Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ngành dệt may, da giày đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 80 tỉ đô la vào năm 2025

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt kế hoạch về chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, ngành dệt may và da giày đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 77-80 tỉ đô la.

Ngành da giày sẽ chuyển dịch từ sản xuất sản phẩm truyền thống sang sản xuất các sản phẩm trung và cao cấp. Ảnh: Lê Hoàng

Thông tin từ TTXVN, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt kế hoạch về chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Ngành dệt may và da giày hướng đến mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030, bình quân tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt 6,8-7%/năm.

Đến năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giày cả nước đạt 77-80 tỉ đô la Mỹ và năm 2030 đạt 106-108 tỉ đô la Mỹ.

Mục tiêu này được đề ra là để phát triển ngành dệt may và da giày thành ngành xuất khẩu chủ lực, có năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước.

Trong đó, đối với ngành dệt bao gồm xơ sợi, dệt, nhuộm và hoàn tất vải, doanh nghiệp cần đầu tư vào các mặt hàng vải dệt kim, vải dệt thoi, vải kỹ thuật; chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước như sản xuất các loại xơ sợi tổng hợp, xơ sợi chức năng, xơ sợi nguyên liệu mới… Đồng thời, các dự án có công suất lớn từ nhà đầu tư có uy tín, sử dụng công nghệ tiên tiến, có quy trình sản xuất đồng bộ, khép kín cần được ưu tiên.

Ngành may cần phát triển những mặt hàng chiến lược có uy tín trên thị trường, tăng dần tỷ trọng các sản phẩm chất lượng cao, dịch chuyển sản xuất về các huyện, thị xã và các khu vực có nguồn lao động và hệ thống hạ tầng thuận lợi.

Còn ngành da giày sẽ chuyển dịch từ sản xuất sản phẩm truyền thống sang sản xuất các sản phẩm trung và cao cấp, các loại giày da, túi xách thông dụng và thời trang. Đối với các sản phẩm phục vụ nhu cầu nội địa, doanh nghiệp cần kết nối và nghiên cứu ứng dụng nguyên liệu mới.

Ngoài ra, về thu nhập của lao động, đến năm 2025, thu nhập bình quân của lao động trong doanh nghiệp ngành dệt may và da giày đạt trên 90% mức thu nhập bình quân chung của lao động trong doanh nghiệp cả nước. Đến năm 2030, thu nhập của lao động ngành dệt may và da giày đạt tương đương mức thu nhập của lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới