Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc trỗi dậy

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hàn Quốc đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn thứ 4 toàn cầu sau khi lọt vào danh sách 10 nước xuất khẩu quốc phòng lớn nhất thế giới hồi năm ngoái. Seoul cũng đang xem nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu quốc phòng như một giải pháp giúp cải thiện cán cân thương mại.

Mô hình tiêm kích FA-50 trưng bày tại trụ sở của Công ty quốc phòng Korea Aerospace Industries ở Sacheon, tỉnh Nam Kyungsang, Hàn Quốc. Ảnh: JPC

Xuất khẩu vũ khí hơn tăng gấp đôi

Tháng 7 năm ngoái, các công ty vũ khí Hàn Quốc giành được gói đơn hàng mua pháo, xe tăng và máy bay, trị giá gần 14 tỉ đô la Mỹ từ chính phủ Ba Lan, báo hiệu một kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp quốc phòng của nước này. Hồi tháng 1-2022, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng nhất trí mua hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không  Block-2 tầm trung của Hàn Quốc, còn được gọi là Cheongung II, trong một thỏa thuận trị giá 3,5 tỉ đô la. Một tháng sau đó, Ai Cập ký thỏa thuận trị giá 1,6 tỉ đô la để mua pháo K9 và xe tiếp đạn K10 dành cho pháo K9 của Hàn Quốc.

Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, doanh thu xuất khẩu vũ khí của đất nước tăng lên mức hơn 17 tỉ đô la trong năm 2022, cao hơn gấp đôi so với 7,25 tỉ đô la trong năm 2021.

Nhìn chung, châu Á và châu Đại dương chiếm 63% xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc trong giai đoạn 2018-2022, theo SIPRI. Philippines, Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia là những khách hàng chính của ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc.

Năm ngoái, Tổng thống Yoon Suk-yeol công khai tuyên bố mục tiêu trở thành một trong bốn nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới, sau Mỹ, Nga và Pháp.

Hàng thập niên chuẩn bị cho cuộc chiến tranh tiềm tàng với CHDCND Triều Tiên đã giúp quốc gia Đông Á này trở thành một trong 10 nhà xuất khẩu quốc phòng hàng đầu thế giới, với sự dẫn dặt của Công ty sản xuất pháo Hanwha Aerospace, Công ty sản sản xuất xe tăng Hyundai Rotem và nhà sản xuất máy bay chiến đấu Korea Aerospace Industries.

“Chúng tôi là một trong số ít công ty trên thế giới có thể cung cấp các hệ thống vũ khí quy ước một cách nhanh chóng và hiệu quả”, Kim Dae-young, Phó Chủ tịch điều hành Hanwha Aerospace, nói.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã thúc đẩy nhu cầu mua vũ khí sản xuất tại Hàn Quốc không chỉ từ các nước phương Tây mà còn từ các nước ở châu Á đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Hàn Quốc là nước bán vũ khí lớn thứ 9 thế giới vào năm 2022, tăng từ vị trí thứ 31 vào năm 2000.

“Chúng tôi tự coi mình là những đấu thủ chính trong ngành công nghiệp quốc phòng toàn cầu nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của các khu vực trọng điểm”, Kim Dae-young nói.

Sự quan tâm của nhà đầu tư đối với các nhà thầu phòng quốc tế, bao gồm cả Hanwha Aerospace, tăng mạnh kể từ khi Nga đưa quân sang biên giới Ukraine vào cuối tháng 2-2022 khi họ kỳ vọng các chính phủ phương Tây sẽ đẩy mạnh chi tiêu quân sự cao. Cổ phiếu của Hanwha đã tăng giá hơn gấp đôi trong thời gian này.

Vì Hàn Quốc sản xuất vũ khí ở quy mô lớn hơn nhiều đối thủ phương Tây, nên nước này có thể sản xuất xe tăng, pháo và máy bay chiến đấu cấp thấp với chi phí rẻ hơn.

Các nhà xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc cũng được chính phủ hỗ trợ, bao gồm cả việc sẵn sàng đặt hàng để giữ cho dây chuyền sản xuất luôn “nóng” khi không có đơn đặt hàng từ nước ngoài.

“Vì tình hình an ninh của chúng tôi rất nghiêm trọng nên chúng tôi luôn sẵn sàng sản xuất ở quy mô lớn và tốc độ nhanh. Nhiều loại vũ khí của chúng tôi cũng dựa trên hệ thống của Mỹ, do đó, chúng có thể được các nước phương Tây và đối tác của họ sử dụng”, Moon Seong-mook, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc gia Hàn Quốc, bình luận.

Xuất khẩu của Hàn Quốc bị ảnh hưởng do cơn suy thoái nhu cầu trong lĩnh vực chip, dẫn đến thặng dư thương mại của đất nước bị xói mòn. “Hàn Quốc từng có thặng dư thương mại, nhưng với sự suy thoái gần đây trong lĩnh vực chip, đất nước rơi vào tình trạng thâm hụt trong năm ngoái. Chính phủ Hàn Quốc nhận thấy, xuất khẩu vũ khí có thể đóng một vai trò lớn trong việc lấp đầy khoảng trống”, Chae Woo-seok, người đứng đầu Hiệp hội Nghiên cứu công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc, nói.

Yang Uk, chuyên gia quốc phòng tại Viện Nghiên cứu chính sách Asan ở Seoul, nói thêm rằng Hàn Quốc cũng “hào phóng hơn nhiều so với các nhà xuất khẩu vũ khí khác về mặt tài trợ”. Ông cho biết các tổ chức tín dụng xuất khẩu nhà nước Hàn Quốc cung cấp các gói tài trợ toàn diện với các điều khoản hấp dẫn.

Haena Jo, nhà phân tích nghiên cứu tại Viện Chiến lược Quốc tế (IISS) ở London cho biết Seoul đã thiết kế “chiến lược tiếp thị thích hợp cho các nước muốn đầu tư và phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng của riêng họ”, bằng cách thiết lập hoạt động sản xuất tại những nước đó đồng thời đưa ra các điều khoản hào phóng về chuyển giao công nghệ.

Trong số 1.000 xe tăng K2 mà Ba Lan đặt hàng của Hyundai Rotem hồi năm ngoái, 180 chiếc sẽ được sản xuất tại Hàn Quốc và số còn lại sẽ được sản xuất theo giấy phép ở Ba Lan.

Ngành công nghiệp vũ khí phương Tây lo lắng

Sự trỗi dậy nhanh chóng của Seoul với tư cách là một thành viên trong ngành công nghiệp quốc phòng toàn cầu và đặc biệt là việc nước này gia nhập thị trường quốc phòng châu Âu, đã gây ra một số lo ngại đối với ngành công nghiệp vũ khí của phương Tây.

“Họ (các công ty vũ khí Hàn Quốc) đã thách thức sự cạnh tranh về giá cả và tiến độ giao hàng, đồng thời, họ cũng tước đoạt công việc kinh doanh của chúng tôi”, lãnh đạo của một thầu quốc phòng hàng đầu của Mỹ, bày tỏ.

Một số lãnh đạo ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu cũng lo lắng về tác động của làn sóng xuất khẩu vũ khí do nhà nước Hàn Quốc hậu thuẫn đối với các kế hoạch của khu vực nhằm củng cố chủ quyền công nghiệp sau chiến sự Ukraine.

“Các công ty vũ khí Hàn Quốc được nhà nước trợ cấp đến châu Âu, thành lập nhà máy và thúc đẩy sản xuất số lượng lớn không phải là mối lo ngại trong ngắn hạn và có ích cho Ukraine. Nhưng về lâu dài, có nguy cơ các công ty này sẽ cạnh tranh với đối thủ trong khu vực có bảng cân đối kế toán kém mạnh mẽ hơn”, lãnh đạo của một công ty quốc phòng ở châu Âu nói.

Tuy nhiên, tại Hàn Quốc, một số nhà phân tích và lãnh đạo trong ngành đang tự hỏi liệu có phải họ đang đối mặt với hạn chế ngày càng rõ ràng trong nỗ lực mở rộng thị phần toàn cầu hay không. Các cuộc đàm phán chi tiết về thỏa thuận mua sắm và sản xuất giữa Ba Lan với Hanwha và Korea Aerospace Industries đã kéo dài trong bối cảnh xuất hiện những bất đồng về các vấn đề tài chính và chuyển giao công nghệ.

Các công ty vũ khí Hàn Quốc hiện lo ngại, chính phủ mới của Ba Lan, dự kiến thành lập vào tháng tới, sẽ kết luận rằng gói đặt hàng là “quá lớn”. Chính phủ Hàn Quốc cũng đang nỗ lực thuyết phục Indonesia tôn trọng các cam kết tài chính đối với chương trình hợp tác phát triển máy bay chiến đấu giữa hai nước.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng tình hình ở cả Ba Lan và Indonesia phản ánh tầm nhìn ngắn hạn của chính phủ Hàn Quốc và các nhà thầu quốc phòng của nước này.

“Thay vì giành được các hợp đồng với những điều kiện bất lợi, Hàn Quốc cần nghĩ đến việc xuất khẩu vũ khí trong dài hạn. Nhưng thay vào đó, chính phủ lại tập trung tìm cách giành được các hợp đồng lẻ tẻ”, chuyên gia quốc phòng Ahn Sung-bum ở Seoul bình luận.

Nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc sang châu Âu gây ra lo lắng ở một số lĩnh vực, nhưng các nhà xuất khẩu phương Tây chuyên về linh kiện quốc phòng cao cấp sẽ được hưởng lợi từ việc Hàn Quốc xâm nhập vào các thị trường khác.

Chẳng hạn  các nước như Philippines có thể không mua được máy bay chiến đấu F-35 do Mỹ sản xuất, nhưng họ có thể mua máy bay chiến đấu tàng hình KF-21 Boramae KF-21 do Hàn Quốc sản xuất, có trang bị linh kiện quốc phòng của Anh và Mỹ.

Các nhà phân tích khác chỉ ra rằng, mô hình xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc có thể mang lại lợi ích cho cả Hàn Quốc và nước nhập khẩu. Nếu thỏa thuận giữa Hàn Quốc và Ba Lan tiến triển theo đúng kế hoạch, Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao tại Sipri, tin rằng điều đó sẽ có lợi cho cả hai bên.

Wezeman cho biết, một phần đáng kể giá trị hợp đồng sẽ vẫn ở Ba Lan, nơi phần lớn công việc sẽ được thực hiện.

Theo Financial Times

2 BÌNH LUẬN

  1. Từ “công nghiệp quốc phòng” chuyển sang “công nghiệp chiến tranh” có lẽ chỉ là gang tấc. Xem ra, thực tế nghịch lý là một khi thế giới càng bất an, xung đột quân sự càng lan tràn, người dân càng khốn khổ… thì công nghiệp chiến tranh càng làm ăn tấn tới ? Tính đến nay, nguồn lực dành cho chiến tranh đã lớn gấp bội lần nguồn lực dành cho phát triển bền vững, trong đó có nhiệm vụ cứu rỗi quả đất, chống biến đổi khí hậu, là quan trọng cấp bách hàng đầu hiện nay, vẫn chưa biết tìm ngân sách ở đâu ra ? Có câu nói, muốn có hòa bình thì phải chuẩn bị chiến tranh. Đó là lý lẽ của những kẻ hiếu chiến. Câu nói đúng hơn phải là, để loại bỏ chiến tranh thì trước hết phải loại bỏ những đầu óc, tư tưởng thù hận với hòa bình.

    • Ngay cả trong 1 nhóm nhỏ người lao động, họ đều có sự cạnh tranh nhất định, huống gì là 1 tổ chức chính trị hay 1 quốc gia. Nếu nâng tầm thì việc cạnh tranh sẽ có cái nhìn khác. Thế giới thời điểm này mà không rõ ràng tư duy rồi đi hai hàng như Chí Thanh nghĩ, người ta để mình yên à? Còn nhiều điều anh chưa thấy hết đó thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới