Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngành công nghiệp bán dẫn lên ngôi ở Trung Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngành công nghiệp bán dẫn lên ngôi ở Trung Quốc

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Với tốc độ tăng trưởng 20% mỗi năm, ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đang tạo ra sức hút khổng lồ, kéo theo làn sóng đầu tư ồ ạt từ các công ty trong nước lẫn nước ngoài, theo The Nikkei Asian Review.

Ngành công nghiệp bán dẫn lên ngôi ở Trung Quốc
Trung Quốc xem việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn hướng đến năng lực tự cung là một ưu tiên quốc gia. Ảnh: Business Korea

Thỏi nam châm thu hút đầu tư

Đối với nhiều nhà đầu tư, rót tiền vào ngành công nghiệp bán dẫn ở Trung Quốc là cơ hội kinh doanh tốt nhất chỉ xuất hiện một lần trong đời. Đối với nhiều quỹ đầu tư địa phương ở Trung Quốc, lĩnh vực bán dẫn là nơi họ phải tham gia. Với giới lãnh đạo cầm quyền ở Bắc Kinh, phát triển ngành bán dẫn là một ưu tiên của quốc gia, theo lời của Thủ tướng Lý Khắc Cường nói trong bản báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc mới đây.

Hồi giữa tháng 3 vừa qua, hơn 70.000 nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài cũng như các lãnh đạo trong ngành công nghiệp bán dẫn đã tụ họp tại Thượng Hải để tham dự hội chợ triển lãm ngành bán dẫn mang tên SEMICON China, một trong những sự kiện thu hút nhiều sự quan tâm nhất của ngành bán dẫn kể từ khi Bắc Kinh khẳng định quyết tâm xây dựng một hệ sinh thái bán dẫn để nâng cao an ninh quốc gia và giảm phụ thuộc quá lớn vào các nhà cung cấp nước ngoài.

Hu Yunwang, người sáng lập IC Cafe, một nền tảng về dịch vụ tư vấn ngành bán dẫn trong nước, là một trong những người tham dự SEMICON China.

“Ngành chip bán dẫn của Trung Quốc đang hướng đến những kỷ nguyên vàng ở phía trước. Đó là chủ đề nóng nhất mà bạn sẽ không bao giờ muốn bỏ lỡ”, ông nói.

“Cách đây năm năm, phát triển chip là một nghề nghiệp không được yêu chuộng ở Trung Quốc nhưng hiện tại kỹ sư ngành công nghiệp chip bán dẫn là một trong những công việc thời thượng nhất”, ông nói tiếp.
Ông cho rằng Trung Quốc hiểu rõ ràng chip bán dẫn, với vai trò như là bộ não trong mọi thiết bị điện tử, có tầm quan trọng chủ chốt đối với một quốc gia để thúc đẩy sức mạnh kinh tế và công nghệ trên toàn cầu. “Nếu một nước muốn hùng mạnh, nước đó phải có ngành công nghiệp chip riêng”.

Chính phủ Trung Quốc thành lập Quỹ đầu tư ngành công nghiệp mạch tích hợp Trung Quốc (CICIIF) với nguồn quỹ 22 tỉ đô la Mỹ vào năm 2014 nhằm hỗ trợ các dự án chip khổng lồ và thúc đẩy các chính quyền địa phương và khu vực tư nhân đầu tư vào ngành công nghiệp chip bán dẫn.

Quỹ này đã đầu tư vào nhiều phân ngành chip khác nhau và giúp thành lập những công ty chip hàng đầu Trung Quốc như Semiconductor Manufacturing International (SMIC), Unigroup Spreadtrum & RDA và Yangtze Memory Technology. Trung Quốc muốn những công ty này có thể cạnh tranh với những nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới hiện nay như Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) của Đài Loan), Samsung Electronics (Hàn Quốc) và Toshiba (Nhật Bản).

Đầu tư vào ngành bán dẫn đang trở thành một phong trào quốc gia ở Trung Quốc. Hơn 10 chính quyền địa phương gồm các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, Vũ Hán, Hợp Phì, Thâm Quyến, Thành Đô, Trùng Khánh… đã khởi động các quỹ đầu tư vào ngành bán dẫn.

Ding Wenwu, Chủ tịch của CICIIF, cho biết: “Trước mắt, trọng tâm quan trọng nhất là phải xây dựng các chip cao cấp bao gồm các bộ vi xử lý trung tâm, chip FPGA (một dạng mạch tích có thể được lập trình hoặc tái lập trình theo chức năng  và ứng dụng được yêu cầu sau khi sản xuất) và chip nhớ”, ông Wenwu nói.

Ông khẳng định CICIIF sẽ tiếp tục hỗ trợ đầu tư vào ngành bán dẫn vì Trung Quốc vẫn còn phải nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến bán dẫn trị giá 260 tỉ đô la Mỹ vào năm 2017, cao hơn chi phí nhập khẩu dầu thô hàng năm. Quỹ CICIIF đang trong giai đoạn hai của quá trình huy động vốn. Trung Quốc muốn huy động ít nhất 170-210 tỉ nhân dân tệ cho quỹ CICIIF trong năm năm tới.

Các hãng chip nước ngoài chen chân vào Trung Quốc

Nỗ lực không ngừng của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc để hướng đến năng lực tự cung đã vấp phải các cản lực từ quốc tế, trong đó, Mỹ chặn hầu hết các thương vụ các tập đoàn Trung Quốc mua các công ty liên quan đến chip của Mỹ với lý do an ninh quốc gia.

Dù vậy, nhiều nhà cung cấp chip nước ngoài không muốn bỏ lỡ cơ hội tăng trưởng ở một thị trường khổng lồ như Trung Quốc. Hãng sản xuất chip vi xử lý lớn nhất thế giới Intel là một trong những hãng chip đầu tư quyết liệt nhất vào thị trường Trung Quốc. Gần đây, Intel công bố thỏa thuận hợp tác với công ty Tsinghua Unigroup (Trung Quốc) để sản xuất chip modem 5G vào năm 2019.

Robert E. Bruck, Phó chủ tịch Intel, đã khẳng định cam kết đầu tư vào Trung Quốc trong bài phát biểu tại SEMICON CHINA hôm 14-3 tại Thượng Hải. Ông nói: “Intel là một trong những tập đoàn đa quốc gia lớn nhất đầu tư ở Trung Quốc với giá trị đầu tư hơn 13 tỉ đô la Mỹ…Chúng tôi có khoảng 8.2000 nhân viên làm việc ở hơn 22 văn phòng tại Trung Quốc. Bước tiếp theo của Intel là mở rộng mối quan hệ với các nhà cung cấp nguyên liệu và thiết bị của Trung Quốc để phục vụ cho các hợp tác trong tương lai”.

Intel đang vận hành một nhà máy sản xuất chip nhớ flash NAND ở thành phố Đại Liên và một cơ sở thử nghiệm chip ở thành phố Thành Đô.

Các hãng sản xuất chip nước ngoài khác như Samsung Electronics, SK Hynix (Hàn Quốc) cũng đang mở rộng các nhà máy sản xuất chip ở thành phố Tây An và Vô Tích. Nhà máy sản xuất chip của TSMC ở thành phố Nam Kinh sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 5 tới.

Trong khi đó, với sự hỗ trợ tài chính của chính phủ, các công ty bán dẫn Trung Quốc đang xây dựng ba dự án sản xuất chip nhớ trị giá 38 tỉ đô Mỹ ở các thành phố Vũ Hán, Hợp Phì, Tấn Giang. Hai công ty bán dẫn lớn nhất Trung Quốc SMIC và Hua Hong Group đang triển khai các cơ sở sản xuất chip ở Thượng Hải và Vô Tích.

Tuy nhiên, ông Rick Wallace, Chủ tịch công ty sản xuất thiết bị kiểm tra chip bán dẫn lớn nhất thế giới KLA-Tencor, cho rằng bên cạnh các cơ hội to lớn, Trung Quốc cũng đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc chạy đua với các hãng chip nước ngoài.

Ông cho rằng nhiều thách thức bắt nguồn từ việc Trung Quốc lên kế hoạch phát triển đa dạng sản phẩm chip với nhiều công nghệ khác nhau ở nhiều nơi. Một thách lớn khác là Trung Quốc thiếu lực lượng nhân tài trong ngành công nghiệp bán dẫn và gặp khó khăn trong việc điều chuyển nhân sự trong ngành này trong một đất nước rộng lớn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới