Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ngành công nghiệp game: thành bại tại bản quyền

Nguyễn Lương Sỹ(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Bản quyền không thể tạo ra game hay, nhưng bản quyền sẽ “hộ tống” nhà sản xuất trên mọi bước đường phát hành và tìm kiếm lợi nhuận.

Từ bản quyền vốn không phải là thuật ngữ chuẩn mực theo pháp luật Việt Nam. Bản quyền được sử dụng phổ biến hơn trong thực tế, thường để chỉ quyền tác giả, hoặc thậm chí còn được công chúng hiểu bao gồm cả nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp…

Đường làm game, có… bản quyền phù trợ

Một sản phẩm game luôn gắn liền với rất nhiều đối tượng được bảo hộ bởi pháp luật sở hữu trí tuệ, trong đó nổi bật nhất phải kể đến là quyền tác giả, sáng chế và nhãn hiệu.

Quyền tác giả: có phạm vi áp dụng rất rộng đối với trò chơi điện tử, bao gồm từ câu lệnh, mã code, đến nhân vật, cốt truyện, âm nhạc… Không phải lúc nào nhà sản xuất cũng tự mình thực hiện toàn bộ công đoạn, do vậy đôi khi họ phải trải qua các thủ tục pháp lý để xác lập chuyển giao quyền.

Chẳng hạn, công chúng hẳn không lạ gì các trò chơi chuyển thể từ tiểu thuyết hay phim ảnh nổi tiếng như Harry Potter, Lord of the Rings, Madmax... Để sản xuất được các trò chơi này, chủ đầu tư trước hết phải chi ra khoản tiền không nhỏ để mua quyền làm tác phẩm phái sinh từ tác phẩm gốc.

Sáng chế: dù không phải là phương thức bảo hộ được nghĩ đến đầu tiên dành cho loại hình chương trình máy tính như trò chơi điện tử, sáng chế có thể được áp dụng đối với các nền tảng phần cứng của trò chơi. Điển hình nhất hiện nay là dòng trò chơi thực tế ảo đòi hỏi phải gắn với thiết bị là một bộ kính đặc biệt như PlayStation VR, Meta Quest,…

Nhãn hiệu: không thể thiếu nếu muốn định vị thương hiệu trong mắt khách hàng, chẳng hạn như tên công ty, logo, tên trò chơi, hay thậm chí là tên nhân vật. Các nhà làm game đến từ Nhật Bản rất “thạo” biến tên nhân vật thành một nhãn hiệu “con” nổi tiếng như Mario, hay Pikachu trong Pokemon. Một số dòng game đình đám thậm chí còn không tự đặt tên, mà nhận nhượng quyền từ một bên khác để dễ dàng tiếp cận với khán giả đại chúng.

Thay tên liệu có đổi vận?

Nhãn hiệu luôn là yếu tố then chốt để xây dựng sự thành công, dù đôi khi đó chỉ là vài chữ cái giản đơn. Người thấu hiểu nhất hoàn cảnh này phải kể đến EA Sports lừng danh với chuỗi trò chơi bóng đá mang tên FIFA. Vừa qua, hãng này chính thức thông báo đường ai nấy đi sau 30 năm hợp tác với Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA). Chuyện là hai bên không thống nhất được mức phí nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu FIFA, được cho là lên đến 300 triệu đô la cho bốn năm sử dụng(1).

Hệ quả pháp lý là phiên bản sắp ra mắt của tựa game số một về bóng đá sẽ mang một cái tên mới là EA SPORTS FC. Thay tên đổi vận là thành ngữ thường dùng với mong muốn tích cực, nhưng lần này với nhà Electronic Arts (EA) e là ngược lại. Hãng đã đem về lợi nhuận nhiều tỉ đô la dưới cái bóng FIFA, liệu lần đổi tên này có trở thành một bước ngoặt không mong đợi, khiến tựa game đi xuống trong mắt người hâm mộ?

Cũng trong môn thể thao vua, tựa game quản lý bóng đá Football Manager của SEGA đã trải qua kiện tụng kéo dài với đội bóng nổi tiếng Manchester United. Sự việc chỉ chấm dứt khi các bên đi đến hòa giải ngoài tố tụng. Theo đó, SEGA chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu Manchester United trong trò chơi điện tử của mình, và đổi sang các tên khác như “Manchester UFC”, hoặc “Man UFC” khi chỉ dẫn đến đội bóng này(2).

Thành tại bản quyền, bại cũng tại bản quyền

Như đã nói ở trên, mua quyền làm trò chơi điện tử chuyển thể từ phim không có gì xa lạ với công chúng. Nhưng ở chiều hướng ngược lại, dù có thể ít phổ biến hơn, một số dòng game đã thành công trong việc gây dựng thương hiệu đến mức được mua lại quyền để làm phim. Điển hình là trò chơi đình đám The Last of Us được chuyển thể thành phim truyền hình thông qua một thỏa thuận giữa Sony Computer Entertainment và HBO. Như vậy, chủ sở hữu không chỉ thu được lợi nhuận truyền thống từ bán cho người chơi, mà còn qua việc chuyền quyền làm phim. Quả là quyền tác giả đã bảo trợ pháp lý cho việc thương mại hóa vô cùng hiệu quả.

Các vụ tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực trò chơi điện tử là nhiều không đếm xuể, thậm chí có trường hợp đã phá sản sau khi thua kiện về quyền tác giả. Đó là Silicon Knights trong vụ kiện với Epic Games. Mặc dù hai bên đã có thỏa thuận về việc sử dụng công cụ thiết kế trò chơi điện tử Unreal Engine 3 do Epic Games phát hành, Silicon Knights sau đó sao chép trái phép các mã lệnh của công cụ trên để phát triển một công cụ riêng của chính mình. Năm 2012, Silicon Knights bị buộc phải xóa bỏ nhiều sản phẩm, đồng thời bồi thường khoản tiền gần 9 triệu đô la, dẫn đến tuyên bố phá sản của họ chỉ hai năm sau đó(3).

Trên con đường Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất trò chơi điện tử trên điện thoại di động như hiện nay, các nhà làm game trong nước cũng không thể tránh khỏi những tranh chấp về sở hữu trí tuệ. Gần đây nhất, “ông trùm” ngành game toàn cầu Riot nộp đơn khởi kiện công ty Việt Nam là Imba Technology tại Tòa án liên bang Los Angeles với cáo buộc trò chơi I Am Hero của bị đơn đã sao chép thiết kế nhân vật, cốt truyện, tên gọi từ tựa game lừng danh Liên minh Huyền thoại(4).

Nếu như thua kiện, Imba Technology sẽ đối mặt với khoản bồi thường khổng lồ, đe dọa đến tham vọng vươn xa của họ. Với các nhà sản xuất non trẻ, việc “lấy cảm hứng” từ những tựa game ăn khách cũng là một chiến lược để thu hẹp khoảng cách với các ông lớn trong ngành. Đây là hành vi không bị ngăn cấm bởi pháp luật sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, ranh giới giữa lấy cảm hứng và sao chép trái phép là vô cùng mong manh. Các nhà sản xuất trò chơi điện tử, đặc biệt là từ Việt Nam, phải hết sức thận trọng và cần tham vấn pháp lý kỹ càng trước khi thực hiện để tránh những hậu quả khôn lường.

(*) Thạc sĩ luật, trường Đại học Luật, Đại học Huế

(1) The New York Times, EA Sports is planning for a FIFA without FIFA (https://www.nytimes.com)

(2) Sky Sports, Manchester United to be renamed on Football Manager following trademark settlement (https://www.skysports.com)

(3) Forbes, The Bizzare story behind ‘Too Human’ (https://www.forbes.com)

(4) Reuters, Riot games sues app maker over alleged league of legends ripoff (https://www.reuters.com)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới