đầu chiếm phần lớn trong sự suy giảm nhập khẩu chip của Trung Quốc. Đài Loan, quê hương của TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% mức giảm nhập khẩu chip của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm. Hàn Quốc, quê hương của Samsung, SK Hynix, chiếm gần một phần ba mức giảm nói trên.

Có thể có những yếu tố khác đằng sau xu hướng giảm nhập khẩu chip ở Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu hơn. Bắc Kinh đã đầu tư mạnh vào các ngành công nghệ trong nước nhằm thúc đẩy sự tự chủ lớn hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa đủ khả năng sản xuất những con chip tiên tiến nhất vì các mắt xích chính trong chuỗi cung ứng của chúng nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ và các đồng minh.

Hôm 23-7, Nhật Bản thông báo hạn chế xuất khẩu các thiết bị sản xuất chip quan trọng sang Trung Quốc sau khi Hà Lan công bố động thái tương tự. Hai quốc gia này, cùng với Mỹ, là những nhà sản xuất duy nhất của một số máy móc cần thiết để sản xuất những con chip tiên tiến nhất.

Trong tháng này, một công ty con của Inspur, nhà sản xuất máy chủ AI hàng đầu Trung Quốc, cảnh báo do nguồn cung khan hiếm, công ty gặp khó khăn khi tìm mua những con chip quan trọng. Công ty cho biết doanh thu có thể giảm 30% trong nửa đầu năm nay. Hồi tháng 3, Mỹ đưa Inspur vào danh sách các thực thể bị hạn chế mua công nghệ chip cao cấp của Mỹ.

Không thể tiếp cận những con chip mới nhất, các đối thủ AI của Trung Quốc có nguy cơ bị tụt lại phía sau trong lĩnh vực mà Bắc Kinh đặt mục tiêu dẫn đầu thế giới vào năm 2030. Ngân hàng UBS dự báo nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm AI sẽ đạt 300 tỉ đô la vào năm 2027, từ mức 28 tỉ đô la năm ngoái.

Trong khi đó, những gã khổng lồ công nghệ của Mỹ bao gồm Microsoft, Google và Amazon đang bơm hàng tỉ đô la vào các nền tảng AI của họ mà không bị cản trở.

Các công ty Trung Quốc khác cũng gặp khó khăn trong việc mua linh kiện. Cuối tháng trước, nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu của Trung Quốc, Yangtze Memory Technologies (YMTC), kêu gọi các nhà cung cấp thể hiện “sự liêm chính” và giao các linh kiện máy móc mà công ty này đã đặt mua.

Nanxiang Chen, Chủ tịch kiêm quyền CEO của YMTC, một trong những công ty bị Mỹ cấm mua công nghệ chip cao cấp Mỹ và các đồng minh của Mỹ, nói: “Chúng tôi không thể có được các linh kiện mà chúng tôi đã mua một cách hợp pháp”.

Thúc đẩy công suất sản xuất chip nội địa

Một nhà sản xuất công cụ lớn của Trung Quốc ở Thượng Hải cho biết, công ty giờ đây phải xin giấy phép thông qua các nhà cung cấp ở Mỹ để có thể mua được một số linh kiện nhất định. Một nhân viên công ty này than vãn thủ tục đăng ký giấy phép có thể mất hàng tháng và không có gì đảm bảo cuối cùng sẽ mua được linh kiện.

Một số công ty phương Tây đang được hưởng lợi từ việc Trung Quốc tăng tốc xây dựng công suất chip nội địa. ASML (Hà Lan), nhà sản xuất máy in thạch bản quan trọng đối với sản xuất chip, công bố doanh thu quí 2 tăng 27%, một phần nhờ doanh số bán hàng cho Trung Quốc trong giai đoạn này.

CEO Peter Wennink của ASML cho biết, nhu cầu của Trung Quốc đối với máy móc sản xuất chip kém tiên tiến hơn, không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt, là “rất bền vững trong vài năm tới”. Lý do là Trung Quốc đang đầu tư vào các nhà máy mới để giảm sự phụ thuộc vào chip nhập khẩu.

Ít nhất hai công ty chip của Mỹ đã điều chỉnh thông số kỹ thuật trên sản phẩm để đáp ứng các ngưỡng kiểm soát xuất khẩu. Năm ngoái, Nvidia sản xuất một con chip cho thị trường Trung Quốc có tên là gọi A800, một phiên bản hạ cấp của chip AI cao cấp. Sau đó, công ty này sản xuất một loại chip khác, có tên H800, cũng tập trung vào thị trường Trung Quốc.

Đầu tháng này, Intel ra mắt một phiên bản tinh chỉnh của chip AI Gaudi2 cho thị trường Trung Quốc. Intel đang hợp tác với Inspur để cung cấp loại chip này.

Dù vậy, Handel Jones, CEO của Công ty tư vấn International Business Strategies, cho biết, Inspur dường như đang gặp “vấn đề lớn” khi mua chip cao cấp từ các hãng bao gồm Intel, AMD và Nvidia. Ông cảnh báo chip mới của Intel dành cho thị trường Trung Quốc có thể thu hút sự giám sát của Washington.

Chính quyền Biden đang cân nhắc siết chặt các hạn chế hơn, bao gồm cả việc cấm xuất khẩu chip được sử dụng trong trí tuệ nhân tạo sang Trung Quốc.

Benson của CSIS cho biết chờ xem các biện pháp kiểm soát của Mỹ vẫn thành công hay liệu chúng vô tình đẩy nhanh các nỗ lực bản địa hóa của Trung Quốc.

Hôm 3-7, Trung Quốc tuyến bố hạn chế xuất khẩu galium, một kim loại đất hiếm sử dụng trong một số chip tiên tiến. Gần đây, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Xie Feng, đe dọa Bắc Kinh sẽ trả đũa mạnh mẽ hơn nữa. Ông nói Bắc Kinh “sẽ không nao núng trước bất kỳ hành động khiêu khích nào”.

“Điều đó giống như buộc đối phương mặc đồ bơi lỗi thời trong một cuộc thi bơi lội, trong khi bản thân bạn đang mặc đồ bơi Speedo Fastskin. Thật không công bằng”, Xie nói khi đề cập đến thương hiệu đồ bơi công nghệ tiên tiến nhất.

 Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới