Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ngành công thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 6% trong năm 2023

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bộ Công Thương cho biết ngành đang đặt ra mục tiêu của năm 2023 là chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 8-9%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư… Bộ đề xuất nhiều giải pháp khắc phục hạn chế ở hiện tại để đạt mục tiêu đề ra trong năm tới.

Cảng Chu Lai hợp tác với nhiều hãng tàu quốc tế như CMA CGM, SITC, ZIM... vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp ra thị trường thế giới. Ảnh: TL

Theo Bộ Công Thương, hiện tại chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 9%; đạt mục tiêu tăng trưởng trong kế hoạch của năm 2022. Dự kiến năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỉ đô la Mỹ; tăng khoảng 10% so với năm 2021.

Tại buổi họp tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 diễn ra ngày 26-12, bộ cũng nêu ra những hạn chế ngành công thương còn gặp phải như sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi cung ứng toàn cầu chưa cao; xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào khối FDI (vốn đầu tư của nước ngoài); việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm; có thời điểm còn xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm cạnh tranh…

Bộ đặt ra mục tiêu trong năm 2023, ngành công thương hướng đến chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 8-9%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư… để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước ở mức 6,5%.

Theo đó, nhiều giải pháp được đề ra như tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo sự chủ động nâng cao năng suất lao động, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các ngành, các khu vực, các thành phần kinh tế để phát triển công nghiệp bền vững.

Cơ cấu lại ngành công thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong chuyển giao công nghệ, phát triển kỹ năng quản trị, hình thành các chuỗi cung ứng, thu hút đầu tư FDI…

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm, khơi thông rào cản về thủ tục hành chính để triển khai các dự án sản xuất, khai khoáng mới; kết nối, mở rộng các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, kết hợp giữa thương mại truyền thống với hiện đại, khai thác hiệu quả thị trường nội địa; theo dõi diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới